Dấu ấn khác của Seachains trước chung kết Rap Việt
Trong phim ngắn ca nhạc 'Đầm Bích', Seachains khẳng định khả năng sáng tác và đọc rap. Song, rapper chưa thành công trong việc gắn kết các ca khúc thành một câu chuyện rõ ràng.
Trong tám gương mặt cạnh tranh ngôi quán quân Rap Việt mùa hai, Seachains – tên thật Huỳnh Long Hải – được giới phê bình đánh giá là nhân tố “cháy” nhất chương trình. Dưới sự huấn luyện của Karik, rapper sinh năm 1995 liên tục gây ấn tượng trên sân khấu bằng những màn trình diễn bùng nổ, khéo léo kết hợp rap với rock để tạo dấu ấn riêng.
Ngay trước thềm chung kết, Seachains giới thiệu dự án phim ngắn ca nhạc đầu tay Đầm Bích. Anh sử dụng ba bài hát để sắp xếp thành câu chuyện dài 12 phút rưỡi, bao gồm Năm trăm lẻ một ngàn đồng, Cho anh cho em (Summer Vee góp giọng) và Chó.
Chuyện đời hai tờ tiền
Bài hát đầu tiên - Năm trăm lẻ một ngàn đồng - mở màn bằng không gian đậm chất rock với tiếng guitar điện và trống đánh thình thịch. Bằng chất giọng trầm, khàn đặc trưng, Seachains cất lời hát kêu gọi mọi người tự hào về cuộc sống của bản thân, sau đó nhấn mạnh: “I love my life” (Tôi yêu đời tôi).
Sau khi kết thúc lời hát, ca sĩ lập tức đưa người nghe bước vào không gian của rap. Anh bắt đầu đọc: “Ở bên trong túi áo / Có một thằng tên năm trăm k / Nó gặp lại thằng bạn một ngàn / Biết bao lâu sau nhiều năm xa”.
Lời rap của Seachains không đơn giản. Anh sắp xếp câu chữ để bài hát trở thành một câu chuyện có thông điệp rõ ràng. Bằng phép nhân hóa, rapper biến những tờ tiền thành nhân vật chính. Sau nhiều năm bôn ba trên đường đời, cả hai gặp lại nhau và bắt đầu tâm sự về chuyện đời.
Hai tờ tiền – một có mệnh giá cao nhất và một thuộc hàng thấp nhất – có số phận hoàn toàn khác biệt, đi đến những nơi không giống nhau.
Tờ “năm trăm k” phiêu lưu đến những nơi xa hoa, hào nhoáng. Nó đi vào vũ trường, nằm trong ví một gã đang phê thuốc, chui vào áo ngực phụ nữ rồi trở về “một căn nhà thật rộng”. Đôi khi nó bị “cuốn thành ống hút đặt trên cái dĩa có hạt li ti”, có khi lại trở thành nguyên nhân gây chết người.
Cuộc đời tờ “một ngàn” cũng không khá khẩm hơn. Nó “rơi ra từ túi áo của một cậu nhóc đứng mua kem cây” nhưng cậu bé không thèm nhặt vì mê chơi game. Hàng ngày, mọi người dẫm đạp tờ tiền đến mức nó rách đi gần nửa tờ mà cũng chẳng có ai thèm quan tâm.
Bản lĩnh của Seachains
Trong giới underground, Seachains vốn không phải là cái tên xa lạ. Chàng trai quê Cần Thơ từng có thời gian làm việc cho Pb Nation khi nhóm tham gia thi The Remix năm 2015. Sau đó, anh tách ra hoạt động như một rapper tự do, phát hành nhiều ca khúc trên mạng như Slow Down (2018), Mười bốn giờ lăm (2019), Anh 17 (2020), I'm Alright (2020),...
Trước khi tham gia Rap Việt, Seachains gây ấn tượng mạnh với khán giả qua Simple Love - hát chung Obito và Lena. Phát hành năm 2019, ca khúc nhanh chóng trở thành một trong những bản hit lớn trong năm, thu hút hơn 180 triệu lượt nghe trên Zing Mp3.
Trong dự án phim ngắn Đầm Bích, Seachains tiếp tục thể hiện bản lĩnh khi tự sáng tác, đồng sản xuất âm nhạc (cùng KET) và thể hiện ca khúc. Phần sản xuất luôn lồng ghép những âm thanh đặc trưng của rock như tiếng guitar, trống khiến phần rap trở nên máu lửa hơn. Một số đoạn gần như bám chặt lấy phần lời để tạo cảm xúc. Chẳng hạn như tiếng súng nổ được chèn vào nhằm tái hiện vụ án mạng vừa xảy ra ở casino.
Khi phim ngắn đi qua nửa thời lượng, âm nhạc bắt đầu chậm lại. Ca khúc thứ hai - Cho anh cho em – thay đổi không khí khi mở màn nhẹ nhàng với guitar theo phong cách acoustic.
Bằng lối xử lý đơn giản, nữ ca sĩ Summer Vee cất lời ca ngợi tình yêu. Cô hát: “Đời này toàn bão tố vây quanh / Tuyệt vời được khép nép trong anh / Lồng ngực này giống đám mây xanh / Em chẳng thể nào sống thiếu anh”.
Sau đó, Summer Vee nhường không gian cho Seachains đọc rap. Anh đáp lại đồng nghiệp bằng cách tiếp tục khẳng định: “Nếu như cả thế giới bỏ anh đi vì anh yêu em khờ dại / Thì anh xin lỗi em trước / Sẽ chẳng còn thế giới nào tồn tại”.
Các ca khúc thiếu kết nối
So với bài đầu, Cho anh cho em không có phần hook (điệp khúc) hay một câu chuyện ấn tượng. Bài hát chỉ như bước đệm để khán giả tiếp tục tiến vào ca khúc cuối – Chó – cũng là bài dữ dội nhất trong bộ ba.
Trong bài cuối, Seachain viết về tình bạn. Anh dùng phần lời để tri ân một người bạn cũ, từng lớn lên như người thân trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống khiến mỗi người một nơi, cả hai không thể đi cùng nhau như xưa.
Điểm nhấn của ca khúc nằm ở phần flow (nhịp rap) nhanh, dồn dập. Seachains cuốn người nghe vào những giai điệu mạnh mẽ, liên tục, đọc rap không ngừng nghỉ.
Ba sáng tác trong phim ngắn có ba phong cách hoàn toàn khác nhau, cho thấy ngòi bút đa dạng của Seachain. Trong ba bài, Năm trăm lẻ một ngàn đồng là sáng tác gây ấn tượng nhất với nhiều hình ảnh gợi mở, nội dung nhiều tầng nghĩa. Hai ca khúc còn lại thiên về mạch cảm xúc với cách dùng từ đơn giản, gần gũi hơn.
Tuy nhiên, xét về nội dung thì chuyện đời hai tờ tiền ở bài đầu và chuyện tình yêu, tình bạn ở hai bài cuối gần như không hề liên quan. Điều đó khiến cho loạt ca khúc chưa thể đứng cạnh nhau như một câu chuyện liền mạch.
Câu chuyện có màu sắc giang hồ
Đạo diễn phim ngắn của Seachains là Lâm Tấn Huy – người từng làm nhiều MV cho làng rap như Lối nhỏ (Đen), Buồn thì cứ khóc đi (Lynk Lee), Thiên hà trước hiên nhà (Datmaniac),… Gần nhất, anh thực hiện MV Real Khum của bộ ba Wowy, MCK và HNHNGAN.
Tương ứng với các sáng tác của Seachains, đạo diễn cũng chia phim ngắn thành ba phần. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là một thanh niên trong nhóm xã hội đen (Seachains đóng). Anh mong muốn hoàn lương nhưng vẫn phải hỗ trợ đàn anh (Trần Hỷ đóng) thực hiện phi vụ cuối cùng trong đêm.
Vì tình nghĩa, nhân vật tham gia vào vụ giết người mà không hề hay biết nạn nhân là cha ruột người mình yêu (Fung La đóng). Cuối cùng, cô cũng trở thành con tin bị cả hai bắt cóc về.
Đoạn giữa phim ngắn mô tả những ký ức tươi đẹp khi cả hai còn hạnh phúc bên nhau. Anh chở cô đi trên đường vắng người, sau đó bộ đôi ngồi ngắm hoàng hôn giữa cánh đồng cỏ lau. Phần cuối tạo kịch tính khi nhân vật quyết định vùng dậy, phản bội đàn anh để cứu người yêu.
Đạo diễn cố gắng sắp xếp câu chuyện để các ca khúc có sự kết nối hơn. Câu chuyện hơi hướm giang hồ gợi nhớ series Chị Mười Ba của Thu Trang hay Người trong giang hồ của Lâm Chấn Khang.
Tuy nhiên, sản phẩm còn đơn giản về nội dung và thiếu sự ấn tượng về mặt hình ảnh. Việc đặt phần lớn bối cảnh ở ban đêm và sử dụng khá nhiều khung hình cận cảnh phần nào khiến cho phim ngắn ít sự đa dạng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-khac-cua-seachains-truoc-chung-ket-rap-viet-post1291841.html