Dấu ấn kịch nói Nam Định tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 tổ chức từ ngày 11 đến 26/6 tại tỉnh Thái Nguyên có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập các tỉnh, thành phố trong cả nước, dự thi 23 tác phẩm. Tại Liên hoan lần này, Đoàn Kịch nói Nam Định (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) mang dự thi vở diễn 'Điều còn lại' (kịch bản: TS. Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: NSƯT Đào Quang). Thành công của Đoàn Kịch nói Nam Định với 1 HCV (NSƯT Thùy Linh); 2 HCB (NSƯT Quang Nhất, NSƯT Hồng Ngát) và 2 Giải Diễn viên xuất sắc (nghệ sĩ Đinh Thị Nhung, nghệ sĩ Đức Tiến) là sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Nam Định trong dàn dựng, tập luyện, biểu diễn.
Đến với Liên hoan, vở diễn “Điều còn lại” do NSƯT Đào Quang đạo diễn đã thu hút khán giả ngay từ phút đầu. Bối cảnh câu chuyện của vở kịch là thời hậu chiến ở một vùng quê. Câu chuyện xoay quanh những sự việc, cách ứng xử của các nhân vật: mẹ Muộn (NSƯT Thùy Linh), anh Bân - con bà Muộn (nghệ sĩ Quốc Chín), chị Thuyến - vợ anh Bân (NSƯT Hồng Ngát), anh Bường - bộ đội (NSƯT Quang Nhất), cháu Được - con riêng của anh Bường và chị Thuyến (nghệ sĩ Đức Tiến), Duyên - bạn chị Thuyến (nghệ sĩ Đinh Thị Nhung)... Cô gái mới 18 tuổi tên Thuyến lấy chồng là anh Bân được vài hôm thì chồng phải ra chiến trường. Duyên chồng vợ vừa bén hơi thì chồng đi xa; ở nhà Thuyến đã nhất thời nảy sinh tình cảm với anh bộ đội đi qua làng tên Bường và để lại kết quả là một đứa con là bé Được. Sự việc bị Duyên phát hiện và lan truyền. Hai người bị làng xóm, chính quyền “đấu tố” về tội “hủ hóa” nhưng chính mẹ chồng - bà Muộn, đã lên tiếng bênh vực cho con dâu với lý do “muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này”. Sau 15 năm đi biền biệt, anh Bân đột ngột trở về. Thì ra do bom đạn làm anh bị mất trí nhớ, sau mới hồi phục dần và nhớ ra quê quán để trở về. Chuyện của chị Thuyến và anh Bường vỡ lở, anh Bân không chấp nhận được sự thật ấy. Cuộc sống của gia đình nhà Thuyến - Bân bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Để rồi, quyết định cuối cùng của anh Bân là đi tìm bố về cho bé Được.
Vở kịch “Điều còn lại” ca ngợi tình yêu thương, sự bao dung và lòng vị tha của con người, được thể hiện qua hình tượng người mẹ, người vợ trong chiến tranh, không chỉ vượt lên những khó khăn, vất vả, thử thách trong cuộc sống với nỗi thương nhớ, cô đơn mà còn cả những định kiến xã hội. Mỗi nhân vật trong vở diễn mang một giá trị phẩm chất nhân cách, nổi bật là biết tha thứ, biết sống vì người khác. Đúng như tên của vở diễn, điều còn lại sau cùng là những vết thương trong tâm hồn tuy chưa thể lành nhưng đã được xoa dịu
bởi được an ủi, chia sẻ bằng tình yêu thương gia đình. Thông điệp của vở diễn nhằm khai thác những khía cạnh sâu kín của đời sống tâm lý, tình cảm của các nhân vật, cách ứng xử giữa con người với con người, cùng nhau chia sẻ, cảm thông, cách thức đối diện với nỗi đau, mất mát do chiến tranh gây ra…
Vở kịch “Điều còn lại” là tác phẩm nghệ thuật được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đầu tư dàn dựng công phu về mặt nội dung và đạo diễn và đã đón nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo đồng nghiệp và khán giả tại Liên hoan. Các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Nam Định dày dạn kinh nghiệm với lối diễn xuất ấn tượng đã lột tả được rõ nét tâm lý, tính cách của từng nhân vật, đã tạo nên những hình tượng nghệ thuật sống động, để lại dấu ấn đậm nét về nội dung vở diễn trong lòng người xem. Trong số những vở kịch tham dự Liên hoan, “Điều còn lại” là tác phẩm đầy xúc động và nhân văn. Vở kịch đã chinh phục hoàn toàn trái tim của khán giả và ban giám khảo. 5 giải thưởng cá nhân được trao cho các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Nam Định tại Liên hoan là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực trong nghệ thuật. Đối với NSƯT Thùy Linh, người từng nhiều lần tham gia và đạt huy chương tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc đã một lần nữa khẳng định kinh nghiệm, tài năng diễn xuất của mình qua vai mẹ Muộn. Nghệ sĩ đã thể hiện xuất sắc những cung bậc cảm xúc một người mẹ có tấm lòng nhân hậu, vị tha, khiến khán giả không thể kìm nén được nước mắt. Bên cạnh đó, NSƯT Hồng Ngát cũng tạo được ấn tượng với vai diễn chị Thuyến. Sự phối hợp giữa hai nữ NSƯT đã tạo nên bức tranh đa chiều về tình cảm giữa mẹ chồng và con dâu, khiến vở kịch trở nên sâu sắc và đầy cảm xúc. NSƯT Quang Nhất chia sẻ: vai diễn của anh trong vở kịch tuy ngắn nhưng là nhân vật đầy cảm xúc mà anh rất tâm đắc. Anh luôn yêu hình tượng người lính, đặc biệt là sự hy sinh của họ trong các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, sự hy sinh không chỉ vì bom đạn trên chiến trường mà cả những dư âm, hệ lụy hậu chiến, đó là những sự hy sinh thầm lặng không dễ sẻ chia. Đặc biệt, ngay trước khi dự Liên hoan, nghệ sĩ có chuyến công tác đi Trường Sa. Những cảm xúc khi chứng kiến hình ảnh những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc giữa muôn trùng khơi dường như giúp anh thêm thăng hoa khi diễn tại Liên hoan ngay sau khi trở về đất liền. Vai diễn tuy ngắn nhưng đã mang về cho anh Huy chương Bạc. Các giải thưởng được trao không chỉ là sự ghi nhận tài năng, sự nỗ lực trong hoạt động nghệ thuật của các cá nhân mà còn là động lực để các nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Nam Định tiếp tục cống hiến và sáng tạo trong tương lai.
NSƯT Thùy Linh, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: Ở Nam Định, kịch nói là một trong những loại hình nghệ thuật có bề dày truyền thống, không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều năm qua, cùng với sự nỗ lực sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kịch nói Nam Định thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật kịch nói nói riêng. Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 là cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VH, TT và DL chỉ đạo, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp tổ chức 3 năm 1 lần nhằm phát hiện, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật kịch nói. Đối với Đoàn Kịch nói Nam Định, đây là dịp các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật kịch nói phục vụ nhân dân. Đồng thời là dịp để Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đánh giá thực trạng hoạt động của nghệ thuật kịch nói Nam Định, kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, bồi dưỡng lực lượng diễn viên kế cận; tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật kịch nói phát triển phù hợp thực tế, xu thế đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.