Dấu ấn lãnh đạo của Đảng trên một số lĩnh vực trọng yếu-Bài 5: Đối ngoại góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam (Tiếp theo và hết)

Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự phát triển của đất nước. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

1. Thực tiễn cho thấy, trong hơn 35 năm kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chiến lược sáng suốt, đúng đắn trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố.

Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Cho đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới. Tính đến tháng 2-2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc). Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 4-6 vừa qua. Ảnh: TUẤN HUY

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 4-6 vừa qua. Ảnh: TUẤN HUY

Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng; được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN...; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở châu Phi. Đáng chú ý, Việt Nam đã đạt được số phiếu gần như tuyệt đối khi ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam cũng tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới, trong đó phải kể đến việc thúc đẩy ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

2. Là một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước Việt Nam, đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) có mục tiêu là thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nhằm góp phần vào công cuộc củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng LLVT, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ĐNQP đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; đóng góp quan trọng vào thành công chung của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; tranh thủ nguồn lực cho xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế. Bằng kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, ĐNQP đã có vị trí quan trọng trong quan hệ, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, phản ánh chân thực chính sách quốc phòng hòa bình của Việt Nam, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lợi ích chính đáng của Việt Nam, qua đó có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Phan Văn Giang tiếp Thượng tướng Sengnouane Xayalath, Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Lào ngày 11-5-2023. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Đại tướng Phan Văn Giang tiếp Thượng tướng Sengnouane Xayalath, Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Lào ngày 11-5-2023. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Những năm qua, công tác hội nhập quốc tế và ĐNQP được đẩy mạnh, thiết thực, hiệu quả, mở rộng trên nhiều hình thức. Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế, diễn đàn quốc phòng, quân sự đa phương khu vực, quốc tế và có đóng góp tích cực, quan trọng vào các cơ chế, diễn đàn này. Qua đó, vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, cử 33 Cơ quan Tùy viên Quốc phòng thường trú tại các nước và LHQ; 52 quốc gia đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng/Tùy viên Quân sự tại Việt Nam.

Trong khu vực, với việc chủ động, tích cực tham gia các cơ chế quốc phòng, quân sự của ASEAN ngay từ những ngày đầu thành lập, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong các hoạt động hợp tác quốc phòng, quân sự của ASEAN, đặc biệt trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), trở thành thành viên có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn. Các đề xuất, sáng kiến hợp tác của Việt Nam luôn được các nước đánh giá cao và đã chứng minh được hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội trong khu vực và trên trường quốc tế khi tích cực, chủ động tham gia và đề xuất sáng kiến tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế. Bộ Quốc phòng cũng đã đăng cai và tổ chức thành công một số hoạt động đa phương lớn, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao như: Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23; Giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN lần thứ 30; Cuộc thi “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022; Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc; các hoạt động Năm đoàn kết Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia và các hoạt động hợp tác với các nước về quân sự, quốc phòng.

Ngoài ra, với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế, uy tín, hình ảnh của một quốc gia có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế. Đây là một trong những trụ cột của ĐNQP, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của QĐND Việt Nam trong những năm gần đây. Đáng chú ý, để tạo hành lang pháp lý cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, ngày 13-11-2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, khẳng định sự tham gia lâu dài của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới, phù hợp với chủ trương đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đặc biệt, việc lần đầu tiên QĐND Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2-2023 đã thể hiện trách nhiệm, năng lực, uy tín của Quân đội ta trước những vấn đề an ninh phi truyền thống, được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận và đánh giá cao. Trong một bài phát biểu tại Hà Nội, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci đánh giá cao những nỗ lực hết sức dũng cảm, những đóng góp quên mình và những hành động vô cùng cao đẹp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam và nhấn mạnh: “Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu”.

Bên cạnh đó, cũng chính từ việc thúc đẩy ĐNQP sâu rộng, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều hơn các nguồn lực từ bên ngoài để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Cùng với đó, ĐNQP đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

3. Thời gian tới, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển thì cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ trên thế giới tiếp tục diễn ra gay gắt, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới. Liên minh châu Âu (EU) khủng hoảng toàn diện, đối diện với nguy cơ chia rẽ sâu sắc. Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga có thể sẽ còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á với vị trí chiến lược ngày càng quan trọng trở thành trọng điểm cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc...

Tất cả những yếu tố đó đều tác động trực tiếp, đa chiều đến sự phát triển của Việt Nam.

Để công tác đối ngoại, trong đó có ĐNQP đạt hiệu quả tối ưu trong củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế cũng như bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa thực lực đất nước và đối ngoại, xây dựng sức mạnh tổng hợp, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Trong thời đại hội nhập quốc tế, thực lực đất nước còn bao gồm cả vị thế, uy tín quốc tế, thể hiện qua các quan hệ song phương, đa phương và sự đóng góp của Việt Nam cho các hoạt động, tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Để tạo sức mạnh cho đối ngoại nói chung, ĐNQP nói riêng thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần tiến hành đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm: “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù”.

Bên cạnh đó, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các nguyên tắc, phương châm đối ngoại trong điều kiện mới. Đặc biệt, hoạt động hội nhập quốc tế và ĐNQP cần triển khai theo đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và ĐNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Không ngừng học tập nội dung tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đặc biệt là sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại nói chung và ĐNQP nói riêng.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất cao; đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng, phát huy truyền thống, đổi mới tư duy, hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi quan điểm, phương châm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân tháng 12-2022: “Chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và ĐNQP, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc... Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình...”.

Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, những thành tựu về đối ngoại, trong đó có ĐNQP đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là tiền đề quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa, tạo động lực mới để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

NGỌC HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/nghi-quyet-va-cuoc-song/dau-an-lanh-dao-cua-dang-tren-mot-so-linh-vuc-trong-yeu-bai-5-doi-ngoai-gop-phan-nang-tam-vi-the-viet-nam-tiep-theo-va-het-730635