Dấu ấn lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong những năm đầu mới chia tách, tỉnh Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng lao động thấp, cơ sở vật chất nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng chậm. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc, một số tổ chức cơ sở đảng giảm sút năng lực lãnh đạo, lúng túng về nội dung, phương thức lãnh đạo, uy tín giảm sút; một số chính sách cán bộ chưa thực sự tạo được sự động viên, khuyến khích tính sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp cơ sở. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Điều đó đòi hỏi đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ để có thêm động lực làm cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững. Trong khi vừa mới chia tách đây thực sự là bài toán nan giải, nhiều thách thức đặt ra cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh làm như thế nào để tạo nguồn động lực cho phát triển, đổi mới mạnh mẽ thể chế chính trị, kinh tế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...

“Chìa khóa” đột phá

Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ tỉnh Bình Phước diễn ra từ ngày 9 đến 11-1-2001 trong bối cảnh đất nước đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, đại hội đã đề ra mục tiêu “thực hiện có hiệu quả công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, phát huy nội lực của địa phương, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài; nâng cao hiệu quả nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chú trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sử dụng tốt nhân tài; đầu tư từng bước cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tạo tiền đề cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và an toàn xã hội, sẵn sàng đối phó mọi tình huống xảy ra”(1).

Việc nhận thức đúng đắn của Đảng bộ tỉnh về nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là “chìa khóa” đột phá cho sự phát triển gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của Đảng để hạn chế các mặt trái tiêu cực của nền KTTT, cũng như những tác động làm cho các quan hệ kinh tế thay đổi về cách thức và phương thức mới theo hướng phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, có nhiều đặc trưng của chủ nghĩa xã hội hơn…

Dấu ấn lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh được ghi nhận và thể hiện thông qua tổ hợp các chiến lược, cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - k¬ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái; thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy lợi thế và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của đất nước, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ lấy con người làm trung tâm, phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Bình Phước đã tạo được sự chuyển biến đáng kể trong nông nghiệp. Cụ thể, giá trị nông nghiệp liên tục tăng qua các năm “năm 2001 tăng 7,99% so với năm 2000, năm 2003 tăng 15,35% so với năm 2002, bình quân thời kỳ 2001-2005 tăng 14,00% vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đưa ra là 7,1%”(2).

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005-2010 với tinh thần “đổi mới, trí tuệ, dân chủ, đoàn kết” đã đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Bình Phước anh hùng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại mở ra giai đoạn phát triển mạnh và đi vào chiều sâu của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa để đưa Bình Phước phát triển. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng. Song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng phát triển khá tốt.

Bước sang giai đoạn 2010-2015, tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã tiếp tục đề ra mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ là phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm tiến độ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; tiếp tục phát triển lâm nghiệp toàn diện, sử dụng hiệu quả 3 loại rừng, tận dụng tối đa mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng phù hợp đặc điểm tự nhiên của tỉnh nhất quán trên quan điểm Đảng lãnh đạo kinh tế thông qua bộ máy chính quyền; xây dựng các tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…

Bước phát triển mới

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục đề ra mục tiêu tổng quát “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tiếp tục đổi mới đồng bộ; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; tạo động lực đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”(3). Đây là bước phát triển mới trong nhận thức về nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và được nêu cụ thể kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; KTTT không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân được xem là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Tạo điều kiện cho các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng phát triển vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của từng địa phương và tình hình chung của tỉnh theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của chính quyền các cấp, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mặc dù trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo điều hành một số mặt còn lúng túng, chưa quyết liệt; phản ứng chính sách có mặt còn chậm; phương thức lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội trong thực tiễn có nơi, có lĩnh vực chưa thật phù hợp dẫn đến hiệu quả, hiệu lực chưa cao, còn biểu hiện “cơ chế xin - cho”, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”…

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nền kinh tế theo những quy luật khách quan của thị trường với bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế của tỉnh với bảo đảm sự ổn định về chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực, khuyết tật của KTTT đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa của toàn dân trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đảng bộ tỉnh đã chủ động, sáng tạo lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương và nghị quyết của Đảng ở các cấp, ngành, các lĩnh vực. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, nâng cao tinh thần, trách nhiệm chính trị và vinh dự của mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế số. Tập trung phân vùng và khu kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị để tăng cường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.

(còn nữa)

1Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ VII (2001-2005), tr.45.

2Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX (2010-2015), tr.49.

3Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X (2015-2020), tr.66.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/138664/dau-an-lanh-dao-phat-trien-kinh-te-cua-dang-bo-tinh