Dấu ấn lịch sử và hồn thiêng sông núi luôn hiển hiện sống động trong dòng chảy hôm nay
Ngày 13/7/2020, kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương chống Pháp 13/7 (1885-2020), huyện Cam Lộ tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
- Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc! Được biết ông đã có quá trình hơn 10 năm gắn bó cùng với huyện Cam Lộ nỗ lực đưa di tích Thành Tân Sở từ một “phế tích” trở thành di tích quốc gia hiển hiện rất sống động hôm nay với Đền thờ Vua Hàm Nghi, các phụ chính đại thần và các tướng sĩ Cần Vương. Chắc hẳn hôm nay trong lòng ông có rất nhiều cảm xúc?
- Có hai cảm xúc khi tôi đến huyện Cam Lộ hôm nay để chiêm ngưỡng Đức Ngài Hoàng đế Hàm Nghi. Đó là gì? Ngày xưa, cách đây hơn một thế kỷ trước, triều đình nhà Nguyễn đã chọn mảnh đất vừa hết sức xa xôi về địa lý, mà hiểm trở cả về địa hình để làm điều đó ngăn cản quân giặc thì ngày nay cảm xúc hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đang đi trên mảnh đất thay đổi từng ngày từng giờ.
Hơn 10 năm trước, chúng tôi tham dự hội thảo cũng đã khác trước, cho đến hôm nay lại càng khác. Nó cho thấy chính mảnh đất này đang phát triển. Trong sự phát triển đó có phần nào đó của “hồn thiêng sông núi”, của những dấu ấn trong quá khứ và chắc chắn là vua Hàm Nghi với Tân Sở là điểm nhấn của trong quá khứ và ngày hôm nay. Ngôi đền khi đã dựng lên chắc chắn sẽ thu hút khách thập phương đến chiêm bái Đức Ngài, học bài học lịch sử và làm cho đất nước này tiếp tục thịnh vượng.
- Vậy theo ông, huyện Cam Lộ cần làm gì để tiếp tục tái hiện những ký ức tâm linh sống động của một giai đoạn quá khứ lịch sử hết sức hào hùng nơi đây?
- Tôi nhớ năm 1995, khi Nhà nước công nhận Di tích lịch sử Tân Sở là Di tích Quốc gia thì nơi đây vẫn là mảnh đất hết sức hoang vắng. Điều đó cũng dễ hiểu do khu vực này bị quân Pháp san bằng ngay sau khi chiếm được Tân Sở, nhất là khi quân đội Mỹ xây dựng căn cứ vào những năm 1960 và việc san ủi trồng cao su những năm 1980, nên tất cả dấu tích của thành dường như đã biến mất trên thực địa. Nỗ lực của các nhà khảo cổ học cũng chỉ lượm lên trong lòng đất một số chứng tích mà thôi.
Địa linh là cái gì đó không thuộc về vật chất. Vì thế rõ ràng từ một phế tích, chỉ cần chúng ta nhận thức đầy đủ giá trị của lịch sử, của sự kiện về các nhân vật anh hùng là lòng dân hướng về theo đúng nguyên lý “có công thì dân lập đền thờ”. Và ở đây không chỉ là dân mà còn được sử ủng hộ của Nhà nước, của Đảng, của Chính phủ, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tôi nhớ mãi cuộc trao đổi trong Hội đồng di sản Quốc gia khi công nhận di tích lịch sử đặc biệt này. Có người nhìn hồ sơ thấy nó hoang vắng lắm. Nó chả có cái gì cả. Thế nhưng chắc chắn giá trị phi vật thể của nó mới là yếu tố quan trọng. Đến ngày hôm nay chúng ta chứng kiến một ngôi đền khang trang như thế này thì chắc chắn trong thời gian ngắn nữa nó tiếp tục được phát huy. Lúc đó chúng ta được hiểu rằng giá trị vật chất chỉ là một yếu tố, còn giá trị tinh thần mới là yếu tố quyết định.
Trong phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo huyện Cam Lộ cũng nhấn mạnh di tích Thành Tân Sở chính là một địa chỉ văn hóa. Với vai trò là địa chỉ văn hóa như vậy cũng có nghĩa nó chính là một địa chỉ kinh tế thu hút mọi người đến với nó và tham gia đóng góp vào sự phát triển. Không chỉ là xây dựng nông thôn mới mà còn là xã hội mới. Không chỉ mới của những công trình chúng ta dựng lên ngày càng to đẹp mà là cái mới bao gồm những giá trị của quá khứ, bao gồm chúng ta bảo tồn những di tích, bảo tồn những thắng cảnh, bảo tồn những sắc thái của con người Quảng Trị. Quảng Trị từng kiên cường trong chiến tranh thì Quảng Trị cũng kiên cường trên công cuộc xây dựng quê hương của mình.
Tất cả những điều trên sẽ làm cho Quảng Trị phát triển, càng thu hút mọi người khắp nơi về nơi này để chiêm bái và tìm hiểu các câu chuyện lịch sử, trong đó có câu chuyện các anh hùng năm xưa như Đức vua Hàm Nghi và các vị phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và các tướng sĩ Cần Vương.
- Tại buổi lễ khánh thành công trình này, thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông đã phát động kêu gọi chương trình “Giọt đồng đúc tượng danh nhân”, để mỗi người đóng góp một giọt đồng làm bức tượng ghi dấu công ơn của vị vua yêu nước và các vị phụ chính đại thần phong trào Cần Vương chống Pháp cứu nước. Ông có thể thông tin thêm về chương trình này?
- Từ 20 năm nay chúng tôi có một cuộc vận động của Hội Khoa học Lịch sử là mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân. Đúng với ý nghĩa câu nói đó mọi người cùng đóng góp vào chương trình. Chúng ta rất trân trọng tấm lòng của các nhà hảo tâm. Nhà nước có thể có kinh phí nhưng điều đó không đáng trân trọng bằng sự đóng góp của mọi nhà dù chỉ là một giọt đồng thôi nhưng cũng là cả một pho tượng. Nó đáng trân trọng bởi mang ý nghĩa là sự tôn vinh của người dân thể hiện một cách cụ thể hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm. Chúng tôi có cơ chế đóng góp. Ví dụ như anh em cựu học sinh Trường Hàm Nghi hôm nay mỗi người đóng góp một chút nhưng một chút đó là cái rất lớn và tự hào về sự đóng góp của mình. Sau khi dựa trên sự đóng góp, chúng tôi sẽ thống nhất với chính quyền địa phương mời các nhà điêu khắc tham gia đúc đồng. Các nhà điêu khắc cũng tham gia với tinh thần đóng góp. Chúng ta sẽ tìm ra mẫu tượng vua Hàm Nghi thích ứng để đúc đồng.
Chúng tôi cũng mong muốn đúc tại Kinh đô Huế để đưa Đức Ngài về đây. Và như thế điều quan trọng là khi mọi việc hoàn thành, mọi người đều cảm thấy mình có đóng góp. Nó cũng giảm thiểu kinh phí không cần thiết, đặc biệt là nó không để xảy ra những sai sót thường thấy trong thực hiện các dự án.
- Xin cảm ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!
Phương Nam (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=150010