Dấu ấn Lilama!
Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng do Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thi công lắp đặt hoàn thành trong thời gian 17 tháng, được các chuyên gia đánh giá về tiến độ đạt được chưa từng có trong lịch sử lắp đặt của ngành xi măng Việt Nam.
Toàn cảnh Nhà máy xi măng Tân Thắng
Thời điểm chúng tôi đến là lúc nhà máy bước vào giai đoạn chuẩn bị chạy thử. Không khí làm việc trên công trường Nhà máy xi măng Tân Thắng hối hả sôi động. Những âm thanh rộn rã trên công trường hòa vào nhau tạo nên bản hòa ca tuyệt vời, âm vang lan tỏa một góc trời miền sơn cước Quỳnh Lưu - Nghệ An.
Dẫn đoàn chúng tôi đi thăm công trường nhà máy, Hoàng Ngọc Bằng – Giám đốc Ban dự án rất tự hào và phấn khởi cho biết; Thời gian này Lilama đang tiến hành bàn giao, đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư vận hành chạy thử nhà máy. Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ ngày tương đương 2 - 2,5 triệu tấn xi măng/năm do Tổng thầu xây lắp gồm Liên danh Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) và Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (Vinaconex E&C) thi công.
Dự án này, Lilama thực hiện gia công chế tạo, lắp đặt kết cấu thép xây dựng và bao che. Gia công chế tạo lắp đặt thiết bị cơ, hệ thống đường ống khí nén, hệ thống đường ống nước. Lắp đặt bảo ôn và cung cấp và lắp đặt vật tư thiết bị điện. Ngoài ra còn thi công lắp đặt hệ thống điện nhà máy. Dự kiến, toàn bộ khối lượng công việc sẽ hoàn thành trong thời gian 21 tháng.
Tổng thời gian thi công đến khi hoàn thành trong vòng 17 tháng. Có thể nói đây là tiến độ ngắn kỷ lục của ngành xi măng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại
Khi bắt tay vào thực hiện, các chuyên gia nhận định, mốc tiến độ hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành một nhà máy xi măng trong vòng 21 tháng là cực kỳ căng thẳng. Trên thực tế, chưa nhà máy xi măng nào hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng trước 24 tháng. Đây sẽ là thử thách lớn đối với năng lực của các nhà thầu lắp đặt trong nước.
Tuy nhiên với bề dầy kinh nghiệm và sự quyết tâm không ngại khó, không ngại khổ, với tiến độ thi công xây lắp theo hợp đồng những người thợ Lilama đã cán đích vượt hơn cả sự mong đợi .Tổng thời gian thi công đến khi hoàn thành trong vòng 17 tháng (từ ngày 21/06/2018 đến ngày 17/11/2019).Tổng khối lượng lắp đặt là 19.964 tấn, tổng khối lượng GCCT là 15.266 tấn.Có thể nói đây là tiến độ ngắn kỷ lục của ngành xi măng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Đưa đoàn chung tôi lên tháp cao của dự án để nhìn thấy toàn bộ nhà máy, nói về quá trình thi công, Bằng không dấu được xúc động nói với chúng tôi; Đến thời điểm này khi công trình hiện hữu sừng sững giữa vùng núi rừng bàng bạc, nhìn lại mới thấy việc thi công dự án này là cả quá trình sáng tạo, vượt khó của những người thợ Lilama. Trong quá trình thi công đã vượt qua được những điều kiện không thuận lợi như: Phải thi công trong hai mùa mưa liên tiếp. Giải phóng mặt bằng khó khăn, chậm so với tiến độ cam kết, hơn nữa có các cơn bão lớn xuất hiện khu vực này gây mưa lớn, dừng thi công.
Mặc dù thời gian không thể thi công do mưa bão là trường hợp bất khả kháng được quy định trong hợp đồng là 29 ngày, nhưng bằng kinh nghiệm, năng lực của mình Liên danh và đơn vị đứng đầu liên danh là Lilama đã có các phương án thi công sáng tạo, rút ngắn được tiến độ, khắc phục được các vướng mắc. Nhưng cũng phải xin nhấn mạnh rằng, mặc dù tiến độ thi công nhanh chạy đua với thời gian, nhưng vấn đề an toàn và chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu, Bằng nói.
Công trình Nhà máy xi măng Tân Thắng mang đậm dấu ấn bàn tay và trí tuệ những người thợ Lilama.
Tôi trở lại câu chuyện với Bằng về vấn đề vận hành chạy thử nhà máy, Bằng cho hay, Lilama chỉ có nhiệm vụ gia công chế tạo và lắp đặt, ngoài ra Lilama sẽ hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình chạy thử nhà máy. Để hiểu rõ hơn mời các nhà báo làm việc thêm với chủ đầu tư, tôi nghĩ có nhiều vấn đề chủ đầu tư cần chia sẻ.
Vui vẻ nhận lời, đoàn chúng tôi được anh Nguyễn Văn Vượng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng tiếp đón rất hồ hởi. Anh Vượng cho biết; Dự án Xi măng Tân Thắng được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư 4.086 tỷ đồng, nhà máy sử dụng thiết bị, dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ nhóm nước EU, G7 cùng thiết bị được nội địa hóa tại Việt Nam đạt tỷ lệ 77%.
Phải nói rằng, với công suất nhà máy xi măng tương tự như Tân Thắng, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50% thì tối thiểu tiến độ thi công là 27-33 tháng. Nhưng đối với công trình Nhà máy xi măng Tân Thắng với tiến độ thi công 17 tháng, thậm chí một số hạng mục quan trọng đã hoàn thành sớm hơn tiến độ cam kết.
Công trình này mang đậm dấu ấn bàn tay và trí tuệ những người thợ Lilama, là một mốc son đáng ghi nhận về tiến độ chưa từng có trong lịch sử lắp đặt của ngành xi măng cũng như ngành lắp máy tại Việt Nam. So với tiến độ thi công của các nhà thầu Trung Quốc vốn khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng thi công và công tác gia công chế tạo, mua sắm thiết bị của nhà thầu gần như hoàn thành ngay sau khi ký hợ đồng, bởi phía nhà thầu Trung Quốc chủ động về nguồn nguyên vật liệu GCCT đầu vào và có sẵn một số mặt hàng trong nội địa cũng như nguồn thiết bị nội địa phong phú và hơn nữa họ được chính phủ nước họ bảo hộ.
“Thật bất ngờ cho ngành lắp máy Việt Nam, bởi ngay khi nhận thông tin về việc Liên danh ký kết hợp đồng sẽ hoàn thành trong vòng 17 tháng với khối lượng thi công lắp đặt khổng lồ gần 20.000 tấn với tỷ lệ nội địa hóa phần chế tạo thiết bị lên đến 77% tôi nghĩ không thể thực hiện được thành công”. Anh Vượng xúc động nói
Tiến độ ấn tượng là vậy, nhưng xem ra con đường dẫn đến công trường nhà máy có đoạn đi khó khăn lắm, cả dự án lớn thế mà có một đoạn đường chưa hoàn thành, sau các xe tải trọng lớn vào lấy hàng thì sao anh Vượng?
Dường như đúng vấn đề công ty quan tâm, anh Vượng nói ngay, về tổng thể chính sách thu hút đầu tư của Nghệ An đã hấp dẫn được các nhà đầu tư. Chính quyền tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số đơn vị triển khai công việc được UBND tỉnh giao như; làm đường giao thông, cấp điện…còn chậm, làm ảnh hưởng đến nhà máy. Không giải quyết được vấn đề này, trong thời gian tới khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ rất khó khăn.
Anh Vượng hóm hỉnh liệt kê tóm gọn trong 3 chữ Đ, đó là “Điện - Đường - Đá”. Đấy các nhà báo xem con đường dẫn vào nhà máy mà đoàn đi qua về cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên chỉ một đoạn khoảng 1km là chưa làm xong còn dang dở, vấn đề này chúng tôi cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ, xem ra trong năm nay chưa xong được. Phần đường đã vậy, phần đá nguyên liệu để sản xuất thì giờ này mỏ đá chưa được cấp giấy phép để khai thác, mặc dù công ty đã hoàn tất thủ tục trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến nếu có nhanh thì cuối tháng 12 này mới có được giấy phép.
Đấy mới là dự kiến nhé, khi có được giấy phép lúc đó tỉnh mới tiến hành giải phóng mặt bằng và bàn giao mỏ cho công ty. Như vậy chậm ngày nào thì công ty tốn kém chi phí ngày ấy. Mặt khác thiệt hại cho ngân sách địa phương.
Về phần điện vừa hôm 8/12, Ban phát triển lưới điện miền Bắc thuộc Công ty lưới điện cao thế miền Bắc đã nghiệm thu đường dây và đóng điện để nhà máy tiến hành chạy thử. “Qua đây chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, ban ngành từ Trung ương, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để nhà máy sớm đi vào sản xuất chính thức” anh Vượng kiến nghị
Chia tay những người thợ Lilama trên công trường nắng gió khắc nghiệt, trong lòng mỗi chúng tôi rất đỗi tự hào vào vui mừng. Một mùa xuân nữa lại về. Nhìn những gương mặt ngời sáng của người thợ hàn, bàn tay khéo léo của người thợ lắp máy Lilama, tôi cảm nhận thấy mùa xuân đang bừng sáng trên gương mặt họ.
Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói “Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Quả thật đúng như vậy, kỳ tích mà những người thợ Lilama làm được tại dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng hôm nay một lần nữa khẳng định Lilama là một nhà thầu EPC có uy tín, là “Cánh chim đầu đàn” của ngành cơ khí Việt Nam.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-an-lilama-post71456.html