Dấu ấn lộ trình đổi mới
Ngày 27/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đây là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006, đánh dấu mốc hoàn thành một lộ trình đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Nhìn lại giai đoạn triển khai đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT từ 2015 đến nay, có thể thấy sau gần 10 năm, các kỳ thi được tổ chức ngày càng đáp ứng yêu cầu trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội.
Bắt đầu từ Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức lần đầu năm 2015, bằng việc kế thừa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “ba chung”, phương án mới là tổ chức một kỳ thi chung với mục tiêu “kép”: Lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng xét tuyển. Đây là đổi mới quan trọng, khắc phục được cơ bản những bất cập gây bức xúc xã hội của các kỳ thi trước.
Theo đó, thí sinh chỉ phải dự đợt thi duy nhất, thay vì phải thi 4 đợt trong năm; được thi ngay tại địa phương hay tỉnh/thành lân cận, không còn dồn về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để thi, từ đó giảm tình trạng ách tắc giao thông và quá tải cơ sở hạ tầng, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội…
Kết quả thi trung thực, khách quan được hầu hết cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào. Trong 5 năm tổ chức, Kỳ thi THPT quốc gia có một số thay đổi nhằm ngày càng làm tốt hơn mục tiêu đặt ra về đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Năm 2020, để đáp ứng yêu cầu áp dụng Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của người học, lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục và chất lượng dạy, học của trường phổ thông. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh. UBND các tỉnh được giao chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm vẫn tổ chức thành công, bảo đảm mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng. Cho đến nay, kỳ thi cơ bản giữ ổn định, chỉ có một số thay đổi mang tính kỹ thuật để tổ chức tốt hơn…
Những kết quả đạt được trong đổi mới kỳ thi đã tác động trở lại công tác dạy học, đổi mới phương pháp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Năm 2024 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được chuẩn bị từ sớm và xa với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thành công của kỳ thi năm nay và kết quả gần 10 năm triển khai đổi mới thi sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 từ năm 2025, đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dau-an-lo-trinh-doi-moi-post689229.html