Dấu ấn một nhiệm kỳ

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ BĐBP nhiệm kỳ 2015-2020 đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ XIV đề ra, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Ngày 19-6, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

Ngày 19-6, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

Nổi bật là Đảng ủy BĐBP đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh phòng chống tội phạm; đối ngoại biên phòng; xây dựng khu vực biên giới; xây dựng nền Biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh và thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá về tổ chức biên chế; công tác huấn luyện và xây dựng chính quy; ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn. Đây là những tiền đề vững chắc để BĐBP tiếp tục lập nhiều thành tích trong nhiệm kỳ mới.

Bài 1: Công tác tham mưu đề xuất sáng tạo, hiệu quả

Xác định, công tác tham mưu, đề xuất là nội dung cực kỳ quan trọng, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với việc quán triệt sâu sắc, nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP vững mạnh; Đảng ủy BĐBP đã nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, phát huy trí tuệ, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách về công tác biên phòng và xây dựng BĐBP sát thực và hiệu quả.

Trước các vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách, phương án xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; không để các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, chống phá; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Dấu ấn thành công nhất trong nhiệm kỳ, chính là Đảng ủy BĐBP đã đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Sự ra đời của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong thực thi nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP, vì đây là chiến lược cụ thể hóa đầy đủ và sâu sắc các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là cơ sở pháp lý vững chắc để BĐBP thực hiện tốt vai trò chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành Pháp lệnh BĐBP, trước những vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Đảng ủy BĐBP đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước cho tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP. Trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh, Đảng ủy BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam để trình Quốc hội thông qua.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập trong thực hiện Pháp lệnh BĐBP, đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các điều ước quốc tế về biên giới, quản lý cửa khẩu mà Việt Nam là thành viên. Qua đó, đảm bảo tính chủ động cho các lực lượng vũ trang nói chung, BĐBP nói riêng trong quản lý, bảo vệ biên giới trong các tình huống, tạo cơ sở pháp lý để các lực lượng và BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới cũng như các công tác phối hợp... xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới theo các hiệp định về biên giới, cửa khẩu mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng. Đồng thời, chuẩn hóa quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy BĐBP cũng chủ động lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh (Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã ký 19 chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể).

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức bố trí các cụm dân cư ở khu vực biên giới và tổ chức ngư dân bám biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; tổ chức cho nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh quốc phòng (khi có yêu cầu) với quan điểm: Ở đâu có đường biên, mốc quốc giới, có biển đảo quê hương, ở đó có nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ.

Còn trên tuyến biên giới biển, các đơn vị BĐBP cũng tham mưu thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả hàng nghìn tổ, đội tàu thuyền, bến bãi an toàn với hàng vạn phương tiện của ngư dân, để giúp nhau bám biển sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với hoạt động tự quản về đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự, các đơn vị BĐBP cũng lồng ghép tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương...

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác tham mưu, đề xuất của Đảng bộ BĐBP đã gặt hái thành công khi BĐBP chủ trì xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam; 4 nghị định của Chính phủ (1 xây dựng mới, 3 lập đề nghị xây dựng); phối hợp xây dựng 8 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tham gia ý kiến 142 văn bản, trong đó có 56 văn bản quy phạm pháp luật, 86 văn bản quy phạm nội bộ, văn bản hành chính; Ban Bí thư ban hành Kết luận số 68 về cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã trên địa bàn biên giới, biển, đảo cả nước.

Đồng thời, Đảng ủy BĐBP đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành có biên giới thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và là lực lượng trực tiếp hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng xử lý kịp thời các vấn đề, vụ việc liên quan đến biên giới, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong đó, Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành tổ chức kết nghĩa đồn-trạm với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước láng giềng (đã có 180/265 đồn Biên phòng kết nghĩa với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng); tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa bản-bản (đã có 205 cặp cụm bản dân cư hai bên biên giới ở 21/25 tỉnh, thành phố ký kết nghĩa).

Xây dựng đề án, phương án, cơ chế thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17-8-2018 của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, trên cơ sở những kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng, giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, Đảng ủy BĐBP đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Kết luận số 68-KL/TW về tăng cường thêm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã trên địa bàn biên giới, biển đảo cả nước. Hiện tại, thực hiện Quy chế phối hợp ký với các tỉnh, thành ủy có biên giới, BĐBP đã tăng cường 332 cán bộ, 1.500 đảng viên đồn Biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới; 9.661 cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới; nhận đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gần 200 cháu học sinh là người Lào và Campuchia.

Trong công tác tham mưu, đề xuất, một dấu ấn nữa của Đảng ủy BĐBP nhiệm kỳ 2015-2020, chính là đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt: Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo; Đề án quy hoạch đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo; nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng Quân đội nói chung và BĐBP nói riêng trong tình hình mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của BĐBP theo hướng “giảm tổ chức, biên chế ở cơ quan, khối phục vụ và tuyến biển, tăng cường tổ chức, biên chế cho tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, đơn vị chiến đấu”.

Tính từ năm 2015 đến nay, theo yêu cầu nhiệm vụ, đã đề nghị thành lập mới 18 đầu mối tổ chức, sáp nhập và tổ chức lại 117 tổ chức, giải thể 9 tổ chức... Việc quy hoạch tổ chức lực lượng BĐBP một cách toàn diện, lâu dài, ổn định, chuyên sâu theo 2 đề án mà Đảng ủy BĐBP tham mưu, đề xuất đã phát huy hiệu quả vai trò “nòng cốt, chuyên trách” của BĐBP trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nói về những thành công trong công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết: Trong những năm qua, Đảng ủy BĐBP đã làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, tổng kết thực tiễn, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, chính sách, góp phần hoàn thiện đường lối, quan điểm, hệ thống luật pháp về xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; thực sự là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 2: Tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-an-mot-nhiem-ky-post430269.html