Dấu ấn ngoại giao văn hóa từ Tuần lễ áo dài

Trong chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024) và 1.984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chương trình nghệ thuật “Hương sắc áo dài Việt” trong khuôn khổ lễ phát động Tuần lễ áo dài (từ ngày 1-8/3) do Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lại nhiều dấu ấn, trong đó đáng chú ý là điểm nhấn về ngoại giao văn hóa.

Khái niệm ngoại giao văn hóa lần đầu tiên được sử dụng, được đặt ở vị trí ngang hàng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế tại Đại hội XI (năm 2011) của Đảng. Đây là nội dung mới trong chính sách phát triển văn hóa và đối ngoại của Đảng, là một bước ngoặt cho hoạt động ngoại giao văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế hiện nay.

Năm nay, hòa chung không khí cả nước, hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam, Hội LHPN Phú Yên phát động phong trào “Áo dài yêu thương” trong hệ thống hội, lan tỏa yêu thương để chị em nào cũng có áo dài mặc trong tuần lễ này; thực hiện bằng việc mặc áo dài trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình và xã hội.

Không chỉ xuất hiện trong đời thường, trong các dịp lễ tết, các sự kiện của quốc gia, áo dài Việt Nam còn là hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, kết nối Việt Nam và thế giới. Ngoài khẳng định vai trò, giá trị của áo dài trong đời sống, văn hóa, xã hội, chương trình “Hương sắc áo dài Việt” khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, tiến tới đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.

Những giá trị đó được gửi gắm trong những bộ sưu tập được lấy cảm hứng sáng tạo từ các di sản nổi tiếng, những cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam; từ quốc kỳ các quốc gia và những dấu ấn ngoại giao đặc biệt giữa Việt Nam và các nước. Dấu ấn ngoại giao văn hóa còn được thể hiện trên bộ sưu tập “Áo dài di sản 5 nước” do phu nhân các đại sứ Armenia, Maroc, Indonesia, Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech tại Việt Nam, trình diễn.

Đây chỉ là một trong những hoạt động đưa áo dài làm đại sứ hình ảnh, đại sứ thầm lặng trong ngoại giao văn hóa.

Ngày nay, hình ảnh chiếc áo dài còn hiện diện nhiều hơn ở các sự kiện quốc tế, sự kiện ngoại giao. Một điều đặc biệt, không chỉ có nữ lãnh đạo, các phu nhân của Việt Nam mặc áo dài, mà áo dài còn là trang phục được lựa chọn của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao các nước mỗi khi đến Việt Nam.

Trước đây, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài đi khắp nơi trên thế giới làm công tác ngoại giao đã bắt đầu phủ sóng. Tháng 3/1963, hàng ngàn đại biểu các nước dự Đại hội Phụ nữ thế giới tại Moscow (Liên Xô) sững sờ khi nghe bà Nguyễn Thị Bình, với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam, mảnh mai trong tà áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Hay trong quá trình đàm phán Paris 1968, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một phụ nữ với gương mặt khả ái, vóc dáng thanh mảnh trong tà áo dài với phong thái trầm tĩnh, đĩnh đạc, nói lên thiện chí của mặt trận, gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí.

Xâu chuỗi và nhìn nhận rằng, trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, khi mặc lên mình chiếc áo dài, biểu tượng đẹp của nền văn hóa dân tộc, với sự duyên dáng, nữ tính cùng niềm tự hào, trí tuệ, bản lĩnh, chính là cách mỗi người khẳng định vẻ đẹp, khí chất người Việt Nam, trở thành cầu nối văn hóa trên khắp vùng miền, lãnh thổ, quốc gia.

Sức sống và sự lan tỏa của Tuần lễ áo dài trong suốt 6 năm qua đã góp phần tôn vinh, khơi dậy trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của áo dài trong cuộc sống, đồng thời là dịp giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

NGỌC DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/314038/dau-an-ngoai-giao-van-hoa-tu-tuan-le-ao-dai.html