Dấu ấn người thợ trẻ giỏi
Nắm bắt cơ hội, nhiệt huyết và nỗ lực hết mình là những nhân tố giúp kỹ sư Đỗ Phi Long trở thành 1 trong 63 'Người thợ trẻ giỏi' toàn quốc lần thứ XI năm 2020. Với phương châm: 'Nếu bạn làm việc vì điều mà mình đam mê, bạn sẽ không phải chờ ai thúc giục', 6 năm làm việc tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan thuộc Vietsovpetro cũng là 6 năm Long nỗ lực hết mình.
Tôi gặp Đỗ Phi Long trong buổi lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020 tại Hội trường Thành ủy TP Biên Hòa. Đây là giải thưởng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thường niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên và cổ vũ, khuyến khích thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ, tay nghề.
Là người con của thành phố biển Vũng Tàu, từ nhỏ, Long đã nhiều lần được theo cha ra vào Vietsovpetro (cha của Long là nhân viên ở đây). Cứ thế, tình yêu với ngành Dầu khí đã thắp lên trong cậu bé Long ngọn lửa đam mê. Lúc ấy, có ai hỏi Long sau này thích làm nghề gì thì Long sẽ trả lời ngay rằng sẽ là kỹ sư của giàn khoan dầu.
Tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông TP HCM năm 2014, chuyên ngành điện tử viễn thông, không suy nghĩ nhiều, Long nhanh chóng về Vũng Tàu nộp hồ sơ dự tuyển. Ước mơ thuở bé đã trở thành hiện thực, Đỗ Phi Long chính thức trở thành kỹ sư hiệu chỉnh của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan (Vietsovpetro). Tuy không phải là kỹ sư làm việc tại các công trình giàn khoan nhưng Long đã trở thành người của Vietsovpetro, một đơn vị chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoạt động trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Long kể rằng, khi nhận việc tại xí nghiệp, Long còn quá trẻ, chỉ có kiến thức từ nhà trường, vì thế Long không khỏi lo lắng và có chút áp lực. May mắn mỉm cười vì Long được các anh, các chú hết lòng giúp đỡ, chỉ dạy tận tình. Giờ đây, Long không những nắm vững kiến thức mà còn giỏi chuyên môn. Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan trở thành nhà, thành trường, tôi luyện chàng thư sinh năm nào thành “Người thợ trẻ giỏi”. Điều đó càng được khẳng định qua những thành tích ấn tượng: Giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019; Huy chương Vàng môn Điện tử công nghiệp trong Hội thi Tay nghề ngành Dầu khí năm 2019; Huy chương Bạc Hội thi Tay nghề giỏi Vietsovpetro năm 2015 và năm 2019.
Nói về sáng kiến “Cải tiến máy đo khuyết tật trong ống chống MSC hệ 40 và 60 càng” giành giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long chia sẻ: “Nhóm chúng tôi đã tự thiết kế và thi công được một hệ gồm 3 máy giếng và trạm đo riêng, giúp tăng thêm 3 máy giếng phục vụ công tác đo khuyết tật trong ống chống và giúp tiết kiệm cho xí nghiệp khoảng 14 tỉ đồng nếu so với việc phải đi mua những máy mới cùng loại của nước ngoài”.
Niềm tự hào lấp lánh trong đôi mắt, tỏa sáng trên gương mặt người thợ trẻ, bởi đây là lần đầu tiên Vietsovpetro có người giành giải Nhất ở hội thi này và cũng là lần đầu tiên kỹ sư trẻ của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan nhận được giải thưởng cao trong sự nghiệp. Điều làm chàng kỹ trẻ sư hạnh phúc hơn khi sáng kiến ấy được ban lãnh đạo Vietsovpetro đánh giá cao và áp dụng thành công trong thực tế.
Ở Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, người kỹ sư sửa chữa máy đo địa vật lý ngoài kiến thức điện tử còn phải có sự am hiểu nhất định về đo địa vật lý và thành thạo kỹ năng cơ khí. Tại đây có nhiều máy móc, thiết bị công nghệ cao, nếu không tự nâng cao kiến thức thì sẽ không thể vận hành được. Nhờ đó, Long có cơ hội được cọ sát, thực hành với những chuyên gia giỏi, những công nghệ tiên tiến, mỗi ngày từng chút, từng chút một, Long vững tay nghề, giỏi chuyên môn hơn. Với phương châm: “Nếu bạn làm việc vì điều mà mình đam mê, bạn sẽ không phải chờ ai thúc giục. Tầm nhìn sẽ lôi cuốn bạn”, ngày qua ngày, ngoài việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn, Long còn tự học thêm tiếng Nga để đọc hiểu các tài liệu máy và trao đổi với các đồng nghiệp người Nga trong xí nghiệp được thuận tiện mà không cảm thấy mệt mỏi hay áp lực như lúc ban đầu mới vào Vietsovpetro. Và, nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi cái tên Đỗ Phi Long tiếp tục được xướng lên trong lễ vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020.
Kỹ sư Đỗ Phi Long cho biết, thành công của anh có được hôm nay không phải chỉ nhờ kiến thức mà còn nhờ sự đoàn kết của các nhân sự, tầm nhìn và sự tin tưởng của lãnh đạo xí nghiệp, lãnh đạo Vietsovpetro.
Trong năm 2020, tác động kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành dầu khí toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến Vietsovpetro. Ngay từ đầu mùa dịch, lãnh đạo Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan đã rà soát, xây dựng kế hoạch tiết giảm tối ưu chi phí, chống lãng phí (chủ yếu là chi phí quản lý, sản xuất). Lúc này đây, mọi người trong xí nghiệp đồng lòng chung tay góp sức, vận dụng sự sáng tạo, tận dụng nguồn lực và máy móc hiện có để cải tiến nhằm vận hành bộ máy đạt kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất có thể.
Kỹ sư Đỗ Phi Long gửi lời nhắn tới các bạn trẻ: “Bạn không cần phải xuất sắc khi bắt đầu, nhưng hãy bắt đầu để trở nên thật xuất sắc!”.
Đỗ Phi Long đã ghi nhiều dấu ấn: Giải Nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019; Huy chương Vàng môn Điện tử công nghiệp trong Hội thi Tay nghề ngành Dầu khí năm 2019; Huy chương Bạc Hội thi Tay nghề giỏi Vietsovpetro năm 2015 và năm 2019.
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/dau-an-nguoi-tho-tre-gioi-580629.html