Dấu ấn Nguyễn Thị Oanh

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh là một trong những gương mặt được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam 2022. Với cô gái 'hạt tiêu', chặng đường đến vinh quang là một nghị lực đáng khâm phục.

Khi được vinh danh tại Vinh Quang Việt Nam 2022, Nguyễn Thị Oanh nói rằng: “Chướng ngại vật trong trường đua của tôi là những thanh gỗ rất to dài, tôi đã phải rèn luyện rất nhiều thì mới vượt qua, dù nó khá khác với những chướng ngại vật trong cuộc sống nhưng nó vẫn có những điểm khá giống nhau, tương đồng với nhau. Đây đều là những khó khăn, vất vả, gian nan mà bản thân chúng ta phải thực sự bản lĩnh quyết tâm thì mới vượt qua được”.

VĐV Nguyễn Thị Oanh đóng góp nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam. Ảnh: TV.

VĐV Nguyễn Thị Oanh đóng góp nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam. Ảnh: TV.

Nguyễn Thị Oanh đã đúc kết ra được 4 nguyên lý giúp cô vượt qua được chướng ngại vật, đó chính là: Thứ nhất là niềm đam mê, sự nhiệt huyết của bản thân với bộ môn điền kinh; thứ 2 là cảm thấy tự hào vì mình là con người Việt Nam, được thừa hưởng sự kiên trì, quyết tâm; thứ 3 là sự quyết tâm, khát khao cháy bỏng của bản thân chinh phục thành tích mang vinh quang về cho Tổ quốc; điều thứ 4 chính là sự mong mỏi được đáp lại tình yêu thương của gia đình, bạn bè, người hâm mộ.

Tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh đã giành 3 Huy chương vàng SEA Games 31 ở các nội dung chạy dài nữ là 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Kết thúc SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh là 1 trong 4 vận động viên xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Đây được xem là dấu ấn lớn nhất trong năm 2022 của Nguyễn Thị Oanh.

Nhưng đây chưa phải mục tiêu cuối cùng của Oanh trong năm nay. Cô cho biết, tại Đại hội thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2022, Nguyễn Thị Oanh sẽ đại diện cho tỉnh Bắc Giang tham gia tranh tài các nội dung. Cô sẽ hướng đến những danh hiệu cao nhất. Tại giải vô địch quốc gia 2021, ở nội dung 5.000m, Nguyễn Thị Oanh từng giành Huy chương vàng và phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại 18 năm qua với thành tích 15 phút 53 giây 46 (kỷ lục cũ là 16 phút 35 giây 50). Chưa dừng lại ở đó, cô gái "vàng mười" còn phá kỷ lục ở nội dung 10.000m với thời gian 34 phút 08 giây 54 (kỷ lục cũ là 34 phút 48 giây 28).

Nhưng đó cũng là dấu mốc trong một hành trình dài đầy nghị lực của cô bé “hạt tiêu”. Năm 2013, sau khi giành Huy chương bạc tại SEA Games 27 trên đất Myanmar, Nguyễn Thị Oanh đã lui vào hậu trường một thời gian dài. Nguyễn Thị Oanh phải tạm nghỉ thi đấu để điều trị căn bệnh viêm cầu thận.

Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Đó là quãng thời gian rất khủng hoảng với Oanh. Lúc đó tôi đang tập luyện, thi đấu bình thường và đang trên đà phát triển của một vận động viên trẻ. Nghe tin bị viêm cầu thận như một tin sét đánh ngang tai. Lúc đó, tôi phải nghỉ tập luyện và thi đấu. Trong khoảng thời gian điều trị bệnh, tôi không được tham gia bất cứ hoạt động thể lực nào, kể cả những hoạt động nhẹ nhàng nhất. Bởi đặc thù của căn bệnh đó là mình không được vận động nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong quá trình tôi điều trị bệnh, có sử dụng nhiều loại thuốc, để lại những tác dụng phụ về cơ xương khớp.

Thế nên có lúc tôi đã nghĩ hết duyên với bộ môn này rồi. Lúc đó tôi rất buồn, có một thời gian tôi giống như bị trầm cảm. Tôi cảm giác hụt hẫng, chán nản với mọi thứ xung quanh. Nhưng rất may mắn, bên cạnh tôi có gia đình, bạn bè, người thân, các thầy cô quan tâm, ủng hộ, động viên. Khi đã kết thúc điều trị ở bệnh viện, về điều trị ở nhà thì Oanh có tham gia học tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Trong môi trường thể thao, khi hằng ngày tôi đi bộ tập thể dục, thấy mọi người hăng say tập luyện, tôi thấy sự nhiệt huyết trong người mình sục sôi. Tôi ao ước, khát khao được chạy, được giành thành tích cao, khoác lên mình màu cờ sắc áo Việt Nam để tranh tài ở môi trường đỉnh cao. Đó là động lực để thôi thúc tôi trở lại với đường đua”.

Chia sẻ về quá trình tập luyện, Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Tôi tập 2 buổi sáng (2 tiếng) và chiều (2 tiếng) tùy từng bài tập và kế hoạch buổi tập khác nhau. Trong 1 tuần có 2 ngày hồi phục và nghỉ ngơi. Nhưng trong quá trình thi đấu, có những nội dung khắc nghiệt nên huấn luyện viên phải điều chỉnh cho Oanh có những lịch tập luyện phù hợp hơn và những buổi tập luyện dàn đều trong tuần”.

Với Nguyễn Thị Oanh, đấu trường ASIAD vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cô quyết phải chinh phục. Năm 2018, cô đã dự ASIAD 18 ở Indonesia và đoạt Huy chương đồng nội dung 3.000m chướng ngại vật nữ. Năm nay, cô đang tập luyện rất tập trung để kỳ vọng sẽ trở lại đường tại ASIAD lần thứ 19 (tổ chức tháng 9/2023) ở Trung Quốc nhằm đổi màu huy chương mang vinh quang về cho Việt Nam.

Hưng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/dau-an-nguyen-thi-oanh-i667251/