Dấu ấn nhà tình báo huyền thoại Mười Hương qua lời kể luật sư Trần Văn Tạo

Nhớ về nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương, luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM) cho biết, dù là bậc thầy về tình báo nhưng ông Mười Hương luôn sống giản dị, chân thành...

Giản dị mà sâu sắc

Đến viếng lễ tang nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), người học trò Trần Văn Tạo xúc động nhớ về những lời dăn dạy khi sống và làm việc một thời gian với ông Mười Hương.

 Luật sư Trần Văn Tạo kể về dấu ấn đẩy kỷ niệm với người thầy-nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương khi đến viếng lễ tang.

Luật sư Trần Văn Tạo kể về dấu ấn đẩy kỷ niệm với người thầy-nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương khi đến viếng lễ tang.

Theo ông Tạo, khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo năm 1974 ông về làm việc với ông Mười Hương trong một thời gian dài.

“Tôi nhớ có lần chú Mười Hương gọi tôi vào phòng hỏi, mày sống với chú có tiến bộ không? Rồi trả lời luôn là chưa tiến bộ. Ổng đưa ra một bức thư do tôi viết, chỉ từng lỗi chính tả, cú pháp…và bảo thế này thì chưa được”, luật sư Tạo nhớ lại.

Theo ông Tạo, dù là bậc thầy về tình báo nhưng cách sống của chú Mười Hương vừa đạo đức, vừa cách mạng. Chú Mười sống và dạy dỗ anh em, những người dưới quyền của mình bằng thực tế cuộc sống, không chỉ bảo bằng sách vở, lý thuyết suông.

Với luật sư Trần Văn Tạo, hình ảnh in đậm nhất về người thầy của mình là cách sống giản dị, chân thành nhưng cực kỳ sâu sắc trong công việc.

“Có một thời tôi phụ trách tình báo Sài Gòn, chú Mười đã dạy tôi về cách đối nhân, xử thế vời từng người, từng thành phần trong xã hội. Lời dạy mà theo tôi là đúng với phẩm chất của một nhà tình báo tài ba”, lời ông Tạo.

Luật sư Tạo kể tiếp, chú Mười dạy tôi khi làm việc với trí thức thì phải thế nào? Làm việc với Tôn giáo phải chú ý cái gì, làm việc với người Hoa chú ý cái gì….

Theo chú Mười, với người trí thức đừng bao giờ phân công họ theo dõi nội bộ nhau, bởi vì như thế là xúc phạm lòng tự trọng của họ. Làm việc với Tôn giáo thì đừng yêu cầu người ta bỏ đạo, vì đó là niềm tin họ tôn thờ. Làm với người Hoa thì phải nhớ rằng rằng, với họ tính dân tộc nó cao hơn quê hương. Vì người Hoa ở đâu thì người ta cũng nói mình là dân tộc Hoa, chứ không nói là người Hoa Bắc Kinh, hay người Hoa Sài Gòn, hay người Hoa Singapore, Maylaysia…

Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại

Ông Tạo cũng nhớ về cách sống thắm tình đồng đội của nhà tình báo huyền thoại Mười Hương.

Đó là trường hợp Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, khi hy sinh không ai biết phần mộ nằm ở đâu còn người nhà thì dấu. Chú Mười Hương kêu tôi và đồng đội phải đi tìm bằng được, sau đó cũng chính chú Mười đề nghị Nhà nước phong tặng Anh hùng cho Đại tá Thảo.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới viếng nhà tình báo huyền thoại Mười Hương

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới viếng nhà tình báo huyền thoại Mười Hương

“Ngay chị Tôn Nữ Thị Ninh cũng được chú Mười đưa từ ngoài vào rồi đưa đi Pháp học. Sau đó trở thành nhà ngoại giao rất giỏi. Những huyền thoại tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ đều là cơ sở của chú Mười Hương. Với tôi và nhiều anh em, đồng đội khác chú Mười Hương là Tứ đại kỳ lão của Sài Gòn, bao gồm: chú Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), chú Mai Chí Thọ và chú Võ Văn Kiệt ”, ông Tạo cho hay.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dau-an-nha-tinh-bao-huyen-thoai-muoi-huong-qua-loi-ke-luat-su-tran-van-tao-649369.html