Dấu ấn những họa sĩ chiến sĩ

Những họa sĩ như: Nguyễn Bích, Dương Hướng Minh, Mai Văn Hiến, Lê Lam... đều là những tên tuổi thành danh với các tác phẩm hội họa đặc sắc. Họ có điểm chung là đều từng công tác tại Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và có những đóng góp về mỹ thuật cùng phong cách trình bày tạo bản sắc riêng cho tờ báo chiến sĩ.

1. Một trong số ít họa sĩ từng công tác tại Báo QĐND cả giai đoạn chống thực dân Pháp và những năm chống Mỹ, cứu nước nay còn sống là họa sĩ Lê Lam. Ông nổi tiếng với những bức họa thời chiến. Với những đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Chúng tôi đến thăm căn nhà nhỏ của người họa sĩ lão thành trên gác 3 Khu tập thể Thành Công (Hà Nội). Ở ngưỡng tuổi 90, sức khỏe của ông đã kém đi nhiều, trí nhớ cũng không còn tốt nhưng tình cảm dành cho tờ báo chiến sĩ vẫn vẹn nguyên nơi ông. Họa sĩ Bạch Liên-con gái ông cho chúng tôi xem đoạn video clip của một tờ báo nước ngoài phỏng vấn ông. Ở đó, chúng tôi thấy một Lê Lam đầy nhiệt huyết, yêu quê hương đất nước vô bờ bến. Ông nói trong xúc động: “Trong chiến tranh, màu xanh là màu bị tàn phá nặng nề nhất, chỉ còn lại những màu sạm, màu gio, màu bẩn thỉu của đất trộn với đạn bom, khói súng. Đó là những màu tương phản ám ảnh tôi... Trong tranh, tôi vẽ những chặng đường mình đã đi, đã chứng kiến biết bao làng mạc bị tàn phá. Nhưng trong khốc liệt ấy, nhân dân Việt Nam-những con người rất nhỏ bé nhưng anh dũng, kiên cường không ngại gian khổ, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.

 Minh họa truyện ngắn “Cao xạ pháo lớn mạnh không ngừng” (năm 1957) của họa sĩ Lê Lam đăng trên Báo Quân đội nhân dân.

Minh họa truyện ngắn “Cao xạ pháo lớn mạnh không ngừng” (năm 1957) của họa sĩ Lê Lam đăng trên Báo Quân đội nhân dân.

2. Trong quá trình tìm hiểu về các họa sĩ từng công tác tại Báo QĐND, chúng tôi được họa sĩ Lê Đức Tuấn, tác giả cuốn “Nhật ký bằng tranh” được phía Mỹ trao trả cho Việt Nam, nhắc nhớ về họa sĩ Đỗ Sơn. Những sáng tác của ông phong phú với nhiều đề tài, đặc biệt là về lực lượng vũ trang. Họa sĩ Đỗ Sơn đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Tranh của ông được nhiều bảo tàng và người sưu tập trên thế giới tìm mua. Họa sĩ Đỗ Sơn công tác tại Báo QĐND không dài (từ năm 1971 đến 1973) nhưng những năm tháng làm báo sôi động ấy vẫn in đậm trong ký ức của ông. Ông kể, làm báo thường xuyên phải thức đêm để trình bày báo. Đặc biệt, những ngày đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, cho máy bay B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng... kíp trực làm báo thức trắng đêm để ngày hôm sau kịp thời phát hành báo đến bạn đọc. Vất vả là thế nhưng ai cũng cố gắng. “Tin chiến thắng từ các mặt trận như giục giã chúng tôi nỗ lực hết mình”, họa sĩ Đỗ Sơn nhớ lại.

3. Với họa sĩ Lê Đức Tuấn, những ngày làm báo tháng 4-1975 vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Cả tòa soạn lúc đó đều náo nức, hân hoan theo bước chân thần tốc của các cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các bộ phận làm báo với tinh thần khẩn trương nhất. Được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ Chiến cục mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh, bản đồ quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30-4... họa sĩ Lê Đức Tuấn và họa sĩ Nguyễn Sơn đã phân công nhau thức đêm làm việc. Chuẩn bị cho số báo ngày toàn thắng, không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng để số báo ngày đặc biệt phải thật chỉn chu, ý nghĩa. Tấm bản đồ quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30-4, thời gian chuẩn bị chỉ có nửa ngày, các họa sĩ miệt mài, cố gắng vẽ thật chính xác, dễ hiểu, khí thế và đẹp mắt để thể hiện tầm vóc, quy mô của trận đánh. Tấm bản đồ đăng nổi bật ở trang nhất cùng với tin chiến thắng...

“Từ những số báo đầu tiên đến những số báo được xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ và cho tới nay, Báo QĐND luôn có phong cách, dấu ấn trình bày riêng, rõ ràng, mạch lạc, thấm đẫm hơi thở của người chiến sĩ và cuộc sống”, họa sĩ Lê Đức Tuấn bày tỏ.

Những thế hệ làm báo hôm nay vẫn luôn nhắc đến các họa sĩ của Báo QĐND trong chiến tranh với niềm cảm phục, ngưỡng mộ. Họ là những nghệ sĩ cầm bút vẽ, đồng thời cũng là những chiến sĩ có mặt trên các chiến trường...

HUY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dau-an-nhung-hoa-si-chien-si-641339