Dấu ấn ở Di tích lịch sử chiến khu rừng Sác

Đất nước đã thống nhất gần 50 năm nhưng những chiến công kỳ diệu, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác đã trở thành huyền thoại về ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Đến thăm Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác - một căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước để “thực mục sở thị” những hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, chúng tôi cảm nhận và hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công.

Một tấc không đi, một ly không rời trận địa

Ngày 15-4-1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Bộ đội đặc công rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ...

 Hình ảnh mô phỏng chiến sĩ Đặc công rừng Sác tại Khu di tích.

Hình ảnh mô phỏng chiến sĩ Đặc công rừng Sác tại Khu di tích.

Những năm chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác là đơn vị hoạt động độc lập. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu của quân đội. Ban chỉ huy và Ban hậu cần Trung đoàn 10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô. Những nhu yếu phẩm như: Gạo, đường, thuốc… đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ.

Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969-1971) cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa”.

Theo hướng dẫn viên Đặng Văn Hiệp thì ở Khu di tích lịch sử này có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất.

 Tượng đài Đặc công rừng Sác.

Tượng đài Đặc công rừng Sác.

Thắp nén tâm hương trước tượng đài Đặc công rừng Sác, nơi mà những chiến sĩ quả cảm đã làm nên những chiến công hiển hách, khiến cho quân thù phải khiếp sợ, nhiều du khách nghẹn ngào khi nghe hướng dẫn viên kể về thời gian sống và chiến đấu vô cùng khó khăn, vất vả và hiểm nguy của các chiến sĩ. Nhưng tinh thần quả cảm của các anh mãi mãi là những bản hùng ca sáng chói cho các thế hệ sau này noi theo.

Em Nguyễn Minh An, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi được sinh ra trong hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua sách, báo… nên những chuyến đi thăm các di tích lịch sử như thế này sẽ giúp chúng tôi hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu kiên cường, quả cảm của thế hệ trước. Để rồi, qua đó, thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống của cha ông, xây dựng đất nước ngày càng phát triển".

Chiến tranh đã lùi xa, những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của bộ đội đặc công rừng Sác năm xưa giờ đây được tái hiện lại thông qua những mô phỏng, giúp người xem hình dung về cuộc sống và chiến đấu của các chiến sĩ.

Mô phỏng sáng kiến nấu nước mặn thành nước ngọt của bộ đội Đặc công rừng Sác.

Mô phỏng sáng kiến nấu nước mặn thành nước ngọt của bộ đội Đặc công rừng Sác.

Toàn bộ rừng Sác là rừng ngập mặn, quanh năm không có nước ngọt, đặc biệt là vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chèo ghe ban đêm, luồn lách tránh biệt kích, máy bay để vào các ấp chiến lược chở từng can nước giếng. Về sau, địch biết và nắm được quy luật này nên đã tiến hành phục kích án ngữ các giếng, bờ ao. Nhiều chiến sĩ đã phải đổ máu để có thùng nước ngọt. Vào thời kỳ căng thẳng nhất không còn cách nào bám đất liền, đơn vị phát huy sáng kiến lấy xoong, nồi nấu nước mặn chảy ra từng giọt nước ngọt (nước đun sôi-bốc hơi-gặp lạnh-ngưng tụ-nước ngọt chảy ra ngoài). Với cách làm này, mỗi ngày hai chiến sĩ chưng cất từ 8 đến 10 tiếng, đủ nước ngọt cho 1 trung đội sinh hoạt trong một ngày. Sáng kiến nấu nước mặn thành nước ngọt tuy đơn giản nhưng đã giải quyết được rất tốt cho nhu cầu sinh hoạt của đơn vị nhưng phải đảm bảo yếu tố bí mật, không để khói bốc lên, nếu bị phát hiện có khói sẽ bị địch sẽ bắn pháo.

Nhìn những bồn nước được tái hiện trong khu di tích khiến người xem vô cùng cảm phục sự sáng tạo trong việc khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giành độc lập cho dân tộc của Quân đội ta. Năm xưa, những bồn nước này được ghép bằng thân cây chà là, bên trong lót tấm ny lon vào rồi buộc nhánh lá cây bó từ thân cây xuống làm máng hứng nước được sử dụng trong 6 tháng mùa mưa, đặt rải rác trong toàn bộ căn cứ để cung cấp nước sinh hoạt cho đơn vị và phòng khi giặc càn hoặc phục kích phong tỏa vẫn có nước uống, sinh hoạt.

Tình đồng chí, nghĩa đồng đội trong chiến đấu

Chiến trường rừng Sác là nơi con người phải sống trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Trong chiến đấu thì thương vong là điều khó tránh khỏi, để cứu sống các chiến sĩ bị thương trong hoàn cảnh ấy thì các y, bác sĩ phải khắc phục khó khăn gấp bội phần. Tuy nhiên, tình thương yêu đồng đội sâu sắc đã giúp các chiến sĩ quân y vượt qua gian khổ, chủ động, sáng tạo, tìm mọi phương cách để hoàn thành nhiệm vụ. Không còn xuồng, ghe để chuyển thương binh, chiến sĩ quân y tạo ra những chiếc xuồng bằng ni lông, có túi phao nổi xung quanh, tận dụng nước thủy triều để đưa thương binh về hậu cứ.

Nhà quân y.

Nhà quân y.

Hình ảnh mô phỏng khu Nhà quân y tái hiện cảnh y sĩ Nguyễn Thị Kim Mến sử dụng dao lam (lúc này không còn dao mổ) để mổ lấy đạn cho chiến sĩ Chu Văn Khí khiến người xem xúc động vô cùng. Thời gian sau đó, chị Tư Mến đã hy sinh tại căn cứ quân y rừng Sác khi bị hàng loạt đạn của giặc trút xuống khiến người xem vô cùng xúc động.

Trong 10 năm vừa cứu chữa thương binh, vừa chiến đấu tự bảo vệ, có 4 bác sĩ và 2 y sĩ đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa. Các y, bác sĩ đã góp công sức vào việc duy trì sức chiến đấu bền bỉ, dẻo dai của Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác, cứu chữa gần 500 thương binh.

Nhắc đến bộ đội Đặc công rừng Sác thì không thể không nói đến trận đánh kho xăng Nhà Bè. Kho xăng rộng 14 ha, có 72 bồn xăng dầu, gần 1 nửa số bồn này có sức chứa hơn 10 triệu lít xăng. Do tầm quan trọng đặc biệt, kho xăng được bảo vệ với 12 lớp rào bao bọc, tường cao 3,5m. Giữa từng lớp rào có gài mìn và thường xuyên có các toán lính tuần tiễu đi trong đêm để chống lực lượng của ta đột nhập. Hơn nữa, ở bên ngoài, địch còn bố trí chó và hệ thống đèn pha, tháp canh, đường tuần tra...

Vào 0 giờ 35 phút ngày 3-12-1973, các chiến sĩ Đặc công rừng Sác đã bí mật đột nhập vào khu vực kho, phân công nhau đặt nhiều quả mìn vào các bồn chứa xăng dầu rồi sau đó rút ra an toàn. Một lúc sau, nhiều tiếng nổ lớn vang lên, kho xăng Nhà Bè bùng cháy dữ dội. Vụ cháy kéo dài hơn 12 ngày đêm, thiệt hại khoảng 12 triệu USD của đế quốc Mỹ.

Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè cũng được tái hiện tại Khu di tích này để người xem cảm nhận về chiến công hiển hách của bộ đội Đặc công Rừng Sác.

Chiến khu rừng Sác có vị trí mang tính chiến lược, lại có địa hình rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt. Đây cũng là lợi thế cho bộ đội ta tổ chức việc giấu ém quân và đánh, tiêu diệt sinh lực địch. Tuy nhiên, bộ đội ta không chỉ chiến đấu với kẻ thù xâm lược mà còn phải chiến đấu với kẻ thù tiềm ẩn trong dòng nước, đó là cá sấu. Chính tại căn cứ này, đã có 3 đồng chí bị hy sinh vì cá sấu tấn công.

Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè.

Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè.

Hình ảnh các chiến sĩ vừa đánh địch vừa phải chiến đấu với những con cá sấu hung dữ được mô phỏng lại tại Khu di tích mang đến cho người xem những cảm nhận xúc động về tinh thần quả cảm, gan dạ, anh dũng của bộ đội đặc công.

Làm công tác thuyết minh tại Khu di tích này gần 20 năm, anh Đặng Văn Hiệp luôn tự hào bởi hàng ngày được truyền cảm xúc của mình đến với đông đảo du khách thông qua những câu chuyện đầy xúc động về các chiến sĩ Đặc công rừng Sác.

“Tôi đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình ở Khu di tích này và rất yêu công việc thuyết minh viên. Tôi nghĩ rằng, khi làm việc có tâm, dành nhiều cảm xúc thì bài thuyết minh của mình mới xúc động và chạm vào trái tim người nghe. Hàng ngày, chúng tôi tiếp đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan Khu di tích. Vì thế, người thuyết minh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình thì mới hấp dẫn và thu hút khách tham quan”, anh Đặng Văn Hiệp chia sẻ.

Chiến khu rừng Sác năm xưa giờ đây đã trở thành di tích lịch sử, con đường rừng Sác xưa nằm giữa cánh rừng đước và trà xanh, nay đã trở thành con đường du lịch trên quê hương cách mạng Cần Giờ. Những chiến công của Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí thế hệ hôm nay và mai sau.

Căn cứ cách mạng Rừng Sác đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2004. Ngày 21-1-2000, UNESCO đã công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi này được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Tổng diện tích khu rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dau-an-o-di-tich-lich-su-chien-khu-rung-sac-709265