Dấu ấn ở ngôi trường mang tên anh hùng áo vải Nguyễn Huệ

Khi bước chân vào cổng trường, không gian, quang cảnh, bóng mát... đều tạo cảm giác ấm áp, gần gũi. Nơi đây, thầy, cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người đồng hành cùng học trò xây dựng ước mơ và hoài bão. Điều này có thể cảm nhận trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ đóng chân trên địa bàn xã Tân Lâm, huyện Di Linh.

Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trong một buổi học ngoại khóa nghe thông tin về Biển, Đảo Việt Nam

Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trong một buổi học ngoại khóa nghe thông tin về Biển, Đảo Việt Nam

Tiền thân là Trường THCS và THPT Nguyễn Huệ được thành lập năm 2005, sau hơn 4 năm hoạt động, để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo (GDĐT) cho 3 xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng, trường được tách và trở thành Trường THPT Nguyễn Huệ như ngày nay. Trường THPT Nguyễn Huệ với quy mô 17 lớp, 554 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ngành GDĐT công nhận.Hơn 15 năm qua, với công sức và tâm huyết của mình, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã vượt qua khó khăn để dựng xây, vun đắp, chắp cánh cho nhiều thế hệ học trò.

Thầy giáo Cao Xuân Tuấn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, các thầy, cô giáo đã nêu cao tinh thần tự học, tự rèn để ngày một nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Những bài học từ sách vở, từ kinh nghiệm sống của thầy, cô sẽ tạo sức đề kháng, là lá chắn vững chắc để các em học sinh tự tin, chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.

Từ sự nỗ lực của thầy và trò, đã được ghi nhận khi liên tục trong nhiều năm Trường THPT Nguyễn Huệ giữ vững bề dày thành tích dạy và học, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng hàng năm, tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng đạt trên 85%, nhiều năm liên tục trường có học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt kết quả cao.

Năm học 2021-2022, để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm học, nhà trường phải chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến. Và để việc học tại nhà hiệu quả, nhà trường phối hợp với phụ huynh thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, nắm bắt tâm tư, ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện của con em. Mặt khác, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để có biện pháp giáo dục thích hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện dịch bệnh.

Không chỉ chú trọng đến chất lượng các môn học, nhà trường rất coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống và hòa nhập, kĩ năng ứng xử cho học sinh, coi đây là những hoạt động không thể thiếu để nâng cao đời sống tinh thần cho các em học sinh. Nhờ đó, hầu hết học sinh trong trường đều chăm ngoan, có ý chí vượt khó, thái độ động cơ học tập đúng đắn, có kỹ năng ứng xử trong giao tiếp, không có học sinh mắc các tệ nạn xã hội.

Em Ka Ruỳn, học sinh lớp 11A6 chia sẻ: Em rất vinh dự khi được học dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ. Ở đây, chúng em được các thầy, cô tận tình dạy dỗ, giúp đỡ. Chúng em có hứng thú, say mê học cũng là nhờ thầy, cô đã truyền “lửa” đam mê. Ngoài học trên lớp, chúng em còn được tham gia các buổi học ngoại khóa để nghe các thông tin về giáo dục học đường, an toàn giao thông, về biển, đảo quê hương, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đặc biệt, được tham gia kể chuyện Bác Hồ, kể chuyện theo sách... bằng hình thức sân khấu hóa rất bổ ích.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên quan tâm xây dựng kỷ cương, nền nếp, xây dựng môi trường giáo dục, trong sạch, lành mạnh. Mỗi thầy giáo, cô giáo phát huy ý thức tự hào nghề nghiệp, tinh thần yêu nghề, tận tâm, tận lực, gương mẫu trong giảng dạy, thực sự là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo... Với đặc thù của một trường có gần 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều đáng quý, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã chủ động học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học, nhưng hơn hết để chia sẻ, hiểu hơn, đồng cảm hơn với các em học sinh trong cuộc sống. Theo thầy Cao Xuân Tuấn, để đạt được những thành tích trên, những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường luôn bám sát và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của ngành GDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, gắn liền với việc thực hiện chủ đề theo từng năm học; tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên vững vàng về chính trị, trong sáng về phẩm chất lối sống, chuẩn hóa về trình độ. Nhờ đó, nhiều năm liền nhà trường đạt tập thể Lao động tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chi bộ, các đoàn thể luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những kết quả trên không chỉ là minh chứng cho những phấn đấu, nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của thầy và trò nhà trường; đồng thời còn khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và vị thế của nhà trường trong hệ thống các trường trên địa bàn toàn huyện Di Linh. Để có được những kết quả toàn diện như trên là do tập thể cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tâm huyết, khiêm tốn, tích cực học hỏi, quyết liệt trong chỉ đạo, phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, tích cực đi đầu trong áp dụng công nghệ. Mọi cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn làm việc hăng say, trách nhiệm, sáng tạo. Nhân dân trong khu vực, các bậc phụ huynh luôn ủng hộ, tin tưởng, tôn trọng và đồng hành cùng nhà trường trên suốt hành trình “ươm mầm tri thức”.

HỒNG VĨNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202205/dau-an-o-ngoi-truong-mang-ten-anh-hung-ao-vai-nguyen-hue-3118080/