Dấu ấn phát triển các khu công nghiệp ở Đồng Nai
Là một trong những địa phương phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước, Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN).
Năm 2020 cũng đánh dấu 25 năm Đồng Nai thành lập Ban Quản lý các KCN - đơn vị điều hành, quản lý các KCN của tỉnh.
* “Hình mẫu” phát triển KCN
Từ một vài KCN nhỏ lẻ ban đầu, sau hàng chục năm phát triển, Đồng Nai đã quy hoạch 35 KCN (KCN) với tổng diện tích trên 12 ngàn ha, trong đó 32 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động.
Xác định lợi thế của mình, Đồng Nai sớm chủ động kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này từ những năm 1990. Nhờ vận dụng linh hoạt những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương, các KCN ở Đồng Nai đạt được những kết quả quan trọng trong việc tăng nhanh tốc độ thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai.
Đến nay, tỉnh thu hút được trên 1.800 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, mỗi năm các KCN đều thu hút được trên 1 tỷ USD, riêng năm 2015 có tổng vốn đầu tư thu hút cao nhất trong hơn 20 năm qua với trên 2,3 tỷ USD. Nhiều đối tác là các tập đoàn lớn như: Hyosung, Formosa, Bosch, Lixil... đã đầu tư vào Đồng Nai.
Các dự án FDI thu hút vào các KCN thuộc lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ mới ít gây ảnh hưởng môi trường. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh và cũng là cơ sở để thực hiện thu hút các dự án khác trong thời gian tới.
Từ thành công trong thu hút đầu tư mà công nghiệp đã trở thành động lực để Đồng Nai duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục 12,5% trong giai đoạn 2006-2015 và từ 2016 đến nay là 8-9%. Các KCN đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 600 ngàn công nhân và đóng góp trên 50% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nhiều vùng đất hoang hóa cằn cỗi của Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom trở thành những vùng công nghiệp, đô thị phát triển năng động. Trong tình hình cạnh tranh thu hút đầu tư rất lớn hiện nay, Đồng Nai vẫn là địa phương được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
“Chúng tôi đang tăng cường đầu tư vào Đồng Nai trong 20 năm vừa qua. Chính sách thu hút đầu tư của Đồng Nai đã tạo dựng niềm tin cho cộng đồng DN, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh của mình” - ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ.
* Tiếp tục mở rộng KCN, nâng chất thu hút đầu tư
Do đã có trên 80% diện tích đất cho thuê trong khi nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng cao, Đồng Nai sẽ mở rộng thêm diện tích đất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ kinh nghiệm qua hơn 30 năm phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, những KCN mới của Đồng Nai phải là những KCN hiện đại, thu hút công nghệ cao, xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững mà tỉnh đã đặt ra.
Có được những thành công trong thu hút đầu tư những năm qua, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để DN, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh. “Qua thời gian, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai. Tuy nhiên, yêu cầu của các DN thì ngày càng lớn, do vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút đầu tư mà trọng điểm là Ban Quản lý các KCN cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định.
Về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN cho hay sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào các KCN, ưu tiên thu hút các dự án có ngành nghề, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư, phối hợp các tỉnh, thành lân cận trong việc lựa chọn dự án, mời gọi đầu tư (đặc biệt ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ). Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các địa phương trong vùng cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ.
“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đề xuất tỉnh phát triển các KCN mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội như: KCN liên kết ngành, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái... Thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban doanh nghiệp định kỳ để ghi nhận các ý kiến góp ý của DN để chủ động tháo gỡ” - Trưởng ban Quản lý các KCN Cao Tiến Sỹ cho hay.
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập vào ngày 6-4-1995. Chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho tỉnh quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó qua nhiều năm.