Dấu ấn phong trào sinh viên của Đà Nẵng trong 5 năm qua
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, công tác Hội và phong trào sinh viên Đà Nẵng có những dấu ấn đậm nét, đặc biệt trong lan tỏa phong trào 'Sinh viên 5 tốt'; học tập, nghiên cứu, sáng tạo và tình nguyện vì cộng đồng.
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào 'Sinh viên 5 tốt'
Phong trào 'Sinh viên 5 tốt' tiếp tục được xác định là phong trào chủ đạo, triển khai xuyên suốt với nhiều giải pháp mới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào đã được triển khai rộng rãi tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, tạo những chuyển biến tích cực, lan tỏa, trở thành mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của sinh viên; tạo môi trường để sinh viên rèn luyện ngày một toàn diện hơn.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, có hơn 50.600 lượt sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt', 198 tập thể đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu 'Tập thể Sinh viên 5 tốt'.
Kết quả, có 33 cá nhân đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' và 21 tập thể đạt danh hiệu 'Tập thể Sinh viên 5 tốt' cấp T.Ư; 720 cá nhân đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' và 24 tập thể đạt danh hiệu 'Tập thể Sinh viên 5 tốt' cấp thành phố.
Nhiều mô hình lan tỏa phong trào 'Sinh viên 5 tốt' ra đời và tạo được tác động tích cực, hỗ trợ sinh viên rèn luyện và phấn đấu đạt danh hiệu. Hội Sinh viên TP. Đà Nẵng hoàn thiện và ra mắt ứng dụng “5tot.vn”. Đây là diễn đàn chung của 'Sinh viên 5 tốt', là kênh tương tác hiệu quả, chia sẻ trao đổi giữa các thế hệ 'Sinh viên 5 tốt'.
Mạng lưới CLB 'Sinh viên 5 tốt' các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng được thành lập nhằm chia sẻ kinh nghiệm tham gia các nội dung hoạt động và hoàn thiện hồ sơ minh chứng danh hiệu. 100% các trường ĐH, CĐ triển khai mô hình "Một 'Sinh viên 5 tốt' hỗ trợ từ 1 đến 2 sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt'".
Hội Sinh viên TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ TP tổ chức chương trình “Ứng viên tiềm năng”, kết nối các sinh viên đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' các cấp với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập, làm việc tại các đơn vị cho các ứng viên xuất sắc.
Đồng hành cùng sinh viên NCKH, khởi nghiệp sáng tạo
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Sinh viên TP. Đà Nẵng cũng tích cực triển khai các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên học tập, sáng tạo, NCKH. Việc lập các CLB, tổ, đội, nhóm, tập thể sinh viên tự học, NCKH được các cơ sở Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm; sinh viên tại các cơ sở Hội có nhiều sáng kiến, giải pháp đổi mới trong học tập và nghiên cứu.
Các cấp bộ Hội trên địa bàn thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ phương pháp học tập, NCKH và các buổi gặp gỡ, nói chuyện với các nhà khoa học; phát triển và duy trì 235 CLB, tổ, đội, nhóm học thuật tại các trường ĐH, CĐ với 40.720 sinh viên tham gia.
879 đề tài NCKH trong hội viên, sinh viên được hỗ trợ kết nối, bên cạnh đó, Hội Sinh viên còn tổ chức, 135 hoạt động tuyên dương thanh niên sáng tạo, 59 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn sáng tạo trẻ thu hút gần 14.600 sinh viên, thanh niên tham gia.
Đoàn viên, thanh niên, sinh viên toàn thành phố cũng tích cực đăng ký ý tưởng lên Ngân hàng Ý tưởng sáng tạo. Đến nay, số lượng ý tưởng đã được đăng tải lên kênh của T.Ư Đoàn là hơn 20.100 ý tưởng.
Hằng năm, Hội Sinh viên TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở KH - CN tổ chức Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, các đề tài nghiên cứu có giải cao được hỗ trợ, tư vấn hoàn thiện.
Qua đó, nhiều dự án NCKH của sinh viên được hỗ trợ triển khai như: Dự án nghiên cứu nâng cao hiệu suất hệ thống pin năng lượng mặt trời (trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng); Chuyển giao công nghệ trồng Nấm (trường CĐ Lương thực Thực phẩm Đà Nẵng), Chuyển giao công nghệ trồng Nấm bào ngư (trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng)...
Nhiều dự án, nghiên cứu của sinh viên cũng giành được giải cao tại các cuộc thi trong nước như: Dự án “Gậy thông minh hỗ trợ người già” CLB Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng; Dự án “Hệ thống nhặt rác biển thông minh”; Ý tưởng “Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước”; “Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị” và “Máy in gốm 3D” của các nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)…
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp bộ Hội triển khai có hiệu quả các giải pháp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên; triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”.
Hội Sinh viên tổ chức Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng, triển lãm các sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp, các đề tài NCKH đoạt giải cao; Tọa đàm “Con đường làm giàu”; Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo/ Light up your creativity”; Chuỗi tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Shark Liên” năm 2023 tại 10 điểm trường THPT, ĐH, CĐ trên địa bàn…
Xung kích tình nguyện vì cộng đồng
Sinh viên Đà Nẵng tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tình nguyện với nhiều mô hình, hoạt động được tổ chức rộng khắp, toàn diện; thường xuyên mở rộng về quy mô, phong phú về nội dung và đổi mới về hình thức.
Các đội hình tình nguyện được triển khai với tính chuyên môn hóa cao, phù hợp với thực tiễn địa phương, gắn với từng thời điểm đã tạo môi trường cho sinh viên tham gia phát huy chuyên môn, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Các hoạt động tình nguyện trong nhiệm kỳ tập trung vào các nội dung như: Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng (3T) trong phòng chống dịch bệnh COVID-19; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vì đàn em thân yêu; chăm sóc, khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho người dân; tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả sau thiên tai…
Trong thời gian qua, chiến dịch “Mùa hè xanh” có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô, tính sáng tạo và chất lượng. Địa bàn được mở rộng đến các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bao gồm cả Chương trình tình nguyện quốc tế tại Nước CNDCND Lào.
Các đội hình tình nguyện gắn với chuyên môn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh, kỹ năng và các môn văn hóa cho thanh thiếu nhi được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả tích cực tại địa bàn đóng quân.
Các chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện” liên tục được triển khai với các hoạt động đa dạng, thiết thực, ý nghĩa. Chương trình “Tuổi trẻ với biên giới, biển, đảo quê hương” được tổ chức định kỳ với tổng kinh phí là 280 triệu đồng.
Hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ được Hội Sinh viên Việt Nam TP. Đà Nẵng chú trọng. Các hoạt động hỗ trợ “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Chủ Nhật Xanh”, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai rộng khắp, với nhiều nội dung mới, thu hút đông đảo hội viên, sinh viên tham gia, tạo thành trào lưu tốt trong xã hội.
Các cấp bộ Hội đã tổ chức hơn một nghìn lượt ra quân môi trường với sự tham gia của hơn 70.000 lượt đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động trên đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện Đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường, giai đoạn 2011 – 2020 và giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiều hoạt động hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự đã được tổ chức từ cấp thành phố đến cơ sở, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
Các mô hình được triển khai hiệu quả như: “Cổng trường An toàn - Xếp hàng đón con”; “An toàn giao thông - Nụ cười trẻ thơ”; “Hình nộm tuyên truyền an toàn giao thông”, “Tiếng loa thanh niên”, Đội hình sơ cấp cứu tai nạn giao thông…
Đặc biệt, lực lượng sinh viên cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thành lập và duy trì hoạt động gần 500 đội thanh niên tình nguyện, đội phản ứng nhanh ứng phó với dịch bệnh với hơn 250.000 lượt thanh niên, sinh viên.
Sinh viên có chuyên môn về y – dược xung kích, tình nguyện tham gia vào các đội hình xét nghiệm, hỗ trợ y tế cho người bệnh và bà con nhân dân thông qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp trên địa bàn và tham gia nhiều đoàn hỗ trợ y tế tại các địa phương khác trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các cấp bộ Hội cũng phối hợp với các đơn vị tham gia hỗ trợ 380 chốt chặn cửa ngõ ra vào thành phố, có hơn 1.400 hội viên, sinh viên tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng tại các khu cách ly, khu phong tỏa, đồng hành cùng người dân trở về quê từ các tỉnh phía nam di chuyển ngang qua địa phận thành phố. Từ trong thực tiễn hoạt động, đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, với tổng trị giá hơn 17 tỷ đồng.