Dầu ăn, sắt, thép đồng loạt tăng giá

Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều lần lượt tăng lên trong thời gian gần đây.

Cầm tờ 500.000 đồng trong tay, chị Thúy An (quận 2, TP.HCM) đau đầu không biết có mua đủ thực phẩm cho hai vợ chồng từ nay đến hết tuần hay không. Chị chia sẻ, giá các mặt hàng từ thịt, cá, rau, củ đến dầu ăn, muối, đường... đều đồng loạt tăng lên từ mấy tháng qua.

"Rau mồng tơi trước đây cỡ 5.000-6.000 đồng/bó thì nay phải lên đến 10.000 đồng/bó. Các loại hành, ngò ngày trước được người bán tặng kèm thì nay mua hết 15.000 đồng. Hôm thứ 2 tôi vừa mua hết 425.000 đồng tiền thức ăn, chủ yếu là rau và thịt, vậy mà đến thứ 4 tủ lạnh đã trống không", chị Thúy An cho biết.

Hàng hóa đồng loạt tăng giá

Anh Chính, chủ tiệm tạp hóa trên đường Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM) cho biết từ sau Tết đến nay hầu như mặt hàng tiêu dùng nào cũng tăng giá.

"Có loại tăng ít, có loại tăng nhiều như đường cát tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 18.000-19.000 đồng/kg. Hay dầu ăn Cái Lân tăng 4.000-5.000 đồng/chai, từ 28.000 đồng/chai lên 32.000 đồng/chai loại 1 lít", anh nói.

Theo anh, do việc điều chỉnh giá bán nhẹ nên ít gây chú ý cho người tiêu dùng. "Người nào mua hàng thường xuyên mới biết giá tăng chứ đa số ít để ý", anh cho biết và nói thêm, đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh như dầu ăn, anh phải bỏ khuyến mại để giảm chi phí.

Trong khi đó, anh Minh, chuyên thi công mái tôn lạnh ở TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay gặp khó trong việc chốt hợp đồng với khách hàng.

"Năm nay thời tiết nóng lên nên số người đến hỏi giá thi công có tăng, nhưng thực tế không ít người nghe báo giá xong thì 'chạy' mất. Khoảng 1 tuần trở lại đây, do nắng nóng gay gắt nên một số người cũng phải 'bấm bụng' mà làm", anh Minh chia sẻ.

Ước tính, giá thép hiện nay tăng khoảng 40% so với quý III/2020. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn cung cùng sự gia tăng cước phí logistics, trong khi nhu cầu tiêu thụ đang tăng trưởng ổn định, đặc biệt sau những giải pháp phục hồi kinh tế dựa trên đầu tư công hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, giá các nguyên vật liệu khác trong ngành xây dựng cũng tăng cao. Hiện giá xi măng đang tăng từ 30.000-50.000 đồng/tấn, còn giá cát tăng gần gấp đôi do nguồn cung không đủ cầu.

Theo ghi nhận của Zing, cát vàng có giá 330.000-380.000 đồng/m3, tăng khoảng 160.000 đồng. Giá cát có chấm (dùng trong xây dựng cầu) hiện có giá 600.000-800.000 đồng/m3, trong khi trước Tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ 400.000 đồng/m3.

 Giá thép và nhiều nguyên vật liệu xây dựng khác tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Giá thép và nhiều nguyên vật liệu xây dựng khác tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Chi phí đầu vào tăng cao

Từ giữa tháng 4, các siêu thị bắt đầu rục rịch nhận được đề nghị tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.

Tuy nhiên, chia sẻ với Zing, đại diện Central Retail cho biết hầu hết mặt hàng tại các chuỗi bán lẻ Big C và Go! không tăng giá. Chỉ có giá đường và dầu ăn tăng nhẹ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng khẳng định giá cả các mặt hàng trong hệ thống hiện không tăng, thậm chí còn giảm so với trước do đang áp dụng chương trình khuyến mại.

Cụ thể, các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op sẽ giảm giá từ 20-50% cho 10.000 sản phẩm thiết yếu gồm sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền, thịt lợn, thủy hải sản, rau củ quả, đồ dùng gia đình... nhằm thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng. Các sản phẩm này được bố trí giảm giá luân phiên theo nhóm và trải đều trên các ngày trong tuần.

"Tất cả đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được chúng tôi xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý dựa trên độ trễ đặc trưng của từng lô hàng, từng ngành hàng", ông Nguyễn Anh Đức nói với Zing.

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, thị trường đang có dấu hiệu từng bước thiết lập mặt bằng giá mới khi hàng loạt mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá.

Thực tế, một trong những mặt hàng có khả năng tác động đến giá cả hầu hết hàng hóa là xăng dầu - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí vận chuyển - đang có xu hướng tăng.

Theo xu hướng giá thế giới, giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng 1 năm 2 tháng. Gần nửa năm nay (từ 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 4.103 đồng/lít. Cùng thời điểm này, xăng RON 95 tăng 4.460 đồng/lít, hiện tại vượt 19.000 đồng/lít, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ở kỳ điều chỉnh mới nhất cuối tháng 4, giá dầu diesel cũng tăng 187 đồng/lít lên mức 14.328 đồng/lít; dầu hỏa tăng 432 đồng/lít lên 13.259 đồng/lít; dầu mazut tăng 336 đồng/kg lên 14.023 đồng/kg.

Đồng thời, do tình trạng ách tắc hoạt động logistics trên toàn cầu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không những thiếu container mà còn thiếu tàu vận chuyển. Điều này góp phần gia tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá hàng hóa các loại tăng cao.

Còn với thịt gia súc, gia cầm, tại một hội nghị mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng thừa nhận từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đồng/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đồng/kg, tùy từng loại).

 Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ cuối năm 2020 đẩy giá thịt gia súc, gia cầm. Ảnh: Trương Khởi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ cuối năm 2020 đẩy giá thịt gia súc, gia cầm. Ảnh: Trương Khởi.

Cục Chăn nuôi cho rằng giá thức ăn chăn nuôi sẽ khó giảm ngay trong quý II, phải đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại. Khi đó, thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg.

Do đó, các hiệp hội và hộ chăn nuôi cho rằng cùng với các nguy cơ về dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò, giá các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.

Nguy cơ lạm phát tăng cao?

Trao đổi với Zing, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, cho rằng khi các chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi tăng, giá cả hàng hóa sẽ tăng theo, dẫn đến nguy cơ lạm phát.

Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là giá các mặt hàng gạo, thực phẩm, gas, xăng dầu... tăng.

Kéo theo đó, lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê vẫn đánh giá mức lạm phát cơ bản trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

"Giá cả hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát"

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiêu cứu giá cả

"Tôi cho rằng mức tăng hiện nay chỉ đang tác động đến mặt bằng giá, các mặt hàng tăng cao chỉ là một số yếu tố cấu thành chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát.

Nhìn chung giá cả hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, chưa đáng ngại trong thời gian tới", PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, không giống các đơn vị phân phối khác buộc phải áp dụng giá mới, một số hệ thống siêu thị có mạng lưới rộng và kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn sẽ có khả năng áp dụng công cụ điều tiết để giữ và giảm giá. Điều này sẽ góp phần chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả thị trường có dấu hiệu tăng.

Trong bối cảnh hiện nay, các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng đang lên kế hoạch tích trữ lượng lớn hàng hóa để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tác động đến giá cả.

"Khối lượng hàng tiêu dùng nhanh tại Go! và Big C hiện tăng gấp đôi so với các tháng bình thường nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại. Các mặt hàng tiêu dùng nhanh đã được tích trữ đủ cho 2 tháng và sẽ tiếp tục tăng thêm 2 tháng nữa, còn sản phẩm khẩu trang các loại đủ bán trong 4 tháng", đại diện Central Retail khẳng định.

Lan Anh - Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-sat-thep-dong-loat-tang-gia-post1211753.html