Dấu ấn sâu đậm về những người thầy áo trắng

Được coi là 'những người thầy đặc biệt' khi vừa tham gia vào sự nghiệp 'trồng người' lại vừa tích cực cống hiến trong công tác cứu người, những người thầy thuốc kiêm thầy giáo luôn gánh trên vai những trách nhiệm vô cùng lớn lao và đầy ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Đài Hà Nội xin giới thiệu về một số 'người thầy áo trắng' nổi tiếng, đã có rất nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội.

Nghề giáo và nghề trị bệnh cứu người là nhưng nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Cả xã hội luôn trân trọng, tôn vinh những con người làm việc trong hai lĩnh vực này và gọi họ với danh xưng Thầy giáo và Thầy thuốc. Và sẽ càng đặc biệt hơn khi có những người mang trên mình trọng trách lớn lao của cả hai nghề ý nghĩa, đáng kính ấy. Với tài năng, trí tuệ, nhân cách của mình, nhiều người thầy "2 trong 1" đã có những đóng góp to lớn, đáng ghi nhận vào sự nghiệp trồng người, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Làm việc trong ngành y vốn đã nhiều vất vả, áp lực, nhưng khi đảm nhiệm thêm vai trò của một người thầy, thì những khó khăn này lại càng nhân lên gấp bội. Với những người thầy thuốc - thầy giáo, bài giảng của họ không chỉ là những trang lý thuyết trong sách vở hay những mô hình thực hành mà còn là những giây phút căng thẳng cực độ khi đứng trước mạng sống con người. Giờ dạy của những người thầy đặc biệt này nhiều khi không thể biết trước được sẽ diễn ra trong bao lâu, vào lúc nào, ở đâu...từ buồng bệnh, phòng mổ cho đến phòng cấp cứu đều có thể trở thành giảng đường của họ...tất cả đều là vì học trò và sức khỏe của người dân.

Được mệnh danh là "người thầy thuốc có đôi bàn tay vàng", giáo sư Đặng Hanh Đệ đã không chỉ là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch mà ông còn có rất nhiều cống hiến, đóng góp to lớn cho ngành y của nước nhà. Suốt 42 năm làm nghề thầy thuốc của mình ông đã thành lập, quan tâm, giúp đỡ xây dựng và phát triển hầu hết các trung tâm mổ tim trên cả nước. Có được những thành công như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, theo giáo sư Đặng Hanh Đệ, đó còn là nhờ một người thầy vô cùng đáng kính đó là giáo sư Tôn Thất Tùng - vị thầy thuốc lỗi lạc của Y học Việt Nam.

Với giáo sư Đặng Hanh Đệ, giáo sư Tôn Thất Tùng có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Trong suốt 22 năm từ ngày đầu tiên ra trường cho đến khi thầy Tùng qua đời, ông luôn phụ thầy mổ. Nhờ vậy, mà ông đã trở thành người học trò cưng của giáo sư Tôn Thất Tùng và được thầy tận tâm chỉ bảo, truyền dạy cho những kỹ thuật, kinh nghiệm mổ phức tạp và cả những bài học xây dựng nhân cách của người bác sĩ phẫu thuật.

“Phẫu thuật tim mạch của Việt Nam khi đó là một kỹ thuật hoàn toàn mới. Mình chưa biết và chưa thấy ai mổ tim, chỉ biết đọc sách thôi. Vậy làm sao mình dám mổ trên người bệnh, mà thầy Tùng thì luôn nói là không được làm gì có hại cho bệnh nhân. Thầy tôi thường mổ thứ 2,4,6 còn ngày khác thầy đi thăm bệnh nhân. Lúc nào tôi cũng đi theo thầy. Tôi thấy ảnh hưởng của thầy với tôi còn nhiều hơn cả bố mẹ”, GS Đệ bộc bạch.

Trong suốt những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, giáo sư Đặng Hanh Đệ đã luôn đội chiếc mũ sắt thầy Tùng tặng. Căn nhà mà gia đình ông ở khi đó cũng do thầy Tùng lo liệu. Thậm chí, có được bữa cơm tươm tất cũng là do vợ chồng ông nhận sự sẻ chia từ thầy Tùng... Những kỷ niệm về người thầy đáng kính luôn hiển hiện trong ký ức, tâm trí giáo sự Đặng Hanh Đệ.

---

PGS.TS Vũ Xuân Phú vẫn luôn nhớ như in những lời bảo ban, chia sẻ, truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm của thầy. Ngày ấy, khi mọi phương tiện để học tập, làm việc, nghiên cứu còn thô sơ, việc tiếp cận với công nghệ, kiến thức còn hết sức khó khăn, thầy Đặng Văn Khoát đã không ngần ngại vất vả chỉ cho người bác sĩ trẻ Vũ Xuân Phú ngày ấy những bài học lớn, nhỏ như từ cách trình bày văn bản, phương pháp học tiếng Anh, cách lập kế hoạch.. đến phương pháp xử lý các vấn đề mang tính chuyên môn, vĩ mô, chuyên sâu... tất cả đều là những bài học vô cùng quý giá không gì sánh nổi.

Đến nay, khi đã trở thành PGS.TS, bác sĩ Vũ Xuân Phú vẫn luôn dành cho người thầy không học hàm, học vị của mình sự kính trọng và biết ơn sâu sắc.

“Vì yêu cầu công việc và nhiều yếu tố khác, chúng tôi những học trò năm xưa của thầy đến nay đã trở thành Phó giáo sư, Giáo sư. Còn thầy tôi năm nay đã gần 90 tuổi vẫn chỉ là bác sĩ Đặng Văn Khoát. Nhưng thầy mãi là người thuyền trưởng đáng kính đã định hướng, dìu dắt chúng tôi những năm tháng ấy” - PGS.TS Vũ Xuân Phú chia sẻ.

Sau này, khi về công tác tại Bệnh viện Phổi Trung ương và làm giảng viên, PGS.TS Vũ Xuân Phú cũng đã luôn noi theo tấm gương của thầy Đặng Văn Khoát. PGS.TS Vũ Xuân Phú đã không ngần ngại dìu dắt, định hướng cho nhiều thế hệ sinh viên, bác sĩ trẻ. Mỗi thành tựu, mỗi sự thành công của học trò lại khiến ông hạnh phúc và tin tưởng vào con đường mình đã lựa chọn.

---

Từ khi mới ra trường, bác sĩ Tống Thị Huyền cảm thấy vô cùng may mắn khi nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tận tâm của PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai. Hình ảnh PGS.TS Phạm Cẩm Phương giỏi chuyên môn, luôn yêu thương và nghĩ cho bệnh nhân đã trở thành một tấm gương sáng cho bác sĩ Huyền noi theo để phấn đấu, nỗ lực mỗi ngày. Bác sĩ Huyền cho biết: Không chỉ là người thầy, người cấp trên, PGS.TS Phạm Cẩm Phương còn là một người bạn lớn, người truyền cảm hứng, chăm lo đến đời sống tinh thần cho các học trò. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 vừa qua, PGS.TS Phạm Cẩm Phương như một người thân trong gia đình, trở thành chỗ dựa vững chắc để bác sĩ Huyền và mọi người yên tâm hỗ trợ bệnh nhân trong tâm dịch và bình an trở về. Bác sĩ Huyền cho rằng, có một người thầy có tâm, có tài đồng hành là điều hạnh phúc với bất cứ ai:

“Với tôi và có lẽ với nhiều bác sĩ trẻ khác, PGS.TS Phạm Cẩm Phương thực sự là người thầy rất đặc biệt. Ở bên cô, tôi không chỉ học được kiến thức chuyên môn mà cả sự lạc quan, cả cách sống luôn quan tâm đến mọi người. Quả thực có được những người thầy, người cô có nghề giỏi, giàu tình yêu thương luôn sẵn sàng chia sẻ, khích lệ học trò là điều vô cùng hạnh phúc với những bác sĩ trẻ như chúng tôi. Đó là cũng động lực để chúng tôi yêu và gắn bó với nghề hơn”.

Người thầy chính là người truyền đạt tri thức. Và khi tri thức ấy chính là sự sống, là sức khỏe của con người thì quá trình truyền đạt ấy lại thực sự cần sự cẩn trong, trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực của những người thầy. Để có được những người học trò tài năng, đức độ, vững chuyên môn, có khả năng chữa bệnh cứu người như hôm nay là nhờ sự hết mình của những thế hệ người thầy đi trước. Với truyền thống "dậy hết sức, học hết lòng" của các thế hệ thầy và trò trong ngành y, chắc chắn nền y học nước nhà sẽ ngành càng lớn mạnh với một tương lai tươi sáng.

Bài viết: Hoa Mai
Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dau-an-sau-dam-ve-nhung-nguoi-thay-ao-trang-204123.htm