Dấu ấn sức trẻ cán bộ Mặt trận

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đó là những cán bộ làm công tác Mặt trận thuộc thế hệ '8X' của tỉnh đang thổi luồng gió mới, tạo nên những dấu ấn đậm nét đối với công tác Mặt trận và sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

Làm việc có lợi cho Dân

“Mình vui vì làm việc có lợi cho Dân” - đó là tâm sự của Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Đức (Hàm Yên) Hà Minh Khương. Anh Khương đã gắn bó gần 20 năm qua với nhiều cương vị công tác ở cơ sở, đảm nhận công tác Mặt trận ở tuổi 39, nhiều năm qua anh không quản ngại khó khăn tới từng thôn, từng hộ khó khăn để hỗ trợ, vận động, tuyên truyền và cả kêu gọi thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Đức (Hàm Yên) Hà Minh Khương (bên phải) gặp gỡ, vận động người dân thôn Cây Quéo xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Đức (Hàm Yên) Hà Minh Khương (bên phải) gặp gỡ, vận động người dân thôn Cây Quéo xây dựng nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi đến thôn Cây Quéo, anh Khương giới thiệu: “Thôn Cây Quéo có đường bê tông rộng 5m, khang trang nhất trong xã, hiện đang triển khai làm tiếp đoạn còn lại. Con đường là tổng hợp sức mạnh của cả cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. 22 hộ dân đã hiến hơn 5.000 m2 đất mở đường”.

Tiếp lời, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Cây Quéo Lý Thị Hương mới ở tuổi 26 nhưng khá chững chạc bảo: “Người dân đồng thuận hiến đất là nhờ Chủ tịch Mặt trận Khương đấy! Nhận trách nhiệm vận động người dân hiến đất, anh Khương đã thường xuyên có mặt ở thôn để phối hợp với cán bộ thôn xuống từng nhà vận động hiến đất, phân tích lợi ích phát triển lâu dài khi có đường nên 22 hộ dân bám mặt đường đã hiến đất mở rộng tuyến đường này, có những hộ đã hiến từ 500 m2 - 8.000 m2 như hộ ông Lý Văn Chiến, Hoàng Văn Lành, Lý Văn Kim, Hoàng Văn Phú.

Với suy nghĩ làm lợi cho dân, chăm lo cho dân, từ năm 2019 đến nay, MTTQ xã Hùng Đức mà đứng đầu là Chủ tịch Khương đã vận động xóa nhà tạm cho 168 hộ nghèo; vận động xây 355 bể xử lý rác, đào 455 hố chôn lấp rác hữu cơ, xây dựng 1 mô hình gạch sinh thái tại Nhà văn hóa thôn Thị; vận động 125 hộ gia đình sử dụng thùng rác 2 ngăn để phân loại rác ngay tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, với vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Khương phối hợp với cấp ủy, cán bộ thôn vận động Nhân dân hiến đất với trên 6.000 m2, đóng góp kinh phí được 1,2 tỷ đồng, 5.000 ngày công lao động để làm đường bê tông nông thôn, xây dựng mới và tu sửa nhà văn hóa thôn. Từ những việc làm cụ thể, MTTQ xã đã đóng góp quan trọng để xã Hùng Đức thực hiện mục tiêu cán đích nông thôn mới trong năm 2024.

Tận lực với việc

Gắn bó với công tác Mặt trận từ khi 25 tuổi, Chủ tịch MTTQ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) Hoàng Tiến Tới đã có 12 năm gắn bó với người Mông, Tày, Nùng ở 17 thôn.

Xã Kiến Thiết có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là địa phương có đông đồng bào Mông nhất huyện Yên Sơn, việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân được cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã Kiến Thiết đặc biệt quan tâm. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, tinh thần ham học hỏi, anh Tới đã phát huy được vai trò của người cán bộ Mặt trận ở địa phương, việc mà trước đây luôn mặc định chỉ dành cho người luống tuổi. Anh Tới chia sẻ, muốn triển khai bất cứ việc gì ở thôn với đồng bào Mông hay người Kinh, Tày... thì việc đầu tiên phải làm tốt là đoàn kết được người dân. Vì thế, ở đâu người dân chưa hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cán bộ Mặt trận sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, hiểu đủ, tránh việc để kẻ xấu xúi giục, xuyên tạc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) Hoàng Tiến Tới (bên phải) tìm hiểu mô hình trồng chanh leo thôn Làng Làm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) Hoàng Tiến Tới (bên phải) tìm hiểu mô hình trồng chanh leo thôn Làng Làm.

Năng động, sáng tạo, anh Tới đã đóng góp sức trẻ của mình cùng cấp ủy, chính quyền xã Kiến Thiết phát triển ổn định, xã không có tình trạng người dân theo đạo lạ, tà đạo mà tập trung làm kinh tế, trồng và chăm sóc trên 1.300 ha rừng sản xuất; 10 ha dưa leo; 200 ha cam Vinh, bưởi xanh, hồng, chanh leo... cho thu nhập từ 130 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha. Từ khi có kinh tế, người dân đã góp sức làm gần 3.000 m đường bê tông, 1.000 m kênh mương nội đồng… Minh chứng, giai đoạn 2019 - 2024, xã đã xóa 18 nhà tạm, góp phần giảm 146 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đề ra. Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã vận động người dân của 4 thôn Làng Lan, Pắc Nhiêng, Làng Ắp, Đồng Phạ đóng góp 65 triệu đồng làm tuyến đường thắp sáng đường quê tổng chiều dài 5 km; thành lập mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở thôn Khuổi Khít và Bắc Triển.

Phát huy tinh thần tuổi trẻ, không ngại khó, anh Tới đã nhận phụ trách thôn Khau Luông, thôn có 27 hộ dân tộc Mông, cách trung tâm xã 24 km đường đèo dốc. Bằng sự nhiệt tình, linh hoạt của cán bộ Mặt trận, anh Tới đã vận động người Mông không nghe kẻ xấu xúi giục, chăm chỉ làm ăn. Anh đã thực hiện "3 cùng" với người dân để tìm hiểu, đưa ra giải pháp, bồi dưỡng quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Năm 2023, Chi bộ Khau Luông đã kết nạp được một đảng viên trẻ, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 7 đảng viên. Anh Tới bảo, “phát triển được đảng viên là mừng nhất vì thôn 100% là đồng bào Mông, nhiều năm qua không kết nạp được”.

Bí thư Đảng ủy xã Kiến Thiết Ma Ngọc Trân chia sẻ, ban đầu Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng phân vân vì đồng chí Tới còn quá trẻ. Nhưng chỉ sau vài tháng nắm giữ cương vị mới, đồng chí đã thể hiện được khả năng, năng lực của mình. Ứng dụng công nghệ tốt, năng động, mềm dẻo nên đồng chí Tới ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao, được bà con quý mến và rất phù hợp với vai trò, vị thế của Mặt trận hiện nay.

Chị Lê Thị Bình (bên trái) Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thăm gia đình chị Lưu Thị Mỵ, thôn An Thịnh được MTTQ xã hỗ trợ xóa nhà tạm.

Chị Lê Thị Bình (bên trái) Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thăm gia đình chị Lưu Thị Mỵ, thôn An Thịnh được MTTQ xã hỗ trợ xóa nhà tạm.

Trưởng thành từ công tác đoàn, chị Lê Thị Bình, sinh năm 1984, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) đã có nhiều sáng tạo, năng động thực hiện nhiệm vụ. Chị Bình chia sẻ: “Thời gian đầu tiếp cận công việc, tôi luôn tập trung nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, đồng thời tham vấn ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của các “tiền bối”. Đây chính là tiền đề để tôi xây dựng kế hoạch làm việc cho bản thân và chương trình hành động cho tổ chức. Đồng thời tích cực xuống với người dân nắm rõ tâm tư, nguyện vọng đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phản ánh với các cấp lãnh đạo những vấn đề mà Nhân dân quan tâm”.

Từ cách làm đó, nhiều năm qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại xã Phúc Thịnh luôn được các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ xã Phúc Thịnh đã kêu gọi từ các nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 9 hộ nghèo, hỗ trợ 4 hộ bị thiên tai với số tiền 25 triệu đồng. Ủy ban MTTQ xã đã vận động Nhân dân làm 7 km đường bê tông nông thôn với số tiền 600 triệu đồng; làm 8.700 m đường điện thắp sáng đường quê tại 8 thôn với số tiền 200 triệu đồng; vận động người dân hiến trên 4.000 m2 đất làm đường bê tông, đường nội đồng. Bên cạnh đó, với uy tín của mình, chị Lê Thị Bình đã phối hợp tham gia hòa giải thành công 137 vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân...

Những việc mà cán bộ Mặt trận trẻ đã và đang làm đã thổi luồng gió mới trong công tác Mặt trận trong tỉnh, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dau-an-suc-tre-can-bo-mat-tran-196203.html