Dấu ấn thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự

Thiền phái Thảo Đường kiến tạo lên hệ thống tăng già, mà ở đó, họ là những trí thức xuất phát từ nền học vấn Nho gia, bởi vậy sự ra đời của phái Thảo Đường là sự khẳng định minh xác nhất cho sự dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo...

FacebookEmail

Mục lục bài viết

Tóm tắt:
Dẫn nhập
1. Lý Thánh Tông và thiền phái Thảo Đường
2. Dấu ấn của thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi)
3. Vai trò của Thiền phái Thảo Đường đối với nền Phật giáo Việt Nam

Thiền phái Thảo Đường kiến tạo lên hệ thống tăng già, mà ở đó, họ là những trí thức xuất phát từ nền học vấn Nho gia, bởi vậy sự ra đời của phái Thảo Đường là sự khẳng định minh xác nhất cho sự dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo…

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh

Tóm tắt:

Thiền phái Thảo Đường là dòng thiền đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được mệnh danh là “dòng thiền hoàng gia”(1), được Lý Thánh Tông khởi xướng và phát triển rộng khắp. Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi) được xem là một trong những chốn cổ tự đánh dấu rõ rệt nhất quá trình Lý Thánh Tông đặt chân và truyền bá tư tưởng của dòng thiền này. Qua đó thấy được vai trò của thiền phái Thảo Đường đối với nền Phật giáo nước nhà nói chung và Đại Dương Sùng Phúc tự nói riêng.

Dẫn nhập

Phật giáo du nhập và phát triển ở Việt Nam có lẽ tương đương với chiều dài lịch sử của dân tộc. Trước thời kỳ độc lập tự chủ (938) Phật giáo đã từng bước bén rễ với tư cách là một tôn giáo du nhập. Chỉ sau khi đất nước xác định vị trí độc lập của mình thì về cơ bản các giá trị văn hóa của chúng ta mới từng bước định hình một cách có hệ thống. Vào thời nhà Lý và nửa đầu nhà Trần, Phật giáo mặc nhiên được lựa chọn là Quốc giáo với những lý do hoàn toàn hợp lý của sự vận động lịch sử xã hội. Phật giáo lúc này trở thành “bó đuốc tư tưởng” và phát triển đạt tới sự cực thịnh trong suốt triều đại lịch sử. Sự phát triển của Phật giáo thời Lý kéo theo nhiều hệ phái sinh ra, trong đó Lý Thánh Tông với tư cách là hoàng đế và là tổ thứ hai của thiền phái Thảo Đường đã tiếp nối, hoằng dương và vận dụng tư tưởng của thiền phái này vào chính sự. Trong quá trình vận động đó, Phật giáo được lan tỏa rộng khắp; Đại Dương Sùng Phúc tự in đậm dấu ấn của Thiền phái Thảo Đường. Nơi đây, không chỉ đánh dấu sự phát triển của thiền phái Thảo Đường, mà thực sự trở thành một trong những ngôi cổ tự hiếm hoi kế thừa căn bản nhất tư tưởng của thiền phái Thảo Đường.

Tượng Lý Thánh Tông. Ảnh: Chụp tại nhà thờ tổ chùa Sủi

1. Lý Thánh Tông và thiền phái Thảo Đường

Lý Thánh Tông (1023- 1072) vị vua thứ 3 của triều đại nhà Lý, xét về hành trạng của ông, ta có thể khẳng định rằng ông là vị vua có những đóng góp rất lớn không chỉ đối với sự tồn vong của đất nước mà Lý Thánh Tông còn đóng vai trò là một nhà tư tưởng lớn. Các tài liệu ghi chép về cuộc đời của Lý Thánh Tông còn tương đối rõ, đặc biệt hầu như các tài liệu đều nhắc tới vai trò của ông đối với thiền phái Thảo Đường.

Trong An nam chí lược chép: “Thảo Đường theo Thầy sang ở Chiêm thành. Lý Thánh Vương đi đánh Chiêm Thành, bắt được, cho làm đầy tớ sư Lục. Ngày nọ, sư lục viết văn sớ để trên bàn, đi ra ngoài, Thảo Đường lén sửa chữa lại, sư Lục lấy làm lạ, tâu vua nghe, vua phong Thảo Đường làm quốc sư.”(2)

Vua Lý Thánh Tông thấy Thiền sư Thảo Đường“Rất có đạo hạnh, biết rành sách Phật, vua Lý tôn làm thầy”(3) và phong Quốc sư, mời đến trụ trì ở chùa Khai Quốc.

Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển lớn trong cuộc đời của Lý Thánh Tông từ một nhà vua yêu nước đến một vị tu sĩ Phật giáo. Mở ra một phái thiền mới“Thiền phái Thảo Đường” và trở thành vị tổ truyền thừa thứ hai.

Chính vì vậy, vào thời kỳ này, Phật giáo đã thể hiện được tinh thần nhập thế sâu sắc, kết hợp giữa nhuần nhuyễn đời và đạo. Phật giáo không hoàn toàn chỉ là một tôn giáo riêng lẻ, mà với tầng lớp trí thức bấy giờ là giới cầm quyền thì nó là một hệ tư tưởng triết học để xây dựng được con người phù hợp với thời đại: Dũng cảm, tự tin, cởi mở, nhân ái, bao dung…

Một đặc điểm khác của thiền phái này là chủ chương dung hợp giữa Nho- Phật- Đạo, điều này rất khớp với hệ tư tưởng của thiền phái Tuyết Đậu của thiền sư Tuyết Đậu (Sư phụ của thiền sư Thảo Đường) khi dung hợp giữa Nho và Phật. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để phái Thảo Đường có thể nhanh chóng bén rễ vào trong tâm thức tín ngưỡng Đại Việt lúc bấy giờ, đặc biệt là tầng lớp quý tộc, trí thức. Khuynh hướng Nho – Phật dung hợp này đã đưa Nho gia đến gần với đạo Phật, các nhà Nho vốn là tầng lớp tri thức, trong đó Lý Thánh Tông là một ví dụ điển hình cho việc am hiểu Phật pháp và tinh thông Nho giáo. Nhưng cũng chính vì khuynh hướng xem trọng tri thức và văn học mà thiền phái Thảo Đường thời kỳ của Lý Thánh Tông chưa thể lan tỏa rộng rãi đến tầng lớp bình dân mà chỉ ảnh hưởng được đến một số trí thức, đặc biệt là tầng lớp vua tôi hoàng gia, quý tộc.

2. Dấu ấn của thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi)

Nằm trong quần thể di tích đình – đền – chùa Sủi, Đại Dương Sùng Phúc tự có tên nôm là chùa Sủi hay chùa Phú Thị, xưa thuộc trang Thổ Lỗi, hương Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây được xem là một trong những ngôi danh lam cổ tự đẹp nhất xứ Kinh Bắc.

Trong tấm bia Cúng Phật sản bi được khắc năm Đức Long năm thứ 5, Triều Lê hiện còn lưu tại chùa khắc nội dung như sau:“Trời đất rộng vô cùng, rộng không có gì là không che chở, mặt trời mặt trăng sáng vô cùng không có gì là không chiếu tới trong khoảnh trời đất. Đất này là nơi cổ tích danh lam rất đẹp. Chùa Đại Dương Sùng Phúc phía trước có hình chim chu tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam; Phía sau có hình chim Huyền Vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài; Bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về; Bên phải có hình bạch hổ cuồn cuộn chầu tới. Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Việt Nam vậy.”

Tương truyền Đại Dương Sùng Phúc tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Đây là giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào vùng Luy Lâu, tạo nên một cụm di chỉ Dâu, Keo, Sủi. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về giai đoạn này, phải đến thế kỷ thứ XVI mới có thông tin được khắc trên bia. Đến thế kỷ thứ XX, tấm bia khắc năm Bảo Đại thứ 8 (1933) còn lưu tại chùa chép rằng:“đệ tam đế Lý triều Hoàng Thái hậu sở sáng dã”. Có nghĩa là thời hoàng đế thứ ba, triều Lý, có bà Hoàng Thái hậu kiến tạo nên. Hoàng Thái hậu thời hoàng đế thứ ba triều Lý tức là Ỷ Lan. Cho thấy Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xiển dương ngôi cổ tự này.

Tượng Thiền sư Ỷ Lan. Ảnh: chụp tại nhà thờ tổ chùa Sủi

Bên cạnh đó, ngôi cổ tự này đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của các vị vua, quan, tăng sĩ. Sử sách còn ghi lại rằng vua Lý Thánh Tông (1054-1072) từng đến đất Thổ Lỗi, gặp người con gái Lê Thị Khiết (1044-1117), lấy làm vợ, lập làm Nguyên phi Ỷ Lan, 40 tuổi vẫn chưa có con về chùa cầu tự.

Sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông”.

Năm 1066, Nguyên Phi Ỷ Lan hạ sinh Thái tử Càn Đức. Để tạ ơn trời Phật, vua Lý Thánh Tông cho xây lại ngôi chùa rồi đổi tên gọi là Sùng Phúc Tự. Khi về già, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây lại chùa với quy mô rộng lớn, khang trang hơn. Trong báo cáo của Sở Văn hóa Hà Nội năm 1988 đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử chùa Sủi viết: “Ngay từ khi mới ra đời, chùa Đại Dương đã nổi tiếng là ngôi chùa đẹp, sau lần bà Ỷ Lan về chùa, chùa càng nức tiếng. Suốt từ đó về sau, nhiều Vương Hầu, Vương Phi thường về thăm và công đức…”

Sự kiện vua Lý Thánh Tông cùng Nguyên Phi Ỷ Lan đến chùa, đã đánh dấu bước đầu cho sự bén rễ của thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự. Được chúng tôi khảo qua các tư liệu tư liệu cổ, cùng văn bia và hoành phi câu đối còn lưu tại chùa.

Tượng Thiền sư Thảo Đường. Ảnh: Chụp tại chùa Sủi

Như đã đề cập ở trên, Thảo Đường Thiền sư được Lý Thánh Tông phong Quốc sư, trụ trì tại chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc). Tuy nhiên Đại Dương Sùng Phúc tự nằm ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu, và cũng là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan nên hoàng gia thường lui tới. Trong sách Lạp nhật cúng Phật tổ nghi,từ trang 40a đến trang 60b, chép rằng: “Khai Quốc Thảo Đường thiền sư, Viên Thông Đại Điên pháp sư,….., Gia Lâm Tuệ Chiếu danh sư”. Đây đều là các danh tăng thuộc hệ phái Thảo Đường được Giáo sư Lê Mạnh Thát phát hiện trong cuốn Lạp nhật cúng Phật tổ nghi đặc biệt, trong đó có Viên Thông Đại Điên pháp sư. Vào thời Lý, người thường lui tới chùa Sủi và được dân làng Sủi coi là trụ trì cũng nằm trong dòng truyền thừa đó.

Ngoài ra trong tấm hoành phi câu đối chúng tôi khảo được cũng in đậm dấu ấn của dòng thiền Thảo Đường.

Vân môn khải thánh. Ảnh: chụp tại nhà tổ chùa Sủi

Về tấm hoành phi của chùa

雲門啟聖

Phiên âm:

Vân môn khải thánh

Dịch nghĩa:

Tông Vân môn mở ra bậc thánh

“Vân môn” được hiểu theo các nghĩa như sau:

1. Chỉ một điệu múa trong 6 điệu múa thời cổ (thời nhà Chu) lễ này dùng trong lễ tế thiên thần, tương truyền do Hoàng Đế chế ra.

2. Chỉ cửa cổng cao to rộng lớn, phiếm chỉ nhà quyền quý,

3. Chỉ sơn môn tông phái, cũng để chỉ chùa miếu.

4. Chỉ một tông phái phật giáo (Vân môn tông). Hai chữ khải thánh. Có hai cách hiểu: Mở ra/sinh ra bậc thánh. Cách hiểu thứ hai là chỉ bậc sinh ra bậc thánh. ở đây hiểu theo cách thứ nhất.

Như vậy, Vân môn khải thánh 雲門啟聖 ở đây, được chúng tôi hiểu là một tông phái Phật giáo, cụ thể là Vân Môn tông. Trong Ngũ gia Thất tông của Trung Quốc thì Vân Môn tông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển Phật giáo tại Trung Hoa. Thiền sư Thảo Đường đã kế thừa phần nhiều tư tưởng của thầy mình là Tuyết Đậu,(4) và bởi vậy một phần không nhỏ tư tưởng của thiền phái Thảo Đường mang sắc thái của Vân Môn tông.

Từ những căn cứ trên, ta có thể khẳng định Thiền phái Thảo Đường tại Việt Nam có liên hệ mật thiết với Vân Môn tông tại Trung Hoa. Như vậy, Vân Môn tông rõ ràng là căn nguyên cho sự ra đời của các thiền phái sau này, trong đó phái Thảo Đường là một ví dụ điển hình.

Về câu đối

院名崇福自是草堂開教地;
道衍超類當三李后問疑時

Phiên âm:

Viện danh Sùng Phúc tự thị Thảo Đường khai giáo địa;
Đạo diễn Siêu Loại đương tam Lý hậu vấn nghi thời

“Viện danh Sùng Phúc” ý chỉ Đại Dương Sùng Phúc. Đây là nơi khai mở ra thiền phái Thảo Đường. Ở câu thứ 2, chỉ ra rằng thiền phái Thảo Đường được mở ra ở vùng Siêu Loại (nay thuộc huyện Gia Lâm) Hà Nội thời vua Lý Thánh Tông.

Ngoài ra, trong quá trình khảo cứu và điền dã trong cụm di tích Đình – Đền – Chùa Sủi, chúng tôi phát hiện tại gian chính tẩm của Phụng Tổ đường có tượng thờ Thiền sư Thảo Đường (không rõ năm tạc), tượng thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và các văn bia nói về công đức của bà tại chùa.

Tiếp theo là câu đối được trụ trì Thích Thông Tiến đề chữ hồi đầu thế kỷ XX:

演派聯方脉引大揚彰祖教
雲門列燭覺華崇福欝心宗

Phiên âm:

Diễn phái liên phương mạch dẫn đại dương chương tổ giáo.
Vân môn liệt chúc giác hoa sùng phúc uất tâm tông.

Nghĩa rằng: pháp mạch diễn biến của tổ tới chùa Đại Dương thì khởi sáng

Tông

Từ những dẫn cứ đã được chúng tôi nêu trên, có thể khẳng định rằng Thiền phái Thảo Đường vào thời vua Lý Thánh Tông đã phát triển cực thịnh và để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử Phật giáo nói chung và Đại Dương Sùng Phúc tự nói riêng.

3. Vai trò của Thiền phái Thảo Đường đối với nền Phật giáo Việt Nam

Như đã nói ở trên, Thiền phái Thảo Đường kiến tạo lên hệ thống tăng già, mà ở đó, họ là những trí thức xuất phát từ nền học vấn Nho gia, bởi vậy sự ra đời của phái Thảo Đường là sự khẳng định minh xác nhất cho sự dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo (chúng tôi nhấn mạnh). Do cơ duyên hạnh ngộ Đại Dương Sùng Phúc tự đã được Lý Thánh Tông chọn làm nơi tu tập cho giới tăng sĩ và vua tôi nhà Lý.

Có thể nói, dòng thiền Thảo Đường cùng vua Lý Thánh Tông đã khai sáng nên một nền Phật giáo theo yêu cầu của thời đại và lịch sử. Tỷ lệ người đắc pháp tại gia chiếm 50% trong tổng số thành viên của dòng thiền này (18 thành viên).(5) Con số này thể hiện xu thế dịch chuyển từ những người xuất gia qua những người tại gia, người xuất gia không còn độc quyền đại diện cho Phật giáo, thay vào đó hình thành một tầng lớp Phật tử mới nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội lúc bấy giờ. Xu thế này càng phát triển mạnh qua các thời đại và đạt đỉnh vào thời Trần trong những năm trị vì của Trần Nhân Tông qua triết lý “Cư trần lạc đạo” mà khởi nguyên chính là tư tưởng của thiền phái Thảo Đường. Phật giáo không kể người xuất gia hay tại gia đều chung một lòng xây dựng một nhà nước mới hùng cường mà theo Nguyễn Lang thì “Phật giáo chính là nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự”.(6)

Mặc dù xuất hiện muộn tại Việt Nam hơn so với các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi hay Vô Ngôn Thông, nhưng rất nhiều tư tưởng của Thảo Đường được các thiền phái khác tiếp thu và vận dụng linh hoạt để phù hợp với những biến động của lịch sử xã hội. Vào thời Trần cũng chính tư tưởng nhập thế của dòng thiền này được vua Trần Nhân Tông kết hợp với thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông để hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm vang bóng một thời.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Anh

***
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mạnh Thát (1337), Thiền uyển tập anh, Nxb Đại học Vạn Hạnh.
2. Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học.
3. Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam TK X đến TK XIX – Những vấn đề lý luận về lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Lê Ngọc Quang, Phật giáo Việt Nam huyện Gia Lâm: Lịch sử, thực trạng, những vấn đề đặt ra. Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học.
5. Lê Tắc, An nam chí lược, Nxb Lao động.
6. Sách Tư liệu lịch sử quê hương Sủi.
7. Qua các tư liệu hoành phi, câu đối mà chúng tôi khảo được tại Đại Dương Sùng Phúc tự tức chùa Sủi.
8. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam quyển 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
9. Đỗ Thu Hiền, Điển phạm và các vấn đề điển phạm trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
10. Lạp nhật cúng Phật tổ nghi

Chú thích:
[1] Thiền phái này tập trung chủ yếu vào tầng lớp vua tôi, quan lại nhà Lý.
[2] Lê Tắc, An nam chí lược, Nxb Lao động,tr.258
[3] Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, Nxb Đại học Vạn Hạnh 1976, tr.153.
[4] Tuyết Đậu Trọng Hiển (雪竇重顯), 980-1052, là một vị Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Vân Môn.
[5] Lê Mạnh Thát, lịch sử Phật giáo Việt Nam III, Nxb Tôn giáo,tr.66.
[6] Đỗ Thu Hiền, Điển phạm và các vấn đề điển phạm trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dau-an-thien-phai-thao-duong-tai-dai-duong-sung-phuc-tu.html