Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà Bình Thuận đã và đang đề ra. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Bình Thuận đã đạt được những kết quả đầy tích cực trên hành trình chuyển đổi số.

Kết quả bước đầu

Với mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phấn đấu đến năm 2030, Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) về công tác chuyển đổi số vào cuối năm 2021. Đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai đã đem lại nhiều kết quả tích cực. VNPT Bình Thuận đã phối hợp với các sở, ngành triển khai phát triển hạ tầng viễn thông rộng khắp từ thành thị đến nông thôn; các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch… Từ đó, góp phần phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiện đại, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh.

Người dân tra cứu thông tin tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị xã La Gi.

Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết: VNPT đã đồng hành cùng với Bình Thuận chuyển đổi số đạt được kết quả bước đầu. Nổi bật là hạ tầng số được chú trọng, các doanh nghiệp viễn thông, các sở, ngành và địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% xã/phường/thị trấn; các sở, ngành và địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng nội bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, dữ liệu công dân số bước đầu được hình thành tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới. Nền tảng số đã được đầu tư, các sở, ngành và địa phương tiếp tục hoàn thiện và khai thác sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính… Thời gian tới, Tập đoàn VNPT cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh để triển khai chuyển đổi số toàn diện cho tỉnh, cùng vươn tới mục tiêu nâng cao lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra động lực mới cho sự tăng trưởng của Bình Thuận.

Chuyển đổi số theo 3 trụ cột

Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những dấu ấn đạt được, chuyển đổi số vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý, nguồn nhân lực có chuyên môn để tham mưu các nhiệm vụ về chuyển đổi số tại các sở, ngành và địa phương chưa đáp ứng theo yêu cầu, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số chưa đạt kết quả. Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng của các lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số nhưng chưa được các sở, ngành nghiên cứu đề xuất và hình thành dự án/đề án để triển khai…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số khẳng định, lĩnh vực chuyển đổi số là lĩnh vực mới, giai đoạn đầu phải triển khai nhiều nội dung theo chỉ đạo, triển khai của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành. Để đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; ứng dụng nền tảng số hướng đến nâng cao chất lượng sống của nhân dân và sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian tới, các sở, ngành và địa phương chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Kế hoạch số 1282 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nâng cấp hoàn thiện Hệ thống phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính gắn với kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai kết nối, tích hợp, liên thông dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin trong tỉnh và Trung ương. Đồng thời, triển khai các nền tảng số quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn tỉnh bằng nhiều hình thức phù hợp…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dau-an-tich-cuc-tu-chuyen-doi-so-101479.html