Dấu ấn tiểu thuyết lịch sử
Gần 20 năm, nhà văn Phùng Văn Khai chuyên tâm với lịch sử. Nhà văn hoặc cùng các đoàn nghiên cứu, văn nhân miệt mài điền dã đình, đền, chùa, miếu; hoặc mải miết xuôi ngược tham gia tổ chức các hội thảo khoa học về danh nhân lịch sử. Công việc lúc nào cũng bận rộn mà xem ra việc viết tiểu thuyết lịch sử của nhà văn vẫn không khi nào sao nhãng. Nhân dịp Viện Nhân học và văn hóa tổ chức Tọa đàm 'Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai' vào sáng 26/3, xin giới thiệu một số ý kiến của các nhà nghiên cứu xung quanh 6 cuốn tiểu thuyết của cây bút 7x này.
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân: Vương triều Tiền Lý, bộ tiểu thuyết lịch sử đặc sắc
Với bộ Vương triều Tiền Lý 4 tập với 63 hồi, hơn 2.000 trang, Phùng Văn Khai đã dẫn dắt người đọc theo bước chân hành trình của các bậc đế vương triều Tiền Lý nhằm hiện thực hóa ý chí và sức mạnh của muôn dân Vạn Xuân.
Một điều chính yếu cũng là văn mạch xuyên suốt của “Vương triều Tiền Lý", bao gồm: “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương”, “Lý Phật Tử định quốc” chính là tinh thần Phật giáo hộ quốc đã được nhất quán trong suốt mấy nghìn trang sách của nhà văn Phùng Văn Khai. Tinh thần Phật giáo được thể hiện sinh động từ bước chân lẫm chẫm của cậu bé Lý Bí bảy tuổi trong đêm đông vắng lặng một mình trước mộ mẫu thân cùng với chúa sơn lâm bờm trắng nghe câu kinh tiếng mõ lốc cốc của sư phụ tới hình ảnh Triệu Việt Vương xuống tóc nơi chùa Bến trong một đêm đông cổ trấn Luy Lâu. Các cuộc luận đàm Phật pháp diễn ra trùng điệp, nối nhau, khi giữa vương triều Vạn Xuân ngày khai quốc, khi nơi chiến trận vẫn là tinh thần Phật giáo hộ quốc mà tiêu biểu là lục đại hộ pháp thiền phái Luy Lâu dòng thuần Việt.
Trong “Vương triều Tiền Lý”, đồng đều 4 cuốn luôn nổi lên tinh thần văn hóa hộ quốc. Văn hóa ở đây sâu thẳm từ thời thượng cổ, từ những lễ hội dân gian nơi thôn cùng xóm vắng tới nghi lễ quốc gia, nghi vệ triều đình trong quốc điện Vạn Xuân. Một đất nước, một quốc gia với nền quốc thống không thể nào tách rời văn hóa.
Một trong những vẻ đẹp của “Vương triều Tiền Lý” mà điển hình là “Lý Phật Tử định quốc” đã mạnh dạn khẳng định việc mở mang bờ cõi về phương Nam là một tất yếu lịch sử. Lý giải những vấn đề trên, ngòi bút của nhà văn đã phải vượt qua biết bao gian nan trắc trở. Bộ sách được viết liền một mạch, tổng hòa các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, bản sắc dân tộc đã hiện lên, khi dồn dập nối nhau như sóng vỗ bờ, khi ẩn tàng lặng lẽ.
Đọc tiểu thuyết của nhà văn Phùng Văn Khai, độc giả như được sống lại một thời kỳ oanh liệt của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. “Vương triều Tiền Lý” xứng đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực phục hưng lối viết truyền thống bằng lối kể chuyện hấp dẫn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú: Những chiến thắng đích đáng
Có khoảng 35 trận chiến lớn nhỏ trong 4 tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Ngô Vương; Phùng Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc). Đặc điểm tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai là tái hiện công việc giữ nước của những triều đại sớm nhất trong lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng kiệt xuất như: Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền... Những trận chiến như những vòng hào quang tôn vinh các thần tượng này thêm rõ ràng, lung linh, kỳ vĩ hơn, và cũng chân thực, sinh động hơn.
Như là lẽ đương nhiên, nhiều nhất là thủy chiến (12 trận) vì địa hình nước ta thời đó sông ngòi chằng chịt. Ví như một trận theo mưu kế thủy quân của quân Triệu Quang Phục: “Đặng Nhượng đang cười lên sằng sặc bỗng khựng lại thất kinh khi thấy ba mươi chiến thuyền rúc mũi sát bờ đầm từ từ chuyển động... Từ dưới lòng đầm um tùm lau sậy, bóng những dũng sĩ Vạn Xuân búng mình khỏi nước nhảy lên chiến thuyền dùng sào đẩy ra xa. Tiếng búa gỗ vang lên bôm bốp. Ba mươi chiến thuyền nửa khắc trước còn hung hăng quăng câu liêm móc sắt ào ạt lên gò đất hò hét đánh giết cứ thế từng chiếc bị đục thủng đáy, nước ào vào từ từ chìm xuống. Khi thuyền chìm dần còn độ gang tay cũng là lúc hai mươi chiếc thuyền độc mộc sáu mái chèo của Vạn Xuân như từ trên trời rơi xuống, lướt nhanh...” (Triệu Vương phục quốc, tr. 319). Tác giả vận dụng tốt phương pháp phân cảnh đối lập của điện ảnh, câu văn giàu tính tạo hình, sinh động đã gây được hiệu ứng hồi hộp, hưng phấn ở độc giả.
Trận đánh hỏa công của Phùng Hưng là tiêu biểu cho lối đánh, cách đánh từ chuẩn bị vật liệu, tiếp cận mục tiêu, lợi dụng địa hình địa vật: “...mấy trăm chiếc thuyền nhỏ chất đầy cỏ khô, diêm sinh bốc lửa ào ào lao vào vây lấy đội chiến thuyền của Dương Tuyền.Trời còn nhọ nhẹ mặt người, quân tướng Lữ Phương hỗn loạn mạnh ai nấy chèo tản ra bốn phía không thuyền nào chịu nhường thuyền nào. Lửa mỗi lúc một dữ dội. Những thuyền nhỏ của thủy quân Đường Lâm chủ động áp sát các chiến thuyền quân Lữ Phương mà đốt. Thuyền gỗ lớn gặp gió to bắt lửa rất nhanh. Kẻ không kịp mặc áo quần, người không kịp cầm binh khí, không chịu được hơi lửa táp nóng nhảy lõm bõm xuống nước. Vòng ngoài, hơn nghìn cung thủ bắn như châu chấu sang thuyền giặc... Thương thay Lữ Phương cùng đám tướng quân Dương Tuyền sau bao năm chuẩn bị đạo thủy quân, chưa kịp giao phong đã bị chết cháy nơi cửa sông ráo cả” (Phùng Vương, tr. 275).
Về phương tiện chiến tranh, trong các tiểu thuyết lịch sử trước đó ít thấy tác giả nói đến “Máy bắn đá”. Phùng Văn Khai “có công” tái hiện lại cách đánh giặc này.
Các trận đánh trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai đều có mục đích đuổi giặc, do vậy phải tận dụng địa hình địa vật, nhất là lối đánh du kích được phát huy triệt để, thậm chí có cả “máy phóng tên”: “Các dũng sĩ phá cầu mau chóng sang bờ phía bên kia đóng hàng loạt cọc tre đực dựng đứng phía đầu cầu tua tủa cũng là lúc các vị đô tướng cho lắp đặt hai mươi bảy dàn máy phóng tên trên các ụ đất cao phía cổng thành hướng về phía đầu cầu bên trong” (Nam Đế Vạn Xuân, tr, 328). Vũ khí ấy, tinh thần ấy, cách đánh ấy, tất yếu tạo nên chiến thắng với khúc khải hoàn đầy hùng ca, hoan ca.
Từ 4 tác phẩm dày dặn, tâm huyết, công phu của Phùng Văn Khai cho thấy tác giả phải thật sự am hiểu lịch sử, nhất là cái lõi văn hóa thời đại. Vì câu chuyện đuổi giặc là văn hóa giữ nước sinh động, cụ thể nhất. Nhà văn lúc này phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhà quân sự am tường các binh pháp cổ... Phùng Văn Khai đã thỏa mãn những điều ấy nên đọc tiểu thuyết của anh ta thích thú với sự cuốn hút của cốt truyện, sự khoan khoái với những chiến thắng đích đáng. Gấp lại mỗi cuốn sách ta thêm tự hào về cha ông mình, đất nước mình.
Nghiên cứu sinh Lại Ngọc Anh Thư: Làm mới tiểu thuyết chương hồi
Nhà văn Phùng Văn Khai rất tôn trọng tính chân thực lịch sử và cũng rất coi trọng phần hư cấu, tưởng tượng nghệ thuật bởi điều đó sẽ làm nên giá trị văn chương cho tác phẩm. Đặc biệt, ông có cách xử lý lịch sử rất đa dạng. Trên nền tiểu thuyết, lịch sử được khắc họa bởi một người cầm bút tài năng.
Những yếu tố cố định, yêu cầu nhà văn phải đảm bảo tính chính xác là các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, bối cảnh lịch sử đến cách ăn nói, trang phục, ngôn ngữ… của từng thời kì nhất định. Rõ ràng, tác giả không thể tùy tiện thay đổi phục trang của người hiện đại cho những người ở giai đoạn trước, cũng không thể có các từ ngữ quá tân thời cho con người trong quá khứ. Phùng Văn Khai đã rất cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc thể hiện tính chân xác lịch sử. Các nhân vật Lý Bí, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương… đều có thật. Các sự kiện, địa danh được nhắc đến đều được ghi chép và diễn ra trong chính sử. Chính điều này góp phần đảm bảo tính xác thực của lịch sử, tạo nên độ tin cậy cao trong các tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.
Tính hư cấu ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Phùng Văn Khai viết trên nguyên tắc nền tảng lịch sử, hư cấu trên một sự thật lịch sử, khoa học lịch sử. “Nam Đế Vạn Xuân” ra đời đã lý giải được tính khoa học lịch sử của việc Lý Nam Đế lên ngôi lập nhà nước Vạn Xuân, lập chùa Trấn Quốc. Tính tự chủ của người Việt hết sức mãnh liệt và không lệ thuộc vào phương Bắc. Với tư cách là người yêu thích lịch sử, nhà văn cho rằng: “Triều chính Việt Nam không có việc giải trí. Chúng ta không có thời gian nhiều cho giải trí”.
Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai được triển khai theo kết cấu chương hồi. Ở một góc độ nào đó, có thể coi Phùng Văn Khai là người có công phục sinh và làm mới tiểu thuyết chương hồi, đưa chúng lại gần với độc giả đương đại. Theo mô hình tiểu thuyết chương hồi, mỗi cuốn sách của Phùng Văn Khai gồm nhiều hồi. Mỗi hồi kể về một chuyện và có thể tách ra thành từng truyện ngắn độc lập nhưng đều được triển khai xoay quanh nhân vật trung tâm. Phùng Văn Khai đã kế thừa truyền thống của kết cấu tác phẩm. Nhưng trong tiểu thuyết của mình, nhà văn đã sử dụng hình thức kết cấu sự kiện, lấy nhân vật và sự kiện lịch sử làm trục chính. Tác giả đã sử dụng kết cấu theo kiểu này hết sức thành công đã lôi cuốn sự hấp dẫn của bạn đọc.
Nhân vật là chủ thể làm nên các sự kiện, các diễn tiến của lịch sử. Để phản ánh bức tranh hiện thực lịch sử đương thời, tác giả Phùng Văn Khai đã thâu nạp số lượng đồ sộ nhân vật. Các nhân vật này đại diện khá đầy đủ các loại người, các tầng lớp, các kiểu nhân cách khác nhau. Các nhân vật đó chỉ cần nhắc tên là người đọc có thể hình dung ra điệu bộ, cử chỉ, quan điểm sống, nhân cách, như: Lý Bí, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương, Phạm Tu, Triệu Túc… Có một số nhân vật được tác giả khắc họa kỹ như bốn vị hoàng đế, quân vương của Vương triều Tiền Lý nhưng cũng có các nhân vật chỉ xuất hiện qua một vài chi tiết mà khiến người ta nhớ như: Nhã Lang, Hoàng hậu Su Man Trinh, Từ sư phụ, Triệu Thái sư,…
Có thể nói, bằng ngôn ngữ, Phùng Văn Khai đã phục dựng được cả không gian văn hóa của nhà nước Vạn Xuân. Ông đã đem đến cho bạn đọc những tri thức mới mẻ, hấp dẫn về đất nước và con người Việt Nam thời Tiền Lý và các thời đại trong tiểu thuyết lịch sử mà ông đã công bố.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-an-tieu-thuyet-lich-su-5713953.html