Dấu ấn triều Mạc tại Lạng Sơn: Những giá trị lịch sử, văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy

Trong hơn một thế kỷ tồn tại, nhà Mạc đã để lại nhiều dấu ấn với những di tích, di sản, hiện vật có giá trị. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã quan tâm công tác bảo tồn, gìn giữ, đưa những di tích, di sản nhà Mạc để lại trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và ý nghĩa.

Tại Lạng Sơn, hệ thống những di tích, di sản, hiện vật phản ánh sự tồn tại của nhà Mạc khá đa dạng, phong phú, gồm cả di tích lịch sử, hiện vật lịch sử và di sản phi vật thể. Các di tích, di sản, hiện vật đó luôn được các thế hệ sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Giá trị lịch sử, văn hóa

Sau năm 1592, sau khi thất thế ở Thăng Long, nhà Mạc lui về Cao Bằng, xây dựng và củng cố căn cứ tại các tỉnh lân cận trong đó có Lạng Sơn. Nhắc đến những dấu tích quan trọng của nhà Mạc không thể bỏ qua di tích thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Hiện nay, hệ thống thành gồm 2 đoạn tường khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Năm 1962, di tích thành nhà Mạc đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Tiến sĩ Đỗ Thị Thùy Lan, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, tác giả tham luận “Chính trị và thành lũy vùng biên: Nhà Mạc sau năm 1593 và dấn ấn ở Lạng Sơn” tại Hội thảo khoa học Di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc “Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” cho rằng: Thành nhà Mạc tại Lạng Sơn là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam để Mạc Kính Cung ngăn chặn quân đội nhà Trịnh đánh lên. Tuy quy mô không lớn nhưng đây là công trình nguyên vẹn nhất trong số các tòa thành của nhà Mạc còn lại tại các địa phương cho đến ngày nay. Sự tồn tại của thành nhà Mạc tại Lạng Sơn là chứng tích cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Việt Nam giai đoạn sơ kỳ cận đại gắn liền với sự nghiệp của Mạc Kính Cung.

Bên cạnh di tích thành nhà Mạc nằm uy nghi, phản ánh sự tồn tại chân thật của một giai đoạn lịch sử đầy biến động, dấu ấn nhà Mạc còn được thể hiện trong đời sống văn hóa tinh thần, kết tinh thành những nghi lễ, trò diễn tại lễ hội đặc sắc. Đó là lễ hội Ná Nhèm được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Về nguồn gốc của lễ hội, theo các tài liệu lịch sử, triều Mạc sau khi thất thế, bị tướng quân Đinh Văn Tả dẹp yên đất Cao Bằng (1677) nên con cháu buộc phải chạy loạn. Trong đó, có nhóm người chạy về khu vực làng Mỏ, xã Trấn Yên đã thay tên, đổi họ thành họ Hoàng và họ Bế, sinh sống cùng người Tày bản địa rồi sáng tạo ra lễ hội Ná Nhèm với nhiều thông điệp.

Lễ hội là việc phục dựng lại câu chuyện đánh giặc của người dân cùng các tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương. Có 3 điểm khác biệt của lễ hội này so với các lễ hội khác: đây là lễ hội dân gian duy nhất ở hiện tại con cháu nhà Mạc được hô Vạn Tuế với vua tổ của mình; lễ hội duy nhất sử dụng mô hình khí giới như thật để diễn trò và đây là lễ hội duy nhất đem sinh thực khí nam nữ đi cúng Vua, mong Vua tổ che chở cho dòng họ tiếp tục sinh sôi, nảy nở.

Những giá trị về lịch sử, về văn hóa nhà Mạc để lại đều đậm nét và đặc sắc, đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa Xứ Lạng. Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn luôn quan tâm bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị di tích, di sản văn hóa đó, đưa những giá trị đó thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về Lạng Sơn.

Bảo tồn, phát huy

Những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản, hiện vật liên quan đến nhà Mạc.

Như đối với thành nhà Mạc, việc tôn tạo, tu sửa di tích đã được các cấp chính quyền quan tâm. Cụ thể, từ năm 2010, Ban Quản lý di tích của tỉnh đã phân bổ 600 triệu đồng phục vụ việc xây dựng nhà bia di tích và tu sửa tòa thành để phục vụ nhu cầu đón tiếp các đoàn khách du lịch tới tham quan. Mặc dù tu sửa nhưng vẫn đảm bảo giữ nét cổ kính của công trình quân sự thời phong kiến. Tiếp đó, đến năm 2020, sau khi được giao trách nhiệm quản lý di tích, UBND thành phố đã phân bổ kinh phí hơn 10 tỷ đồng nhằm chỉnh trang, tôn tạo, tu sửa di tích, nhờ đó, diện mạo di tích có nhiều đổi mới. Song song với đó, UBND thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá quần thể danh thắng và di tích qua hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Hiện nay, di tích thành nhà Mạc là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng, tham quan. Anh Lê Huy Anh, đoàn viên thanh niên khối 3, phường Tam Thanh cho biết: Khu di tích thành nhà Mạc không chỉ thu hút đông đảo du khách tham quan mà với người dân, nơi đây trở thành địa điểm quen thuộc để tập thể dục hằng ngày. Diện mạo di tích ngày càng sạch và đẹp hơn. Khi đến đây tập thể dục, tham quan cảnh sắc, tôi cũng luôn ý thức việc giữ vệ sinh, dọn dẹp, bảo vệ di tích từ những việc làm nhỏ.

Tương tự, trong công tác bảo tồn văn hóa mang dấu ấn nhà Mạc không thể không nhắc đến việc phục dựng, duy trì, nâng tầm lễ hội Ná Nhèm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Qua tìm hiểu được biết, để phục dựng và tổ chức lễ hội, đảm bảo giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, trước đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu, chuẩn bị tổ chức lễ hội được ngành văn hóa và cấp ủy, chính quyền quan tâm tích cực. Bên cạnh đó, là sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Năm 2012, sau hơn 50 gián đoạn, lễ hội được phục dựng và tổ chức trở lại. Năm 2015, lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Những giá trị về lịch sử, về văn hóa nhà Mạc để lại đều đậm nét và đặc sắc, đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa Xứ Lạng. Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn luôn quan tâm bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị di tích, di sản văn hóa đó, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về Lạng Sơn.

Từ năm 2012 trở đi, lễ hội được tổ chức đều đặn hằng năm (trước đó tổ chức 3 năm/lần) và đây luôn là lễ hội điểm được UBND huyện chỉ đạo. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện, xã đã triển khai đa dạng các giải pháp nhằm tuyên truyền, lan tỏa những thông điệp, ý nghĩa nhân văn, giá trị và nét đặc sắc riêng của lễ hội đến với đông đảo người dân và du khách. Các nội dung, nghi lễ, hoạt động của lễ hội ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, góp phần giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, mong ước những điều may mắn, tốt lành, cuộc sống ấm no, đủ đầy, vạn vật sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu. Qua lễ hội cũng thể hiện lòng thành kính, nhớ công lao của Thành hoàng giúp dân đánh giặc giữ làng, giữ nước, xây dựng và bảo vệ quê hương. Bên cạnh việc tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, năm 2016, UBND huyện Bắc Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Lễ hội Ná Nhèm", qua đó tiếp tục làm rõ hơn, quảng bá lễ hội với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện.

Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện, xã quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Lễ hội đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Anh Hoàng Văn Lào, thôn Pá Chí, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Năm nào tôi cũng tham gia các hoạt động rước kiệu hoặc diễn trò tại lễ hội Ná Nhèm. Tham gia lễ hội, hiểu hơn những thông điệp, ý nghĩa quan trọng của lễ hội. Tôi cũng cảm thấy vui vì lễ hội ngày càng được nhiều người biết đến và tham gia.

Thời gian tới, các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn và phát huy giá trị những dấu ấn văn hóa nhà Mạc, qua đó nhằm góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống lịch sử đến đông đảo người dân và du khách.

PHƯƠNG DUNG – HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dau-an-trieu-mac-tai-lang-son-nhung-gia-tri-lich-su-van-hoa-va-cong-tac-bao-ton-phat-huy-5003479.html