Dấu ấn trong phát triển nông nghiệp ở vùng đất lúa

Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ huyện Hải Lăng đã ban hành các phương án, đề án tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực này. Sau 5 năm thực hiện, Hải Lăng đã cơ bản đạt và vượt cao các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp theo kế hoạch đề ra, là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung và mang tính bền vững.

 Mô hình mướp đắng trồng xen cây ném ở xã Hải Dương -Ảnh: T.T

Mô hình mướp đắng trồng xen cây ném ở xã Hải Dương -Ảnh: T.T

Hải Lăng có tổng diện tích lúa hai vụ hơn 13.500 ha, trong đó lúa chất lượng cao hơn 8.000 ha. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa của huyện luôn cao nhất tỉnh Quảng Trị, đạt trung bình hơn 62 tạ/ ha, riêng vụ đông xuân 2018-2019 đạt 63,8 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Toàn huyện có 1.364 ha diện tích cánh đồng lớn, diện tích lúa chất lượng cao là 8.290,3 ha, tăng 73,3 ha so với năm 2015; sản xuất lúa hữu cơ 104 ha, diện tích sản xuất lúa theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu khoảng 95 ha. Đây là kết quả tích cực của chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất để xây dựng cánh đồng lớn và liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ. Có 200 ha lúa, liên kết, liên doanh với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Giá trị sản xuất trên một héc ta diện tích đất canh tác đạt 88,7 triệu đồng.

Những năm trở lại đây, huyện đã chú trọng khai thác, phát triển mạnh lợi thế của từng vùng, kinh tế vùng gò đồi, vùng cát, một số mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như mô hình trồng cam tập trung tại K4, xã Hải Phú; trồng ném tại xã Hải Dương, Hải Định; trồng rau màu trái vụ tại các xã Hải Quy, Hải Ba; trồng mướp đắng, dưa vùng cát tại các xã Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương; nuôi bò lai, nuôi lợn lai, lợn ngoại; nuôi cá chình lồng; chuyển đổi sinh kế vùng biển tại các xã Hải An, Hải Khê... Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đưa vào sản xuất thử nghiệm như dưa lưới, chè vằng, tiêu, cam hữu cơ, ... bước đầu cho kết quả tốt, tạo chuyển biến nhận thức của người dân về ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất theo hướng an toàn. Đến nay, toàn huyện có 71,1 ha cam tập trung, tăng 48,2 ha so với đầu nhiệm kỳ. Huyện đang xây dựng đề án phát triển vùng trồng cam tập trung gắn với du lịch sinh thái với diện tích 144,54 ha tại vùng Khe Khế, xã Hải Phú. Với quyết tâm khai thác có hiệu quả, tiềm năng vùng đồi, vùng cát, huyện tập trung xây dựng 600 ha diện tích trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Đối với các xã ở vùng cát, hiện có 191,5 ha trồng ném mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện Hải Lăng chú trọng phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp có quy mô trang trại, gia trại gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Có 73 mô hình chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con, 2 mô hình chăn nuôi lợn gia công quy mô trên 1.000 con. Tổng đàn bò 5.000 con, tỉ lệ bò lai đạt 70%, nhiều giống bò mới đã được đưa vào nuôi thử nghiệm cho kết quả tốt như bò lai Brahman, lai BBB, bò lai Drough Master... Những năm qua, huyện đã chủ trương phát triển đàn bò lai theo hướng bán thâm canh, thâm canh quy mô hộ gia đình với 2 - 3 bò cái lai/hộ kết hợp với mô hình chuồng bò cải tiến có ngăn dự trữ rơm khô và trồng cỏ nuôi bò. Bảo tồn và phát triển những cá thể lợn nái Móng Cái có năng suất tốt vừa phát triển đàn nái lai, lợn nái ngoại có nguồn gốc giống từ Công ty CP (Thái Lan) và lợn siêu nạc trong chăn nuôi gia trại, trang trại.

Trong lĩnh vực thủy sản đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá chình bằng lồng nhôm, cá trắm, cá leo trong khung sắt bọc lưới trên sông ở các xã Hải Phong Hải Chánh, Hải Sơn. Phát triển mạnh việc chuyển đổi đất hoang hóa, đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi cá tập trung như Hải Lâm, Hải Quy, Hải Phú…, phát tiển sản xuất cá giống tại các xã Hải Thượng và Hải Phú để chủ động cung cấp giống cho người dân trong và ngoài huyện. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm 2-3 giai đoạn được người dân đưa vào áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng tôm nuôi hằng năm đạt 1.700 tấn đến 2.300 tấn.

Xác định để xây dựng nông thôn mới thành công phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của Hải Lăng ngày càng thay đổi, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bình quân toàn huyện đạt trên 17 tiêu chí/xã; có 1 xã cơ bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%.

Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ tới, huyện Hải Lăng tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hữu cơ, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả việc tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, giao thông nội đồng, điện sản xuất, cơ sở phơi sấy, bảo quản, chế biến nông sản, lò giết mổ gia súc tập trung… nhằm đảm bảo phục vụ cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150888