Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí khủng

Saudi Aramco chi trả cổ tức khủng trong bối cảnh làm ăn thua lỗ; các phát hiện mỏ dầu khí lớn của Gazprom và Total; Engie từ bỏ hợp đồng 7 tỷ USD là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.

Transneft (Nga) trong tháng 11 tới có kế hoạch vận chuyển 19,2 triệu tấn dầu thô cho các nhà máy lọc dầu trong nước và 16 triệu tấn dầu thô xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống Druzhba khoảng 3,6 triệu tấn, sang Trung Quốc qua đường ống VSTO khoảng 3,37 triệu tấn, xuất khẩu bằng đường biển dự kiến ở mức 7,4 triệu tấn, bao gồm qua cảng Novorossiysk - 1,6 triệu tấn, Primorsk - 2,3 triệu tấn, Kozmino - 2,6 triệu tấn và Ust-Luga - 0,9 triệu tấn.

Số liệu vận chuyển dầu thô xuất khẩu qua hệ thống đường ống Transneft trong tháng 10 đạt tổng cộng 17,43 triệu tấn (-20% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm 8,32 triệu tấn qua các cảng biển (-35%), 3,94 triệu tấn qua đường ống Druzhba (-6%), 3,5 triệu tấn sang Trung Quốc (-1%) và 1,6 triệu tấn sang Belarus (+28,5%). Vận chuyển cho các nhà máy lọc dầu nội địa đạt 21,71 triệu tấn (-10,5%).

Gazprom đã khởi công xây dựng giai đoạn 2 đường ống xuất khẩu khí đốt Sila Siberia, kết nối 2 cơ sở tài nguyên - mỏ Kovykta với mỏ Chayanda với chi phí dự toán 280 tỷ rúp (3,5 tỷ USD), thời gian hoàn thành dự kiến cuối năm 2022. Khi đó, theo kế hoạch, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng lên 15 tỷ m3/năm từ mức 5 tỷ m3 năm 2020. Công suất thiết kế ban đầu của Sila Siberia 38 tỷ m3/năm dự kiến đạt vào năm 2025, ngoài ra, Gazprom và CNPC đang thảo luận về việc tăng công suất đường ống lên 44 tỷ m3/năm.

Gazprom đã phát hiện ra tầng trên của vỉa khí với tổng debit lên tới 1 triệu m3/ngày, trước đó đã cho dòng khí debit đến 600.000 m3/ngày sau khi thử nghiệm giếng thăm dò tại mỏ Leningradskoje - Biển Kara, ngoài khơi bán đảo Yamal. Đây là con số kỷ lục đối với mỏ khí đốt trên thềm lục địa Bắc Cực của Nga và cho thấy mỏ Leningradskoje có năng suất cao hơn nhiều so với dự kiến. Đến thời điểm này, trữ lượng có thể thu hồi của mỏ khí ngưng tụ Leningradskoje ước tính khoảng 1,9 nghìn tỷ m3.

Saudi Aramco công bố kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận lợi nhuận ròng 11,8 tỷ USD, tăng gần 1,8 lần so với quý 2 nhưng cũng giảm tương tự so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 35,015 tỷ USD, doanh thu giảm 33,1% xuống còn 164,9 tỷ USD, sản lượng khai thác dầu khí bình quân đạt 12,4 triệu boe/d, trong đó dầu thô 9,2 triệu bpd. Mặc dù vậy, công ty vẫn thực hiện đầy đủ cam kết chi trả 18,75 tỷ USD cổ tức trong quý 3.

NOC (Libya) cho biết đã đạt sản lượng khai thác 800.000 bpd dầu thô và có kế hoạch tăng lên 1,3 triệu bpd vào đầu năm 2021, thậm chí lên bằng mức 2011 -1,6 triệu bpd đến cuối năm 2021.

Tập đoàn Engie của Pháp ngày 3/11 đã từ bỏ một hợp đồng khổng lồ về nhập khẩu khí đốt với tập đoàn NextDecade của Mỹ ước tính trị giá gần 7 tỷ USD, vốn bị các nhà môi trường và cổ đông nhà nước phản đối. Hợp đồng đang được thảo luận và liên quan đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ đi qua Terminal LNG trong dự án Rio Grande LNG ở Texas.

Total và Qatar Petroleum, CNR International và Main Street cho biết đã phát hiện ra mỏ condensate thứ hai ngoài khơi Nam Phi có triển vọng về trữ lượng tầm cỡ thế giới. Total sở hữu 45%, QP 25%, CNR 20% và Main Street 10% đã thực hiện đánh giá phát hiện khoảng 1 tỷ thùng tại Lô 11B/12B.

Tập đoàn dầu khí Total của Pháp đã gia hạn thêm 20 năm hợp đồng quản lý đối với cảng dầu ngoài khơi Pointe-Noire, nơi tập trung toàn bộ sản lượng dầu của Cộng hòa Congo trước khi xuất khẩu. Total nắm giữ 63% cổ phần trong việc quản lý cảng Djeno, 37% còn lại do tập đoàn Eni của Ý nắm giữ. Hợp đồng này được ký kết trong bối cảnh nhà nước Congo đang tìm kiếm nguồn thu nhập mới sau khi nguồn thu ngân sách giảm 50% và đang phải chờ đợi tài trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Cảng Djeno tập trung tất cả hàng hóa đến từ các mỏ dầu khác nhau của Congo trước khi xuất khẩu. Hoạt động từ năm 1972, Djeno chính thức xử lý khoảng 220.000 thùng mỗi ngày.

Ngọc Linh

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dau-an-tuan-qua-cua-cac-tap-doan-dau-khi-khung-583675.html