Dấu ấn văn hóa từ những sản phẩm lưu niệm
Hà Nội có nhiều làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ làm sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, những làng nghề, cơ sở này thường sản xuất theo lối mòn. Thời gian gần đây, một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội đã phối hợp các làng nghề, cơ sở sản xuất cho ra đời những dòng sản phẩm lưu niệm mới, mang đặc trưng văn hóa Thủ đô. Cách làm này mở ra hướng đi mới có tính bền vững hơn cho sản phẩm lưu niệm trên địa bàn.
Cùng với việc mở cửa trở lại sau một thời gian tạm dừng đón khách, di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra mắt một “bộ sưu tập” quà lưu niệm hết sức đặc biệt. Các món quà đều mang những dấu ấn, những câu chuyện lịch sử ở di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong khuôn viên di tích, có một cây bàng được gọi là cây bàng “tình nghĩa”. Khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ yêu nước ngày ngày phải chịu những trận đòn tra tấn dã man cùng những cơn đói triền miên. Hầu hết các tù chính trị đều ốm đau, mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Không có thuốc, họ tận dụng búp bàng non ăn sống để chữa bệnh. Cành bàng dùng làm bút viết, đũa ăn cơm, lá bàng dùng làm quạt. Thậm chí, có đồng chí ốm nặng, anh em mỗi ngày dành cho đồng chí vài quả bàng chín để “bồi dưỡng”. Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có sáng kiến làm các món quà lưu niệm từ chính cây bàng này. Lá bàng được ghép thành tranh, hoặc khắc la-de lên đó những bài thơ, những câu nói bất hủ của các chiến sĩ Cách mạng; quả bàng cũng được bảo quản, khắc lô-gô Nhà tù Hỏa Lò... Ngoài những mẫu kể trên, còn có hộp bút, cốc nước, túi vải... đều mang dấu ấn của di tích Nhà tù Hỏa Lò, dấu ấn văn hóa Việt. Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tặng những món quà này cho 500 vị khách đầu tiên đến Hỏa Lò. Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Bích Thủy cho biết: “Tạo ra những sản phẩm đặc trưng của di tích là điều chúng tôi ấp ủ từ lâu. Nhưng gần đây mới có điều kiện thực hiện. Chúng tôi đã phối hợp nghệ nhân hoa khô Nguyễn Bá Mưu để áp dụng các biện pháp bảo quản lá bàng, quả bàng, ghép tranh lá bàng từ cây bàng “tình nghĩa”. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp các cơ sở sản xuất, làng nghề để cho ra đời các sản phẩm lưu niệm. Phản hồi ban đầu của khách hàng là rất tích cực”.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm lưu niệm đặc thù của mình khi mở cửa trở lại. Các sản phẩm lưu niệm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thiết kế khá phong phú. Đó là các món đồ trang trí, như hình ảnh Khuê Văn Các thu nhỏ, hoặc tranh Khuê Văn Các trên các chất liệu khác nhau... Nhưng độc đáo hơn cả là các sản phẩm dùng hằng ngày như: Bình đựng nước, giá để điện thoại, hộp bút, bút, móc chìa khóa... nhưng được trang trí công phu. “Chất” văn hóa thể hiện ở chỗ chiếc bình đựng nước mang dáng dấp ống quyển của học trò thời phong kiến, chiếc giá để điện thoại bằng tre ghép có khắc hình sĩ tử thời xưa... các vật dụng khác đều gắn với hình ảnh, trang trí của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và được làm bằng chất liệu tre, gỗ, rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây không chỉ là những sản phẩm lưu niệm đơn thuần, mà còn góp phần quảng bá di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, văn hóa Việt Nam.
HÀ NỘI là mảnh đất có bề dày văn hóa, đồng thời, có hệ thống làng nghề phong phú. Tuy nhiên, việc tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, văn hóa Thủ đô lâu nay còn gặp khó khăn. Các làng nghề thường có xu hướng làm theo lối mòn cho nên tay nghề tuy cao, nhưng nhiều sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch. Sự kết hợp giữa các địa điểm du lịch với các làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ để tạo ra các sản phẩm phù hợp như Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám gợi mở một hướng đi có tính bền vững cho các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Bởi lẽ, Ban quản lý các địa điểm du lịch này là những người am hiểu nhu cầu của khách, có thể đưa ra những ý tưởng khắc phục hạn chế của sản phẩm lưu niệm hiện tại. Hiện tại, một số di tích lớn, thu hút nhiều khách du lịch trên địa bàn cũng đang nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa. Chẳng hạn Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội (đơn vị quản lý khu di sản Hoàng thành Thăng Long) đang xây dựng mẫu sản phẩm lưu niệm mô phỏng hình dáng các di vật gắn liền với di sản, như: Đầu rồng, đầu phượng, chim uyên ương... Bảo tàng Hà Nội triển khai thiết kế sản phẩm là mô hình thu nhỏ của các bảo vật quốc gia... Làng cổ Đường Lâm, với đặc trưng là nét đẹp vùng quê cũng đang chuẩn bị cho ra đời những sản phẩm dân dã từ nguyên liệu mây, song như giỏ, túi xách, con giống... vừa có tính ứng dụng cao, vừa thân thiện với môi trường.