Dấu ấn Văn hóa Việt nơi địa đầu Tổ quốc
Anh dẫn em vào thăm đình Trà Cổ dấu xưa nơi xứng mãi với lưu danh 'Mốc chủ quyền dựng bằng nền văn hóa' ông bà ta xưa thật nhiều ý nhị nơi địa đầu khắc hai chữ - Việt Nam
Tôi bật lên câu thơ ấy trong một buổi sáng cuối đông, bữa ấy ấm lên bất chợt khiến trong lòng thấy nao nao. Ngồi bên chiếc ghế được kê dưới gốc cây xoài cổ thụ nghe rì rào tiếng lá như giục gọi. Hình như từ rất xa, rất xa đang hiện về những trang ký ức.
Chuyện kể rằng vào khoảng năm 1461, dưới thời Hậu Lê, có mười hai chàng ngư phủ quê miền biển Đồ Sơn (Hải Phòng) một sớm tốt ngày đã đưa vợ con dong thuyền bám theo ven biển mà ngược lên phía bắc tìm nơi đất sống. Thuyền cứ đi cứ đi và đến một hôm đoàn thuyền cập vào một bãi biển vắng dấu chân người, đó là bãi biển Trà Cổ ngày nay. Thuở xa xưa của sáu trăm năm trước ấy nơi này cỏ cây um tùm, thú hoang gầm rú, bãi biển đã hoang vu lại thêm phần hoang vắng. Mười hai chàng ngư phủ đã quyết định dừng lại nơi này để dựng lều trú ngụ. Họ chưa hề biết và không thể biết được tương lai nào đang chờ đón họ nhưng khát khao về cuộc sống mới đã giúp họ được an ủi phần nào.
Ngày tháng trôi qua, cuộc mưu sinh nơi đất mới thực sự là một thử thách ghê gớm. Đã có sáu chàng ngư phủ không chịu được khó khăn mà xuống thuyền trở lại quê nhà. Sáu chàng ngư phủ cùng gia đình quyết ở lại bởi họ hiểu rằng: Sẽ chẳng có gì hứa hẹn mà chỉ có sức người cùng với ý chí mà thôi. Và sáu chàng ngư phủ ấy đã trở thành những người lập nên làng chài Trà Cổ, một ngôi làng giữa ba bề bốn bên là rừng là biển, giữa vùng đất biên ải. Ngôi làng mang tên Trà Cổ được lấy từ hai chữ đầu của làng Trà Phương và làng Cổ Trai nơi quê xưa đất cũ Nghi Dương (Đồ Sơn và Kiến Thụy thuộc Hải Phòng hiện nay) thế mới có câu “Trà Cổ tổ Đồ Sơn” truyền đời con cháu.
Ông Đoàn Văn Vĩnh, một người dân Trà Cổ gốc và được coi là “nhà Trà Cổ học”, đã kể với chúng tôi câu chuyện thấm đẫm huyền sử này. Theo ông Vĩnh thì cả sáu chàng ngư phủ thuở khai thiên lập địa đều được người dân tôn vinh là Thành hoàng làng và được dân làng rước vào thờ cúng trong đình Trà Cổ. Nói rồi ông Vĩnh mời chúng tôi vào thăm đình.
Đó là một ngôi đình thuần Việt dù trải qua nhiều cơn binh lửa nhưng vẫn tồn tại suốt sáu trăm năm qua ở nơi biên ải. Một ngôi đình được xây dựng theo kiểu chữ “Công” truyền thống, bao gồm một tiền đường có 5 gian, 2 chái và hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên điều mà tôi thắc mắc là tại sao đình Trà Cổ được dựng hoàn toàn bằng gỗ với thiết kế từa tựa như kiểu nhà sàn cho cao thoáng lên chứ không xây dựng bằng gạch và đặt trên nền đắp cao? Ông Vĩnh cười giải thích: “Ngày xưa nơi này là vùng bãi bồi nên nền đất không ổn định, nước biển thường xuyên xâm nhập vào nên việc xây đắp nền khó thực hiện và cũng bởi thời đó việc lấy đất nung gạch ở đây chưa hình thành nên chẳng kiếm đâu ra gạch để xây, trong khi đó thì rừng cây rậm rạp, gỗ rừng nhiều vô kể, đặc biệt là có nhiều cây gỗ lim to cao”. Nói rồi ông Vĩnh chỉ tay vào những hàng cột trong đình để chứng minh điều mình vừa giải thích. Ông cho biết: “Bên trong đình có 48 cột lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Cột cái cao 4,65 m, chu vi cột 1,63 m. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Ngoài ra, đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 m.
…Xây dựng từ sáu trăm năm trước nhưng những người dân Trà Cổ xưa đã ý thức về việc xác lập chủ quyền của người Việt ở nơi xa xôi, ở nơi đầu sóng ngọn gió đúng với cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có thể nói rằng: Họ không chỉ là người đi khai phá hòng tính cuộc mưu sinh mà thực sự là những người đi khai mở đất đai. Việc ở nơi biên ải không chỉ có người Việt đến sinh sống mà sự tồn tại ngôi làng Việt và sau này là nhiều ngôi làng Việt cũng cho thấy cuộc dong thuyền ngược biển khi xưa vô cùng có ý nghĩa.
Bãi biển Trà Cổ hoang vu khi xưa giờ đã thành một địa chỉ văn hóa, du lịch và kinh tế biển. Những ngày hè nóng bức, chân trần dạo bước trên bãi cát dài cả chục cây số đem lại cho lòng nhiều thư thái. Bãi biển Trà Cổ là một bãi biển đẹp, cát mịn và bằng phẳng rất hấp dẫn du khách. Buổi sáng tinh mơ, sương đêm còn chưa tan hẳn đã thấp thoáng từng đoàn thuyền trở về sau chuyến ra khơi. Cá, tôm, ghẹ, ngao, cua… là những đặc sản mà thực khách đã một lần ăn rồi không sao quên được.
Nét riêng và dường như cũng rất Việt là những chiếc thuyền đánh bắt cá của người dân nơi đây. Thuyền cá Trà Cổ ghép sàn bằng gỗ, hai bên mạn thuyền lại ghép bằng những ống tre. Theo giải thích thì đó là những vật liệu dễ kiếm tìm ở đây và những ống tre hai bên mạn thuyền đó giúp thuyền đỡ chòng chành khi buông chèo thả câu ngoài biển sóng và rất tiện cho việc đưa thuyền vào bờ, bởi bãi cát ở đây ăn xa hút ra ngoài biển những ống tre như những ống trượt đã giúp bà con đẩy thuyền được nhẹ nhàng, được nhanh hơn và cũng bảo vệ được đáy thuyền khỏi bị bào mòn. Những chiếc thuyền rất Việt ấy ngày ngày đêm đêm ra biển cũng tự thân mà khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Chuyện làm ăn ngoài biển loanh quanh một hồi chúng tôi lại trở về với đình Trà Cổ. Một ngôi đình làng như hàng ngàn hàng vạn ngôi đình làng khác nhưng có gì khiến chúng tôi cứ dâng dâng cảm xúc. Ông Đoàn Văn Vĩnh mời chúng tôi lên uống nước. Nghe đến “lên uống nước” tôi hơi là lạ, hóa ra ngoài việc dành chính giữa tiền đường là tới hậu cung nơi thờ cúng được bầy biện linh thiêng thì những gian bên trái bên phải của tiền đường lại được bố trí làm nơi hội họp hay ngồi trò chuyện. Những gian này thiết kế cao hơn gian chính nhờ mặt sàn bằng gỗ. Mọi người sẽ bỏ giầy dép để lên sàn ngồi khoanh bằng chân. Cũng là một kiểu thuần Việt chỉ có ở đình Trà Cổ.
Sau khi chủ khách đã yên vị mà tọa bằng tròn nhân nha chén nước chè ngọt giọng thì ông Đoàn Văn Vĩnh mới chỉ tay lên hai bức hoành phi được treo trang nghiêm hai bên đầu hồi trong nội đình. Hai bức hoành phi này treo đối diện nhau tựa như hai vế đối được viết bằng chữ Hán. Thấy chúng tôi cứ nghiêng đầu dướn mắt để cố luận về nghĩa ông Vĩnh cười vui rồi cất giọng trầm ngâm đọc “Nam sơn tịnh thọ. Địa cửu thiên trường”. Lời đọc nghe ngân nga, hào sảng nhất là lại được vang lên trong đình cứ như đang nghe một lời hịch. Ông Vĩnh lại chiêu ngụm trà, khà một tiếng dường như để cho thêm ngọt giọng mới thong thả giải thích “Nam sơn tịnh thọ có nghĩa là Nước Nam bền vững. Còn Địa cửu thiên trường có nghĩa là Đất vững trời dài”. Tuyệt. Tôi hứng lên vỗ đùi khoái chí kiểu như vừa được thấy sấm bên tai vọng lên câu thơ Nam quốc sơn hà vậy. Ông Vĩnh vỗ vỗ vào vai vẻ tán đồng “Các cụ xưa sâu sắc và cũng nhắn nhủ lắm”.
Đúng là sâu sắc, đúng là nhắn nhủ. Không chỉ là nét văn hóa Việt mà cao hơn đó là ý chí, là tâm hồn, là cốt cách Việt. Trải bao khói lửa. Trải qua tháng năm lời ghi ấy cứ ngân dài dũng khí. Tôi chợt nhớ đến trong một lần trò chuyện cùng các bạn chiến đấu cũ cùng Trung đoàn 43 (Trung đoàn đứng chân ở Móng Cái từ hồi đầu những năm 70 và trực tiếp chiến đấu ngăn quân xâm lược hồi tháng 2 năm 1979), những người cựu chiến binh ấy có nói: “Lịch sử cho thấy giặc phương Bắc từng nhiều lần đưa quân xâm chiếm nước ta nhưng với hướng đông bắc này (chí hướng biên giới Quảng Ninh) chúng đều bị chặn đứng từ ngay biên giới”.
Và trong tôi vẳng lên câu hát. Câu hát hát rằng:
Ở đâu cũng vóc dáng thân quen
cũng gần lại những gì xa cách
cũng ấm êm như chính quê nhà
cũng hiền hòa như bóng mát bờ tre
cũng dào dạt lời ru ngân lên từ biển
tiếng trẻ thơ i a hát trên đồng
sông đổ về Đông
người hướng lòng về cõi