Dấu ấn về nửa nhiệm kỳ vững vàng vượt khó đi lên
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chúng ta vẫn vững vàng vượt khó đi lên. Đó là bản lĩnh của Đảng ta, cũng là truyền thống của dân tộc ta.
PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh với VietNamNet về những dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ qua.
Ông Thông cho biết, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vào tháng 5/2023 đóng vai trò rất quan trọng, đánh giá lại toàn bộ những khó khăn, thách thức cũng như kết quả đạt được của thời gian qua và bàn bạc đưa ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Điểm sáng tăng trưởng kinh tế
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, cái khó của nửa nhiệm kỳ qua là chúng ta vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.
Mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Đảng ta, đất nước ta vẫn vượt qua mọi thách thức, vững vàng vượt khó đi lên.
“Đây là bản lĩnh của Đảng ta, cũng là truyền thống của dân tộc ta, bất cứ hoàn cảnh nào cũng vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng”, ông Thông nhấn mạnh.
Đầu tiên, về kinh tế, trong hơn 2,5 năm qua chúng ta đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, trong đó đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế”.
Trong bối cảnh cả thế giới ảm đạm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Cụ thể, năm 2021, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,56%.
“Con số này tuy so với trước đây là thấp nhưng so với thế giới nhiều nước tăng trưởng âm mà mình vẫn tăng trưởng dương, đó là điểm sáng được thế giới ca ngợi”, ông Thông phân tích.
Sang 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vực dậy lên 8,02%, một con số rất cao. Và 6 tháng năm nay, tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức 3,72%; theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 - 6,5%.
Một dấu ấn nữa theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông là trong nửa nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã tập trung vào thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông.
Nếu như đầu nhiệm kỳ, cả nước có hơn 1.100km đường cao tốc thì đến nay đã đưa vào sử dụng hơn 1.700km và đang tiến hành xây dựng nhiều km đường cao tốc khác. Dự kiến đến đến 2025, chúng ta đưa vào sử dụng hơn 3.000km đường cao tốc, đến 2030 là 5.000km. Ông Thông nhận định, điều đó hoàn toàn khả thi.
Ngoài ra, TP.HCM đang xây dựng đường Vành đai 3, Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên xây dựng đường Vành đai 4. Nhiều cây cầu mới được hình thành như vừa khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 cũng là những điểm sáng đáng chú ý.
Hạ tầng hàng không cũng có nhiều điểm nhấn, trong đó điển hình là cách đây vài ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu tại sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, trị giá hơn 53.000 tỷ đồng.
Ngoài hạ tầng giao thông, chúng ta còn đầu tư hạ tầng số như việc bỏ sổ hộ khẩu giấy chuyển sang căn cước công dân gắn chíp tích hợp nhiều thông tin để bớt gánh nặng thủ tục cho người dân…
“Trong bối cảnh rất khó khăn như vậy, chúng ta vẫn đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng mừng”, ông Thông nhấn mạnh.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được coi trọng
Dấu ấn khác phải kể đến là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, dấu ấn đầu tiên là Bộ Chính trị đã bổ sung 2 chữ “tiêu cực” vào tên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc này khiến nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo được mở rộng hơn.
Tại hội nghị Trung ương 5, Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sau 1 năm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động, kết quả bước đầu đã khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản hơn, hiệu quả hơn, xử lý nghiêm minh hơn.
PGS.TS. Nguyễn Viết Thông dẫn chứng, nếu toàn khóa XII, các cơ quan đã xử lý 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gấp khoảng 10 lần khóa XI thì trong nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã xử lý 94 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ông Thông đánh giá, việc xử lý nghiêm, xử lý nhiều không có nghĩa là số cán bộ của chúng ta tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều mà điều đó càng khẳng định quan điểm xử lý tham nhũng nghiêm minh, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, cả cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.
“Phải nói rằng, chưa có nhiệm kỳ nào, chúng ta coi trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng như nhiệm kỳ này. Kết quả đã được cán bộ Đảng viên thừa nhận”, ông Thông khẳng định.
Trong lĩnh vực đối ngoại cũng đạt được nhiều dấu ấn đáng nhớ. Nổi bật là hoạt động của các đoàn lãnh đạo cấp cao đi thăm và làm việc với nhiều nước. Điển hình nhất là chuyến thăm Trung Quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, giải quyết được nhiều vấn đề và hai bên đã ký kết 13 văn kiện.
Nguyên thủ nhiều nước cũng đến thăm Việt Nam như mới đây là chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã cam kết tiếp tục đầu tư tại Việt Nam và khẳng định mối quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt như hiện nay. Tới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo nhiều quốc gia khác sẽ đến Việt Nam...
Bằng mọi cách phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Trong đó phải kể đến cơ chế chính sách chưa thật đổi mới mạnh mẽ, vẫn còn những quy định “trói buộc” như Luật Đấu thầu chưa thật cụ thể nên “trói tay, trói chân” khiến nhiều người không dám nhập vật tư, thiết bị y tế để phục vụ chữa bệnh cho nhân dân.
Hay như tình trạng giải ngân vốn tư công còn chậm, kể cả vốn ngân sách, vốn ODA. Đáng chú ý là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm như có vị đại biểu Quốc hội nói “cán bộ bảo nhau thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa”.
Vì vậy theo ông Thông, trong nửa nhiệm kỳ còn lại để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân cả nhiệm kỳ 6,5% là nhiệm vụ cực khó. Muốn đạt được thì tốc độ tăng trưởng trong hơn 2 năm còn lại phải đạt 7,3%.
Theo ông Thông, để đạt được các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ đã nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, quan trọng nhất là bằng mọi cách phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp đầu tư phát triển.
“Một thực tế như các nhà khoa học nêu ra, mấy năm vừa rồi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất khó khăn trong ký đơn hàng với nước ngoài, trong khi đó Bangladesh lại thừa đơn hàng dệt may. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Tại vì thủ tục của chúng ta vẫn nhiêu khê làm nản lòng các nhà đầu tư”, ông Thông nhận định.
Ngoài ra, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần “4 hơn nữa” (tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa) và “3 không” (không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan).
Đặc biệt, ông Thông cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
Vừa qua, Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tới đây phải thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
“Làm sao phải lấy phiếu tín nhiệm thực chất, phải cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu, không để bất cứ ai tác động vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thực sự khách quan, là cơ sở, khoa học để đánh giá cán bộ”, ông Thông nhấn mạnh.
Ông cho biết, Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm nay, Trung ương sẽ thảo luận và thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, trong đó có tiểu ban văn kiện và tiểu ban nhân sự.
“Các mục tiêu Đại hội XIII đặt ra đến giờ vẫn đúng, chưa có gì phải điều chỉnh. Mặc dù hơn 2,5 năm qua đất nước rất khó khăn, nhưng chưa đặt vấn đề hạ chỉ tiêu, mà quyết tâm phấn đấu cao nhất để có thể đạt được”, ông Thông nói.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng với sự khởi sắc của kinh tế trong những tháng gần đây, đặc biệt là về du lịch. Cụ thể, đến nay đã có hơn 7,8 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, con số này gần như cán đích so với mục tiêu 8 triệu khách cho cả năm 2023.
“Tình hình đất nước đã tươi sáng hơn, chúng ta không vội vàng đặt vấn đề hạ chỉ tiêu và vẫn có cơ sở để kỳ vọng Việt Nam sẽ bứt phá trong thời gian tới”, ông Thông nhận định.