Dấu ấn về Quân tình nguyện Việt Nam trong mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào: Phần 1
Trong suốt chiều dài lịch sử giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, có một đặc trưng xuyên suốt, theo cách nói dân gian - như là một định mệnh: Lúc thái bình thì bang giao thân thiện, khi hữu sự thì cùng cố kết giúp đỡ lẫn nhau vượt qua cơn bĩ cực trước họa xâm lăng của ngoại bang.
Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh về mối quan hệ dân tộc và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thủy chung, đặc trưng đó đã thực sự trở thành một quy luật khách quan để hai nước cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi sự khốc liệt của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đi đến thắng lợi hoàn toàn, sát cánh cùng nhau đi trên con đường xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh theo con đường mà hai Đảng và nhân dân hai nước đã lựa chọn.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2019), TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: “Dấu ấn về Quân tình nguyện Việt Nam trong mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào trên chiến trường khu 4 - Tây Nguyên với Trung Hạ Lào” của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào.
Phần 1: Chiến trường khu 4 - Tây Nguyên với Trung Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp
Nhớ lại, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược ba nước Đông Dương, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân hai nước gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đã quyết cùng nhau đứng lên chống quân xâm lược. Trên chiến trường Khu 4 và Trung Lào, trước âm mưu của thực dân Pháp: nhanh chóng đánh vùng Trung Lào nhằm chiếm vùng căn cứ địa của bạn, khống chế toàn bộ nước Lào, đồng thời mở một mũi thọc sâu vào bên sườn của Khu 4, lực lượng vũ trang non trẻ của Quân khu đã nhanh chóng chủ động mở mặt trận phía Tây, phối hợp với các phân đội vũ trang của bạn đánh địch trên các trục đường số 7, Tây Nghệ An, Sầm Nưa, Tây Thanh Hóa, đường 8, Tây Hà Tĩnh, đường 12 - Banaphao, phía Tây Quảng Bình, đường 9 Sepon, Tây Quảng Trị, vừa giữ thế cho căn cứ địa của bạn, vừa bảo vệ cạnh sườn cho Quân khu, khởi đầu cho liên minh chiến đấu Việt - Lào. Liên minh đó ngày một phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với sự phối hợp chặt chẽ cả trên tầm chiến lược và chiến đấu, giành thắng lợi trên cả lĩnh vực quân sự và chính trị.
Ở vào thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Chiến trường Trung, Hạ Lào với lực lượng vũ trang hùng mạnh của Quân khu 4 và của các đơn vị vũ trang của bạn, là một trong bốn chiến trường vô cùng quan trọng để phối hợp với chiến trường chính: Mặt trận Điện Biên Phủ. Mặt trận Trung, Hạ Lào với nhiều trận đánh tiêu diệt lớn, đã buộc quân địch phải vội vã điều động nhiều binh đoàn Lê dương thiện chiến để đối phó với liên quân Việt - Lào, giữ vững hành lang Bắc - Nam của chúng. Lúc cao nhất, địch đã phải điều động lên đây 26 tiểu đoàn tinh nhuệ, trong đó có 4 tiểu đoàn pháo hạng nặng và tiểu đoàn thiết giáp. Nhưng cuối cùng, chúng đã phải thất bại nặng nề.
Ta và bạn đã diệt gọn 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nhiều tiểu đoàn khác, thu nhiều vũ khí trang bị, trong đó có cả pháo hạng nặng và xe thiết giáp, kịp thời đưa ra tăng cường cho chiến trường chính. Điều quan trọng hơn là ta và bạn đã mở được vùng giải phóng rộng lớn từ Trung Lào đến Hạ Lào, giải phóng thị xã Thakhek, tỉnh Khammuane, thị xã Attapeu, tỉnh Attapeu tại Hạ Lào, nhiều quận lỵ ở Trung, Hạ Lào, cắt đứt hành lang Bắc - Nam của địch, nối thông và mở rộng vùng giải phóng với hàng chục vạn dân suốt dọc trục Bắc - Nam, Trung và Hạ Lào, gắn với sườn phía tây Khu 4 - Khu 5.
Từ đây, bạn không chỉ được đất, mà quan trọng hơn là được dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng, tiến hành kháng chiến lâu dài. Thắng lợi của quân và dân Việt - Lào trên chiến trường Trung, Hạ Lào góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thu hút, giam chân một lực lượng lớn quân Âu Phi tinh nhuệ, giảm áp lực cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Geneva được ký kết, Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước sau nhiều năm cùng sát cánh chiến đấu bên nhau, được nhân dân cưu mang, che chở, với bao hình ảnh lưu luyến, nhớ thương trong nụ cười và nước mắt, hẹn có ngày gặp lại...
Tổng kết chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, đã đánh giá rất cao vai trò của Mặt trận Trung, Hạ Lào với một nhiệm vụ trên một chiến trường nhưng đạt được hai mục đích có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.
Và đúng như ta nhận định, Pháp thua phải rút về nước, đế quốc Mỹ nhanh chóng trở lại xâm lược ba nước Đông Dương. Sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc lại tiếp tục với một đối tượng hùng mạnh và tàn bạo gấp nhiều lần. Một lần nữa, hai dân tộc, hai quân đội lại sát cánh bên nhau. Bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” ra đời trong thời điểm mà cuộc kháng chiến của hai dân tộc nói chung và trên mảnh đất miền Trung của Đông và Tây Trường Sơn vô cùng khốc liệt, đã nói lên tất cả những hình ảnh đẹp đẽ nhất của mối tình chiến đấu, đoàn kết đặc biệt của những người con của hai dân tộc, đã tạo nên sức mạnh giành thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường, nhất là ở những thời điểm có ý nghĩa quyết định...