Dầu bạc hà và những tác dụng đối với sức khỏe đã được khoa học chứng minh
Bạc hà là loại cây thân thảo mọc quanh năm, thường được thêm vào làm gia vị đồ ăn, đồ uống, đặc biệt là trà. Dầu bạc hà từ lâu đã được đưa vào trong các biện pháp trị liệu, làm đẹp cũng như nhiều công dụng khác đối với sức khỏe.
Dầu bạc hà đã được khoa học chứng minh là đem lại một số công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên dùng dầu bạc hà không đúng cách có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Dưới đây là những thông tin về tác dụng của dầu bạc hà đối với sức khỏe dựa trên các nghiên cứu khoa học cũng như cách dùng dầu bạc hà và rủi ro tiềm ẩn có thể gặp phải.
1. Tác dụng của dầu bạc hà đối với sức khỏe
Mọi người có thể dùng dầu bạc hà theo nhiều cách khác như như bôi tại chỗ, khuếch tán với máy tinh dầu, nhỏ mũi... Nhưng lưu ý rằng bạn không được uống trực tiếp dầu hay tinh dầu bạc hà. Và luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng dầu bạc hà dù ở hình thức nào.
1.1. Hội chứng ruột kích thích
Một nghiên cứu năm 2019 bao gồm 12 thử nghiệm ngẫu nhiên với 835 bệnh nhân được đăng tải trên NCBI về kiểm tra hiệu quả của viên nang dầu bạc hà trong điều trị hội chứng ruột kích thích và so sánh với nhóm dùng giả dược. Kết quả nghiên cứu cho thấy dầu bạc hà giúp cải thiện cơn đau bụng và các triệu chứng toàn thân khác của hội chứng ruột kích thích bằng cách:
+ Giúp các cơ trơn của đường tiêu hóa được thư giãn, từ đó giảm cảm giác đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy
+ Tác dụng chống viêm
+ Thúc đẩy hoạt động của hệ vi sinh vật tại đường tiêu hóa.
1.2. Giảm đau đầu
Theo Prevention, dầu bạc hà khi được dùng ở dạng khuếch tán có thể giúp dịu cơn đau đầu nhờ khả năng tăng lưu lượng máu và thư giãn các cơ ở trán. Thêm vào đó, với nồng độ 44% menthol (một hợp chất hữu cơ được điều chế từ tinh dầu tự nhiên của cây bạc hà) đã được chứng minh giúp giảm cường độ đau của chứng đau nửa đầu cấp tính.
Nghiên cứu năm 2015 trên NCBI cũng cho thấy gel bôi ngoài da có chứa 6% menthol có thể hỗ trợ giảm cơn đau đầu sau hai giờ. Điều này cũng đúng với những cơn đau đầu do căng thẳng.
1.3. Phục hồi cơ bắp
Dầu bạc hà cũng là một lựa chọn trong ứng dụng xoa bóp nhằm hỗ trợ phục hồi cơ bắp sau khi tập thể dục vất vả cùng khả năng giảm đau khớp. Tác dụng giảm đau của bạc hà có thể là do các hợp chất chính của nó như carvone, limonene và menthol cũng như chống viêm hiệu quả.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 cho thấy dầu bạc hà cũng có tác động tích cực tới hiệu suất tập thể dục thông qua việc thư giãn các cơ ở đường thở, giúp tăng cường quá trình hô hấp từ đó năng thông khí và nồng độ oxy trong não và giảm nồng độ lactate trong máu (một sản phẩm của quá trình chuyển hóa tế bào khi cơ thể ở trong điều kiện yếm khí).
1.4. Cải thiện sự tập trung
Dầu bạc hà thường được dùng để khuếch tán với mục đích thư giãn tâm trí. Nhưng bên cạnh đó, đã có một số nghiên cứu cho thấy dầu bạc hà giúp tăng cường trí nhớ và tăng sự tỉnh táo nên được xem là có lợi cho việc tập trung, cải thiện khả năng thực hiện các quyết định liên quan tới nhận thức và giảm mệt mỏi về tinh thần.
1.5. Tăng cường sức khỏe răng miệng
Không khó để thấy bạc hà xuất hiện trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng, xịt khử mùi hôi miệng với thành phần là menthol có tác dụng chống lại các mầm bệnh gây hại cho răng miệng, tiêu diệt vi khuẩn kị khí (chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh nha chu).
1.6. Giảm căng thẳng và lo lắng
Theo Prevention, hít dầu bạc hà có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng và được ứng dụng như một liệu pháp hương thơm trong giảm nhẹ cơn đau và lo lắng ở các nghiên cứu trên bệnh nhân đặt ống thông IV hay bệnh nhân bị đau tim.
Nếu bạn muốn giảm căng thẳng, khi tắm hãy nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà và hoa oải hương để thư giãn tối đa. Bạn cũng có thể nhỏ 5 giọt dầu bạc hà vào máy khuếch tán hoặc bôi 2 - 3 giọt dầu lên thái dương, ngực và sau gáy để giúp giảm căng thẳng.
1.7. Giảm buồn nôn
Nhờ khả năng thư giãn các cơ dạ dày, giữ cho các cơ này không co bóp quá mức cũng như làm dịu thần kinh mà dầu bạc hà cũng có tác dụng giúp giảm buồn nôn và giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của cơn buồn nôn hiệu quả. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của dầu bạc hà với các dạng buồn nôn (nguyên nhân) khác nhau.
Nhưng nhìn chung nếu bạn bị buồn nôn do say xe hoặc sau khi ăn hay buồn nôn do tác dụng phụ của hóa trị ung thư, hãy thử hít một chút dầu bạc hà, ăn kẹo bạc hà hoặc sử dụng với máy khuếch tán tinh dầu để cảm thấy dễ chịu hơn.
1.8. Dầu bạc hà cho tóc và da
Mặc dù có rất ít nghiên cứu về lợi ích của dầu bạc hà bôi lên da hoặc tóc, nhưng một nghiên cứu năm 2016 trên NCBI cho thấy, sử dụng sản phẩm chứa menthol, thành phần hoạt chất trong dầu bạc hà, có thể giúp làm tăng lưu lượng máu đến da.
Điều này cũng có thể giúp mọc tóc vì lưu lượng máu tăng lên có thể giúp kích thích da đầu. Tuy nhiên tính đến hiện tại mới chỉ có các nghiên cứu trên chuột cho thấy dùng dầu bạc hà 3% giúp tăng phát triển lông và độ dài ở chuột sau 4 tuần. Chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về khả năng kích thích mọc tóc của dầu bạc hà ở người.
Đối với làn da, dầu bạc hà có thể là một biện pháp tại chỗ khi bị ngứa da mãn tính bằng cách dùng sản phẩm chứa 1% menthol có thể cải thiện thời gian và mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngứa da. Tinh dầu bạc hà cũng có thể có lợi cho làn da dễ bị mụn trứng cá nhờ đặc tính kháng khuẩn của nó. Tuy nhiên bạn cần dùng theo chỉ định của bác sĩ nếu không muốn bị bỏng tinh dầu.
1.9. Chống lại vi khuẩn và nấm men
Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2019 trên NCBI nhấn mạnh tới khả năng kháng khuẩn của dầu bạc hà trên các chủng vi khuẩn khác nhau bao gồm:
- Staphylococcus aureus (là tác nhân gây bệnh nhiều nhất; nó thường gây ra nhiễm trùng da và đôi khi viêm phổi, viêm nội tâm mạc, và viêm tủy xương. Nó thường dẫn đến hình thành áp xe. Một số chủng gây nên các độc tố phức tạp gây viêm dạ dày ruột, hội chứng bong vảy da và hội chứng sốc nhiễm độc).
- Escherichia coli (gây nhiễm trùng đường tiểu, thường biểu hiện nhiễm trùng tăng dần (tức là từ đáy chậu qua niệu đạo). E. coli cũng có thể gây viêm tuyến tiền liệt và bệnh viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease - PID).
- Klebsiella pneumoniae (thường có liên quan đến rất nhiều bệnh lý khác nhau như viêm phổi, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu hay thậm chí là viêm màng não. Thông thường, người có thể trạng khỏe mạnh sẽ có ít khả năng nhiễm phải loại khuẩn này).
- Proteus mirabilis (gây ra hầu hết các nhiễm trùng ở người, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu).
- Pseudomonas aeruginosa (gây nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa,... Trong đó có nhiễm trùng máu, là loại nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong rất cao).
- Acinetobacter baumannii (có thể gây ra viêm phế quản và viêm phổi cộng đồng ở trẻ em khỏe mạnh và viêm phế quản ở những người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch).
Nghiên cứu này đã cho thầy tiềm năng của dầu bạc hà trong điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu thêm.
2. Tác dụng phụ tiềm ẩn của dầu bạc hà
Nhìn chung thì dầu bạc hà được xem là an toàn khi sử dụng và dường như có rất ít tác dụng phụ được báo cáo. Tuy nhiên nếu bạn muốn dùng dầu bạc hà ở đường uống, hãy cẩn thận bởi bạn có thể gặp các tác dụng phụ như ợ nóng, buồn nôn hoặc đau bụng- ngay cả khi bạn chỉ dùng một lượng rất nhỏ.
Ngoài việc bị khó chịu ở dạ dày thì một số người có thể bị giảm cảm giác thèm ăn khi dùng dầu bạc hà.
Dầu bạc hà có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc kháng axit chẳng hạn như thuốc trị loét dạ dày, thuốc chẹn canxi, thuốc hạ huyết áp, thuốc ức chế bơm proton (như omeprazole). Nói chuyện với bác sĩ để nhận được tư vấn thay thế thuốc hoặc lời khuyên phù hợp nếu bạn đang điều trị bệnh và muốn dùng dầu bạc hà.
3. Ai không nên dùng dầu bạc hà?
Mặc dù dầu bạc hà có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng có một số trường hợp không nên sử dụng dầu bạc hà.
Vậy ai không nên dùng dầu bạc hà? Nếu bạn bị ợ nóng, trào ngược axit dạ dày - thực quản thì bạn nên tránh dùng dầu bạc hà kể cả dạng chất bổ sung hay trà bạc hà. Bởi khả năng giúp thư giãn cơ vòng giữa dạ dày và thực quản có thể thúc đẩy dòng chảy ngược của axit từ dạ dày lên thực quản và khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn, bao gồm cả chứng ợ nóng và khó tiêu.
Ngoài ra, có rất ít nghiên cứu về dầu bạc hà trên phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Dầu bạc hà cũng không được khuyến khích sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Người bị thiếu hụt enzyme glucose-6-phosphate Dehydrogenase (G6PD) cũng không nên dùng dầu bạc hà dạng chiết xuất hay liệu pháp mùi hương.
4. Cách sử dụng dầu bạc hà an toàn
Bạn không nên uống tinh dầu bạc hà, đặc biệt tinh dầu nguyên chất ở nồng độ cao có thể gây ngộ độc. Nếu muốn dùng tinh dầu bạc hà để giảm đau, giảm nhức đầu hoặc ngứa, bạn nên pha loãng dầu bạc hà với một loại dầu nền khác chẳng hạn như dầu jojoba hoặc dầu dừa để phòng ngừa tình trạng kích ứng da.
Nếu muốn hít dầu bạc hà, bạn chỉ nên thêm một vài giọt dầu bạc hà hoặc pha loãng với dầu nên trước khi thêm vào bồn tắm hay máy khuếch tán tinh dầu.
Do dầu bạc hà có thể gây kích ứng da, các triệu chứng tiêu hóa hoặc phản ứng dị ứng nên nếu một người xuất hiện các triệu chứng bất thường như khó thở, phát ban, phù nề, đau bụng buồn nôn, nôn mửa,... hãy dừng việc sử dụng và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được thăm khám sớm.
Trên đây là những thông tin về tác dụng của dầu bạc hà đối với sức khỏe, dầu bạc hà có uống được không cũng như những rủi ro có thể gặp khi sử dụng dầu bạc hà mà bạn cần biết. Với người đang có các tình trạng sức khỏe sẵn có cũng cần nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng dầu bạc hà ở bất cứ hình thức nào.