Đau bụng dai dẳng khi hành kinh có thể là dấu hiệu của bệnh Lạc nội mạc tử cung

Đau bụng kéo dài khi hành kinh, đau kèm xuất hiện máu giữa chu kỳ, đau vùng chậu không theo chu kỳ, đau khi giao hợp, khó tiểu, táo bón, mệt mỏi… có thể là triệu chứng của căn bệnh lạc nội mạc tử cung (LNMTC).

Trong đó, nổi bật chính là đau bụng dưới và đau khi hành kinh, làm người bệnh dễ hiểu nhầm là các cơn đau bụng kinh thông thường và có tâm lý chịu đựng, không đi khám. Do đó, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn trễ hoặc mất một thời gian dài mới có chẩn đoán xác định.

Đó là những thông tin đáng chú ý mà BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Tâm Anh đã chia sẻ trong Hội thảo khoa học với chủ đề "Thực tiễn lâm sàng trong việc sử dụng profestin điều trị cường kinh, lạc nội mạc tử cung" tổ chức kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Bệnh viện (BV) Phụ sản TP. Cần Thơ.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Tâm Anh phát biểu tại Hội thảo khoa học "Thực tiễn lâm sàng trong việc sử dụng profestin điều trị cường kinh, lạc nội mạc tử cung".

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Tâm Anh phát biểu tại Hội thảo khoa học "Thực tiễn lâm sàng trong việc sử dụng profestin điều trị cường kinh, lạc nội mạc tử cung".

Lạc nội mạc tử cung,căn bệnh phổ biến của phụ nữ với tỷ lệ 10%

Theo Hướng dẫn điều trị quốc gia năm 2019, tỷ lệ mắc LNMTC ở phụ nữ Việt Nam hiện nay là 10%, tức cứ 10 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản sẽ có một người phải chịu đựng căn bệnh này và nhiều trường hợp mắc bệnh đến 7 – 10 năm mới được phát hiện. Với việc bệnh âm thầm tiến triển, việc điều trị trở nên phức tạp hơn và hệ quả căn bệnh cũng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, bệnh có thể được phát hiện sớm nếu phụ nữ được trang bị kiến thức và nhận thức về LNMTC tốt hơn.

LNMTC là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển ở bên ngoài của các cơ quan lân cận như buồng trứng và ruột trong vùng chậu. Bệnh gây đau ở các mức độ khác nhau, nặng hơn có thể gây khó mang thai, thậm chí vô sinh ở phụ nữ. Việc chịu đựng cơn đau dai dẳng ở nhiều cường độ khác nhau khiến chất lượng cuộc sống của chị em giảm sút. Nhiều người phải nghỉ làm việc, không thể tập trung, năng suất giảm sút trong chu kỳ kinh nguyệt, kéo theo đó là sự mệt mỏi, căng thẳng về tinh thần.

Chia sẻ từ một bệnh nhân lạc nội mạc tử cung

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh LNMTC có thể được thực hiện thông qua việc chị em cần chú ý hơn các cơn đau, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt. Có thể rà soát lại các dấu hiện bằng cách làm bài trắc nghiệm chẩn đoán tại đường link và nên thăm khám định kỳ mỗi sáu tháng một lần.

Cần điều trị bệnh LNMTC từ sớm

Theo BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nếu để bệnh lâu ngày, việc điều trị trở nên khó khăn hơn vì lúc này tổn thương LNMTC đã lan rộng và có thể xâm lấn vào cơ quan khác. Việc sử dụng các liệu pháp không đặc hiệu như viên tránh thai đường uống hay các thuốc giảm đau thông thường có thể giúp giảm đau tạm thời, tuy nhiên bệnh sẽ tái phát và có khả năng tiến triển LNMTC sâu gây dính và điều trị khó khăn hơn.

Bác sĩ Nhi cho biết, các phương pháp điều trị tập trung vào mục đích giảm đau, làm chậm sự phát triển của bệnh, duy trì và cải thiện khả năng sinh sản, nhất là ở nhóm phụ nữ trẻ chưa có con, và/hoặc ngăn ngừa tái phát. Trong đó, ưu tiên sử dụng điều trị nội khoa, can thiệp ngoại khoa chỉ nên sử dụng tối thiểu. Vì đây là một căn bệnh mãn tính và biểu hiện đau sẽ tái phát dưới ảnh hưởng của estrogen. Người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị lâu dài để giảm nguyên cơ tái phát và bệnh tiến triển khó điều trị.

Người bệnh LNMTC hoàn toàn có thể kiểm soát được căn bệnh nếu phối hợp với bác sĩ và chủ động theo dõi bệnh. (Ảnh: Getty Images)

Người bệnh LNMTC hoàn toàn có thể kiểm soát được căn bệnh nếu phối hợp với bác sĩ và chủ động theo dõi bệnh. (Ảnh: Getty Images)

Về mặt tâm lý, người bệnh cần sự cảm thông và đồng hành để xua đi cảm giác cô đơn, đau đớn không chỉ về thể chất mà còn cả về tinh thần khi mắc LNMTC. Các chị em cần biết rằng, đây là một bệnh lý mãn tính nhưng có thể kiểm soát được nếu phối hợp với bác sĩ và chủ động theo dõi bệnh.

Cập nhật và nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên y tế

LNMTC đang ngày càng nhận được sự quan tâm từ phía bác sĩ Sản Phụ khoa các tuyến từ trung ương tới cơ sở. Quá trình điều trị đòi hỏi bác sĩ cần nắm được kiến thức điều trị cập nhật và dữ liệu y văn quốc tế. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao chất lượng sức khỏe phụ nữ cũng như giảm thiểu những nguy cơ biến chứng nặng nề đồng thời giảm gánh nặng kinh tế trong cộng đồng.

Hưởng ứng tháng nâng cao nhận thức về Lạc nội mạc tử cung, vừa qua, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã phối hợp Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Thực tiễn lâm sàng trong việc sử dụng Progestin điều trị cường kinh, lạc nội mạc tử cung" nhằm cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhân viên y tế và các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa tại các Bệnh viện Sản Nhi, khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa tại các tỉnh/thành phố thuộc Đồng bằng sông cửu long.

Hội thảo khoa học gồm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được trình bày bởi các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa như BS. CKII. Nguyễn Thụy Thúy Ái, BS.CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, BS.CKII. Nguyễn Thị Bích Ty, ThS. Bs. CKII. Trịnh Hoài Ngọc và nhiều chuyên gia uy tín khác tại các điểm cầu tham dự trực tuyến.

Kim Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-bung-dai-dang-khi-hanh-kinh-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-lac-noi-mac-tu-cung-169230405132823038.htm