Đau bụng, đầy hơi, sương mù não sau mỗi bữa ăn, người phụ nữ không ngờ mình mắc chứng bệnh tai ương
Đau bụng, đầy hơi là những gì người mẹ ba con thường xuyên phải đối mặt sau mỗi bữa ăn.
Krystyna Houser là bà mẹ 3 con hiện đang sống ở Brooklyn, New York. Hành trình chẩn đoán và điều trị hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO) của cô đã kéo dài vài năm, truyền cảm hứng cho người phụ nữ viết ra cuốn sách hướng dẫn mọi người cách cải thiện sức khỏe đường ruột, cân bằng dinh dưỡng thông qua các công thức nấu ăn lành mạnh.
Theo ước tính của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), khoảng 70 triệu người Mỹ đang phải đối mặt với SIBO, hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc một trong số hàng trăm bệnh khác có liên quan đến sức khỏe tiêu hóa.
Không những vậy, 74% người Mỹ còn chia sẻ họ đang phải sống chung với các triệu chứng tiêu hóa khó chịu. Chế độ ăn uống hàng ngày ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật bên trong. Do đó, lựa chọn thực phẩm thích hợp và chế biến thức ăn sao cho lành mạnh có thể là thách thức không nhỏ với các chị em.
Sau những gì trải qua, Krystyna chia sẻ câu chuyện của bản thân trên mạng xã hội để cảnh báo mọi người về hội chứng đường ruột khiến cô phải vật lộn trong thời gian dài. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng tới sức khỏe.
Những thay đổi bất thường
Vào năm 2013, Krystyna bắt đầu nhận thấy cơ thể xuất hiện những thay đổi kỳ lạ sau khi sinh em bé thứ 3. Cơn đau bụng khủng khiếp xảy ra mỗi khi ăn, bắt đầu từ một bên bụng rồi lan sang bên còn lại. Cô cũng gặp phải tình trạng phát ban không rõ nguyên nhân và chứng sương mù não.
Tuy nhiên, đây vẫn không phải là điều tồi tệ nhất. Người phụ nữ này chia sẻ: “Tôi phải cởi cúc quần sau bữa ăn vì quá chướng bụng như thể đang mang thai 8 tháng. Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như vậy trước đây”.
2 năm sau kể từ đó, Krystyna đã đến khám nhiều bác sĩ tại địa phương với hi vọng tìm ra câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi. Một số người cho rằng, cô mắc trầm cảm sau sinh và khuyên người phụ nữ này đến gặp chuyên gia tâm lý. Theo Krystyna: “Tôi làm theo lời bác sĩ nhưng trực giác vẫn mách bảo tôi đây không phải là nguyên nhân”.
Cuối cùng, một người bạn đã giới thiệu cô đến gặp bác sĩ Frank Lipman, chuyên gia điều trị bệnh tiêu hóa bằng Đông và Tây y tại Los Angeles. Sau khi lắng nghe Krystyna mô tả về triệu chứng, kiểm tra mắt và lưỡi của cô, vị bác sĩ này đã khẳng định SIBO chính là nguyên nhân. Người mẹ 3 con kể lại: “Thật kinh ngạc! Tôi đã đi khắp nơi để tìm kiếm câu trả lời trong hai năm và ông ấy chỉ mất 5 phút để tìm ra điều đó”.
Kết quả kiểm tra cho thấy hiện thực
SIBO xảy ra khi ruột non bị lấp đầy bởi vi khuẩn và cơ thể không có khả năng loại bỏ chúng ra ngoài. Ali Rezaie, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Cedars-Sinai, Los Angeles, giải thích, khi tiêu thụ thực phẩm, một số thức ăn sẽ được tiêu hóa bởi vi khuẩn dư thừa trong ruột non và điều này sẽ tạo ra khí. Vi khuẩn cũng có thể ăn một số chất dinh dưỡng, từ đó cản trở quá trình hấp thụ chất cơ thể cần.
Theo bác sĩ Ali, SIBO thường xảy ra do ngộ độc thực phẩm. Tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ phẫu thuật, sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton kéo dài, các tình trạng sức khỏe khác như bệnh celiac hoặc vấn đề về ruột non.
Sau khi nhận chẩn đoán từ chuyên gia tiêu hóa, Krystyna được hướng dẫn thực hiện kiểm tra tại nhà để xác định trong hơi thở có dư thừa hydro hoặc metan do vi khuẩn tạo ra không. Kết quả cho thấy SIBO thực sự là nguyên nhân khiến người phụ nữ phải vật lộn với những cơn đau khó chịu trong suốt 2 năm qua.
Bà mẹ 3 con chia sẻ: “Trong lần sinh mổ thứ ba, tôi đã nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) rất nặng và phải dùng kháng sinh liều cao. Chúng đã cứu mạng tôi nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra SIBO”. Trên thực tế, dùng kháng sinh là phương pháp điều trị chủ yếu cho người mắc SIBO. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có thể góp phần dẫn tới hội chứng này một khi ngừng sử dụng.
Thay đổi đem lại điều tích cực
Các bác sĩ khuyên Krystyna thực hiện chế độ ăn lỏng. Theo cô: “Đó là một trong những điều khó khăn nhất tôi từng trải qua. May thay, khi mọi thứ kết thúc, tôi có thể cảm nhận được 90% các triệu chứng đã biến mất”.
Trong vòng 2 năm sau, người phụ nữ tiếp tục áp dụng chế độ ăn ít thực phẩm lên men, hạn chế chất xơ, sữa, trái cây, đồng thời tăng cường các loại protein và carb dễ tiêu hóa từ gạo, khoai tây. Krystyna cho biết: “Kể từ đó, hội chứng này có bùng phát vài lần khiến tôi cần ăn kiêng 2 lần nữa. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh và không còn mắc SIBO”.
Những trải nghiệm đã qua truyền cảm hứng cho cô xuất bản cuốn sách chứa các công thức nấu ăn lành mạnh dành cho những người mắc bệnh về đường ruột. Người mẹ này chia sẻ: “Tôi mong cuốn sách sẽ giúp ích cho những người đang phải đối mặt với SIBO, khiến họ cảm thấy vui vẻ khi thưởng thức những món ăn yêu thích”.