Đau bụng, ói mửa, tiêu chảy hàng loạt vì nghi xài nước bẩn

Người lớn và trẻ nhỏ phải vào bệnh viện điều trị tiêu chảy, đau bụng vì nghi do dùng nguồn nước nhiễm bẩn.

“Cách đây một tháng, tôi luôn đau bụng, tiêu chảy, ói mửa, thỉnh thoảng sốt. Mặc dù đã uống thuốc nhưng tình trạng trên không khỏi nên tôi tới bệnh viện (BV). Sau khi khám, bác sĩ (BS) kết luận tôi bị nhiễm trùng đường ruột và phải nhập viện điều trị. BS còn khẳng định nguồn nước chính là tác nhân gây ra hiện tượng này”. Sáng 26-10, bà Bùi Thị Tuyết (54 tuổi, ở phòng 503, lô C, chung cư Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên.

Hơn 60% hộ có người bệnh

“Chưa hết, ba con nhỏ của tôi cũng bị tình trạng trên. Chưa kể mỗi lần tắm là cả nhà ngứa ngáy. Sau đó tôi phải mua nước đóng bình loại 20 lít để tắm và nấu nướng thì hiện tượng ngứa ngáy, đau bụng, tiêu chảy giảm hẳn” - bà Tuyết nói.

Tương tự, bà Trần Thị Xuân (63 tuổi, ở phòng 502, lô C) cũng đau bụng, tiêu chảy suốt hai tuần nay. Cả con trai, con dâu và hai cháu nội (bốn tuổi và hai tuổi) cũng rơi vào tình trạng trên. “Sau khi khám bệnh, BS bảo cả nhà tôi bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. BS còn bảo nên ngưng sử dụng nguồn nước đang dùng. Hiện tôi phải mua nước đóng bình về xài, tốn tiền quá chừng” - bà Xuân than.

“Nhà tôi cũng chung “số phận”. Tôi hiện là tổ phó lô C nên nắm khá chắc những hộ có người đau bụng, tiêu chảy. Lô C có hơn 120 hộ thì trên 60% hộ có người phải vào BV. Thậm chí có hộ cả nhà đều tiêu chảy. Chúng tôi phải dán thông báo khuyến cáo các hộ không dùng nguồn nước nghi bị ô nhiễm” - bà Nguyễn Thị Nhanh (63 tuổi, ở phòng 217, lô C) nói.

Vách hồ chứa nước sinh hoạt dính đầy chất nhớt đen xì, đỏ ngầu (ảnh lớn)… Ảnh: ĐỨC THÀNH. Thông báo khuyến cáo không sử dụng nguồn nước ô nhiễm được dán trong lô C của chung cư (ảnh nhỏ). Ảnh: TRẦN NGỌC

Vách hồ chứa nước sinh hoạt dính đầy chất nhớt đen xì, đỏ ngầu (ảnh lớn)… Ảnh: ĐỨC THÀNH. Thông báo khuyến cáo không sử dụng nguồn nước ô nhiễm được dán trong lô C của chung cư (ảnh nhỏ). Ảnh: TRẦN NGỌC

Lo sợ “ôm” các bệnh khác

Theo bà Nhanh, hồ chứa nước sinh hoạt đặt âm dưới đất. Cách hồ chừng 0,5 m là hệ thống cống nước thải. “Chung cư đã hơn 20 năm nên hệ thống cống nước thải bị sụp khiến nước bẩn thoát chậm và ứ đọng. Không loại trừ nước bẩn thấm qua hồ chứa khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và gây bệnh” - bà Nhanh băn khoăn.

Đồng tình quan điểm trên, ông Lâm Đức Thành (tổ phó lô C) cho biết thêm sau khi xảy ra hiện tượng trên, ông đã vào hồ chứa nước sinh hoạt khảo sát. “Vách hồ dính đầy chất nhớt nhợt đen xì, đỏ ngầu… Chung cư Hiệp Bình Chánh do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức quản lý. Mặc dù công ty có mang mẫu nước xét nghiệm định kỳ sáu tháng/lần nhưng chỉ phân tích chỉ tiêu vi sinh (Coliforms tổng số và E. coli), không phân tích chỉ tiêu lý hóa (amoni, độ pH, hàm lượng sắt tổng…). Những chỉ tiêu lý hóa mới thực sự quan trọng vì có nguy cơ gây nhiều bệnh khác” - ông Thành lo lắng.

Theo ông Thành, trước tình trạng khá nhiều người lớn lẫn trẻ con lô C đi BV vì tiêu chảy, đau bụng…, các hộ dân đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức xúc rửa hồ chứa nước sinh hoạt định kỳ sáu tháng/lần. Một khi các hộ dân nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm thì xúc rửa đột xuất. “Bên cạnh đó, không chỉ xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh mà phải xét nghiệm cả chỉ tiêu lý hóa. Phiếu xét nghiệm phải công khai cho các hộ dân biết và phôtô nộp cho trạm y tế phường” - ông Thành nói.

“Các hộ dân còn đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức xây mới hệ thống nước thải để tránh nước bẩn thấm vào hồ chứa nước sinh hoạt” - ông Thành nói thêm.

Pháp Luật TP.HCM đã chuyển những kiến nghị trên đến ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức. Ông Bảo cho biết sẽ phản hồi sớm cho các hộ dân lô C và Pháp Luật TP.HCM.

Nhiều khả năng nguồn nước bị ô nhiễm

UBND phường đã chỉ đạo trạm y tế lập tổ kiểm tra, giám sát và ghi nhận sự việc. Tổ kiểm tra ghi nhận nhiều trường hợp tiêu chảy phải đi khám tại BV và được chẩn đoán viêm ruột. Riêng hộ ở phòng 503 và 504 đã có người nhập viện điều trị.

Khảo sát cũng cho thấy hồ nước sinh hoạt của lô C xây dưới đất, cạnh hố chứa phân và đường cống thoát nước. Tuy nhiên, đường cống thoát nước đã hư hỏng làm ứ nước, rác nhiều, hố chứa phân đã lâu chưa được xử lý. Các vách ngăn giữa hố phân và hồ chứa nước sinh hoạt đã xuống cấp. Do vậy, nhiều khả năng gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/dau-bung-oi-mua-tieu-chay-hang-loat-vi-nghi-xai-nuoc-ban-799777.html