Dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên đất Thủ Dầu Một

Trong quá trình hoạt động, từ năm 1923 đến năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã ở tại chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) hành nghề bốc thuốc, trị bệnh cho nhân dân và truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Những hoạt động của cụ ở vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương đã để lại cho nhân dân địa phương nhiều ấn tượng tốt đẹp và góp phần lan tỏa chủ nghĩa yêu nước đến với người dân.

Hoạt động nơi cửa Phật

Ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng biên tập Báo Sông Bé, là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi hoạt động ở tỉnh Thủ Dầu Một. Ông khẳng định: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến đâu cũng nương vào cửa phật làm nơi ẩn náu để hoạt động chống lại ách thuộc địa của thực dân Pháp. Trong khi nhà phật luôn giữ vững truyền thống mở rộng cửa đón người yêu nước chống ngoại xâm. Ông dựa vào những sĩ phu, trí thức yêu nước, đồng thời che mắt giặc bằng những việc từ thiện hàng ngày giúp đỡ dân lành.

Chùa Hội Khánh là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước từ năm 1923-1926

Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết, trong hành trình về phương Nam, Thủ Dầu Một - Bình Dương được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn làm nơi hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước từ năm 1923 đến năm 1926. Trong bối cảnh Thủ Dầu Một dưới sự cai trị của chế độ thực dân, lúc bấy giờ cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực, lầm than..., sự xuất hiện của cụ Phó bảng trên vùng đất Thủ Dầu Một như một sự khơi nguồn cho khát vọng hòa bình, dẫn đường cho tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân.

Tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã hội ngộ với các nhà nho, nhà sư có cùng tư tưởng yêu nước, như cụ Phan Đình Viện, Hòa thượng Thích Từ Văn, cùng sáng lập ra Hội Danh dự yêu nước. Hoạt động của hội là truyền bá tư tưởng yêu nước đến với đồng bào, nhân sĩ, trí thức ở địa phương qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, mở các lớp dạy chữ nho, dạy làm thuốc…

Trong quá trình thể hiện lý tưởng của mình, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã vận dụng những phương cách linh hoạt nhất, thuận lợi nhất lại có tác dụng cao nhất, đó là vận dụng tư tưởng phật giáo, những tin lý trong đạo phật làm phương tiện để chuyển tải tinh thần yêu nước thương dân, vừa mang tính phổ tế sâu rộng trong người dân, vừa che mắt giặc. Tiếp nối tinh thần yêu nước của cụ, chùa Hội Khánh, nơi cụ từng lưu trú, đã trở thành nơi sản sinh ra các thế hệ nhà sư yêu nước giàu tài đức, có công đức với đạo pháp cũng như dân tộc.

Những nghĩa cử cao đẹp

Theo những tư liệu, di vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương và nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huệ Thông - Trụ trì chùa Hội Khánh, khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức, Sài Gòn cũ, nay là quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, đi đến nhà của Gaston và Lê Đức ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện, tức cụ Tú Cúc. Cụ Phan Đình Viện quê ở Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp truy lùng, phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm phật học và có tinh thần yêu nước. Cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc, họ đã cùng nhau khởi xướng nhiều hoạt động cứu nước tại chùa Hội Khánh.

Tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Khu lưu niệm cụ tại chùa Hội Khánh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; trưng bày tái hiện không gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bốc thuốc trị bệnh cho người dân tại chùa Hội Khánh...

Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp để truyền bá về Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về y thuật, phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây. Để hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước được hiệu quả và che mắt mật thám Pháp, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã mượn những buổi thuyết pháp về đạo phật để nói về lòng yêu nước và khuấy động phong trào cứu nước. Cụ cũng là người nghiên cứu về phật giáo rất kỹ.

Hiện nay, ở chùa Hội Khánh còn lưu giữ nhiều di vật liên quan tới quãng đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong điện thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ còn giữ đôi câu đối do cụ viết. Nội dung đôi câu đối như sau: “Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong”. Nghĩa là: “Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước/ Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây”.

Ngoài ra, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và chiếc la bàn, hiện được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Trong chùa Hội Khánh còn bức tranh vẽ Hòa thượng Từ Văn cùng đàm đạo với cụ Phó bảng và vị phụ tá cho hòa thượng. Bên cạnh đó còn có tấm bảng ghi câu văn, chụp hình ảnh liên quan đến cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như bản đồ vẽ sơ đồ những nơi cụ từng ghé thăm và hoạt động cứu nước...

Hơn 100 năm đã trôi qua, kể từ ngày cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến hoạt động tại Thủ Dầu Một với tinh thần “Ông thầy Huế” ân cần trị bệnh, bắt mạch hốt thuốc và dạy học cho người dân, đã để lại trong lòng người dân Thủ Dầu Một - Bình Dương những nghĩa cử cao đẹp, gần gũi, thân thương và đức độ. Tư tưởng yêu nước thương dân của cụ sau này đã được nâng lên đỉnh cao, trở thành tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới...

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dau-chan-cu-pho-bang-nguyen-sinh-sac-tren-dat-thu-dau-mot-a347207.html