Dấu chân Đại tướng Ba Trà-Bài 1: Trên những nẻo đường

Đại tướng Phạm Văn Trà (mọi người thường gọi ông tên thân mật là Ba Trà) dành cho tôi nhiều giờ trò chuyện. Trong ngôi nhà rợp bóng cây xanh và ao vườn đậm chất quê ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, vị tướng 90 tuổi dạn dày trận mạc vẫn khúc chiết, tường minh khi nhớ lại những chặng đường 'đời chiến sĩ' của mình...

Trưởng thành từ chiến sĩ đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bước chân ông Ba Trà đã có mặt ở nhiều nẻo đường, từ chiến trường Tây Nam Bộ đến nước bạn, từ đơn vị về đến Tổng hành dinh. Mỗi chặng đường và bước đi ấy đều ghi đậm biết bao kỷ niệm nặng tình dân, nghĩa Đảng và dấu ấn cuộc đời của vị tướng anh hùng...

Dân cưu mang lúc sinh tử

Thời quân ngũ của đồng chí Ba Trà trải qua hầu hết các vị trí công tác, từ chiến sĩ liên lạc, tổ trưởng 3 người đến cán bộ sư đoàn, quân khu rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong đó, có 12 năm, đồng chí trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 1 U Minh, cùng đồng đội và bà con bám trụ kiên cường trên từng xóm ấp, dòng kênh. Những năm tháng ở chiến trường miền Tây Nam Bộ ấy, đồng chí Ba Trà có hai kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ mà sau này, mỗi lần nhắc lại, ông đều rưng rưng xúc động.

 Đại tướng Phạm Văn Trà (hàng sau, thứ 5 từ phải sang) và người dân ấp Cả Mười (ấp Sáu), Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang đã cưu mang che chở Trung đoàn 1 U Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tướng Phạm Văn Trà (hàng sau, thứ 5 từ phải sang) và người dân ấp Cả Mười (ấp Sáu), Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang đã cưu mang che chở Trung đoàn 1 U Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 11-1966, lúc đó đồng chí Ba Trà là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh tham gia tiến đánh chi khu Long Mỹ, Cần Thơ (nay huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang). Sau trận tập kích chưa thành công của ta, địch phản kích dữ dội. Hội ý chớp nhoáng với tập thể chỉ huy tiểu đoàn xong, anh Sáu Hà-Tiểu đoàn trưởng phân công Ba Trà ở lại giải quyết thương binh, liệt sĩ, còn đại bộ phận lực lượng của tiểu đoàn nhanh chóng rời khỏi địa bàn.

Trời sáng, máy bay địch thi nhau oanh kích dọc các con đường, tuyến kênh mà chúng nghi có Việt cộng. Trong bom đạn ngút trời, Ba Trà và đồng đội chạy tứ tán, cố thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng chí Ba Trà không may bị một mảnh pháo găm vào chân rất đau đớn, cắn răng lết từng đoạn, tránh xa trục lộ và bờ kênh. Chừng quá trưa, đau đớn, đói khát làm Ba Trà mệt lả. Đúng lúc đó, một cậu bé đi lối bờ ruộng và phát hiện ra Ba Trà. Cậu lập tức quay về ấp, chừng hai tiếng đồng hồ sau quay lại, mang theo một cái thúng có đĩa xôi, nửa con gà và bình nước cho Ba Trà.

Cuối buổi chiều, cậu bé ấy cùng mẹ ra nơi người chiến sĩ cách mạng đang ẩn nấp và dìu về nhà. Mặc dù nhà gần đồn địch, ngày ngày “lính quốc gia” vào ra mua rượu nhưng Ba Trà vẫn được mẹ con chị kín đáo giấu trong buồng và hầm để chăm sóc, chữa trị vết thương. Gần một tuần sau, vết thương tuy chưa đỡ nhưng trước nguyện vọng của người chiến sĩ trẻ muốn trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, chị âm thầm chuẩn bị và nhờ thêm người thân đưa Ba Trà ra xuồng, khéo léo qua các trạm gác của địch và đưa về vùng du kích ở Long Mỹ. Từ đó, Ba Trà được đưa về đơn vị an toàn.

Đại tướng Phạm Văn Trà (đi đầu) thăm rừng tràm do Sư đoàn 4, Quân khu 9 quản lý, chăm sóc, tháng 12-2002. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đại tướng Phạm Văn Trà (đi đầu) thăm rừng tràm do Sư đoàn 4, Quân khu 9 quản lý, chăm sóc, tháng 12-2002. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sau giải phóng, với tấm lòng biết ơn sâu sắc, ông Ba Trà thường về quê hương Long Mỹ để thăm hỏi bà con, đồng bào, đồng chí, đặc biệt là tri ân gia đình anh Gương-cậu bé cùng mẹ đã cứu sống ông năm nào.

Kỷ niệm sâu sắc với ông Ba Trà còn là lòng dân với quân giải phóng trong những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất. Ấy là vào khoảng giữa năm 1970, khi ấy đồng chí Ba Trà là Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 U Minh. Do ta bị lộ và địch đánh phá ác liệt, trung đoàn ông buộc phải lui về C. Ban chỉ huy trung đoàn đứng chân ở khu vực kênh Ba Lào, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. “Những ngày ấy, bộ đội thường trú đóng ở những vườn cây ven kênh rạch, sông ngòi; bà con lấy cớ đi làm đồng, làm vườn mang gạo ra cho chúng tôi, cung cấp tin tức về địch. Dần dần địch đâm nghi, khám thấy dân đi làm đồng mang theo gạo, chúng bắt nhúng nước hoặc thu hết. Nhưng, bà con vẫn có trăm phương nghìn kế để tiếp tế cho bộ đội. Đêm đêm, bộ đội vẫn ra ruộng, ra vườn lấy gạo, thực phẩm của bà con giấu sẵn, chủ yếu là gạo”, ông Ba Trà xúc động nhớ lại.

Tình hình khi đó, ở bên trong căn cứ, các cơ quan đầu não của Quân khu 9 phải liên tục thay đổi chỗ ở để tránh bị địch tập kích đánh phá. Có lúc, đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu) và đồng chí Lê Đức Anh (Tư lệnh Quân khu) đã bí mật lên ở với đơn vị của đồng chí Ba Trà. Đồng chí Trà nói với Tư lệnh và Chính ủy Quân khu: “Các anh yên tâm, ở đây dựa vào dân, chúng ta sẽ an toàn”. Chỉ huy trung đoàn đưa 2 ông về ấp 6, ở nhà anh Tám Hóa ở Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Một thời gian ngắn sau, ông Kiệt về Kênh 13 (Vĩnh Viễn) ở cùng Tỉnh ủy, ông Anh về Ba Lào ở cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 1 U Minh. Từ đây, sống trong lòng dân, mặc dù chỉ cách đồn địch vài trăm mét nhưng bộ não quân khu vẫn được bảo vệ an toàn tuyệt đối và Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu có điều kiện gần cơ sở, nắm rõ hơn tình hình để gây dựng phong trào và chỉ đạo các hoạt động tác chiến giành thắng lợi.

Dấu chân, dấu ấn thời bình

Năm 1988, sau gần 10 năm lăn lộn chỉ huy chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, từ cương vị Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, ông được điều ra Bắc đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh thứ nhất, sau đó là Tư lệnh Quân khu 3.

Bao giờ cũng vậy, khi về công tác ở đơn vị mới, việc đầu tiên sau khi nắm tình hình tổng thể, ông xuống một lượt các đơn vị, nhất là các tuyến biên giới, hải đảo.

Trong những lần làm việc, nắm tình hình tại các đơn vị ở tuyến đảo Đông Bắc, quan sát thực tế, ông thấy ở một số đảo có hệ thống bệnh xá dân y của các xã, nhưng khi mắc bệnh hoặc gặp tai nạn, dân lại thường đến bệnh xá của đơn vị Quân đội. Tiếp tục thăm dò và tìm hiểu thực tế, đã gợi trong đầu vị Tư lệnh ý tưởng cần nghiên cứu xây dựng các cơ sở quân-dân y kết hợp. Ông cho thử nghiệm tại một vài bệnh xá quân-dân y kết hợp ở tuyến đảo Đông Bắc, sau đó chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cũng từ cách làm và mô hình của Quân khu 3, sau này đã được Liên bộ Quốc phòng-Y tế đệ trình Chính phủ nâng lên thành chương trình cấp quốc gia-Chương trình “Kết hợp quân-dân y xây dựng quốc phòng toàn dân, phục vụ sức khỏe nhân dân”, gọi tắt là Chương trình 12.
Trong các chuyến kiểm tra, nắm tình hình địa bàn gần biên giới, Tư lệnh Ba Trà quan sát thấy mặc dù quan hệ giữa ta và bạn đã bình thường hóa từ lâu nhưng địa bàn giáp biên giới vẫn có những khoảng trống chừng 5-7 cây số sâu vào nội địa không có dân ở. Ông suy nghĩ rất lung và hình thành quyết tâm làm sao phải đưa dân ra sát biên giới, dân phải ra để giữ cột mốc biên giới. Sau khi nghiên cứu thực tế, ông đưa bộ đội ra sát biên giới trước, tổ chức rà quét mìn, làm nương rẫy, trồng rừng... Tiếp đó, từng bước đón dân ra, giao đất và giúp dân làm nhà, làm vườn; giao rừng cho dân quản lý, khai thác. Đồng thời, cũng giao cho dân quản lý đất đai, chủ quyền quốc gia và hệ thống cột mốc đường biên.

Từ một xã thí điểm, ông chỉ đạo mở rộng thành 2 rồi 3 xã. Trên cơ sở đó, hình thành dự án vùng kinh tế-quốc phòng 327 của Quân khu 3 có ý nghĩa lớn cả về kinh tế và quốc phòng. Mô hình này về sau đã phát triển thành một chương trình quốc gia-chương trình xây dựng những vùng kinh tế-quốc phòng ở các địa bàn có tầm quan trọng chiến lược của cả nước.

Sau khi về công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, được phân công phụ trách tác chiến, dấu chân tướng Ba Trà lại in khắp các vùng biên giới, hải đảo. Riêng quần đảo Trường Sa, trong vòng một năm, với nhiều đợt công tác, ông đã tới hầu khắp đảo nổi, đảo chìm, chứng kiến mọi hoạt động của đồng bào, chiến sĩ ta nơi đầu sóng ngọn gió. Qua các chuyến thực địa, ông quan sát và băn khoăn nhất hai điều: Đảo hầu như không có cây xanh và đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ bám trụ lâu năm trên đảo, ít có điều kiện học hành, nâng cao trình độ. Ông đã bàn với Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, cải tạo môi trường sống ở các đảo, đưa đất và chọn giống cây, giống rau ra đảo. Thế rồi, từng luống rau, vườn rau, hàng cây được bộ đội ta chăm sóc đã mang lại màu xanh cho đảo. Với anh em sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, mà chủ yếu là y bác sĩ, nhân viên cơ yếu, từ kinh nghiệm luân chuyển cán bộ mà ông đã từng làm ở Quân khu 3, ông đề nghị lãnh đạo Bộ thực hiện chế độ luân chuyển định kỳ về đất liền và các cơ quan, đơn vị ở đất liền hằng năm tuyển chọn cán bộ để tăng cường cho các đảo. Việc làm này ngày càng đi vào nền nếp, tạo được động lực phấn đấu cho anh em nhận nhiệm vụ công tác ở đảo.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với việc tập trung điều chỉnh tổ chức lực lượng, thế bố trí chiến lược của toàn quân, ông quan tâm chỉ đạo sâu sát quy hoạch tổng thể doanh trại các cơ quan đơn vị, tiến hành xây mới trụ sở làm việc của cơ quan quân sự các cấp. Ông coi việc quy hoạch, xây dựng doanh trại trong toàn quân lần này là một cuộc “đại cách mạng” về doanh trại của Quân đội ta.

Về xây dựng cơ bản, một trong những công trình quy mô lớn được hoàn thành trong thời gian ông giữ cương vị Bộ trưởng là trụ sở Bộ Quốc phòng. Sau khi bàn giao khu vực thành cổ Hà Nội-Khu A Hoàng Thành cho UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng khẩn trương chỉ đạo quy hoạch Khu B và Khu C còn lại để xây dựng trụ sở của Bộ. Để bảo đảm sự thúc bách về tiến độ và yêu cầu rất cao của công trình, Bộ trưởng Phạm Văn Trà yêu cầu vừa làm, vừa thiết kế và chọn những doanh nghiệp xây dựng mạnh nhất lúc bấy giờ để thi công. Ngày khánh thành trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự, khen công trình vừa đẹp, lại tiết kiệm.

Một dấu ấn đặc biệt nữa của ông Ba Trà trong những năm này là chỉ đạo quyết liệt để phát triển các doanh nghiệp Quân đội xứng tầm quốc gia, vươn ra quốc tế. Ông nhớ lại: “Năm 1993 khi sang Thái Lan, một người bạn gắn bó với tôi khá thân thiết đang là thành viên chủ chốt của Chính phủ bạn có gợi ý cho tôi là với Quân đội nên về nước tập trung 3 việc: Làm viễn thông, cảng biển quốc tế và ngân hàng. Từ gợi ý này, tôi về bàn trong tập thể lãnh đạo và các cơ quan chức năng rồi quyết tâm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Lúc đầu cũng khó khăn, vướng nhiều lắm nhưng chúng tôi quyết liệt chỉ đạo, nhất là về cơ chế và công tác cán bộ. Những doanh nghiệp đã có trước được tập trung đầu tư mạnh mẽ, đó là Viettel, Tân Cảng và Ngân hàng Quân đội (MB) đến nay đã và đang lớn mạnh, có thương hiệu, cho thấy hướng đi đúng, rất hiệu quả của Quân đội ta trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

(còn nữa)

TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/dau-chan-dai-tuong-ba-tra-bai-1-tren-nhung-neo-duong-772092