Nhà báo Thanh Hồng – Báo Nhân Dân: Trường Sa linh thiêng

Chuyến đi đến với Trường Sa đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về tình yêu Tổ quốc, tình quân dân sâu nặng; tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết yêu thương và trên hết là tinh thần vượt khó, vững tin của cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám biển, bám đảo giữa trùng dương bao la.

Từ ngày 19 đến 25/4/2024, trên tàu Trường Sa 571, Đoàn công tác số 10 của chúng tôi rời quân cảng Cam Ranh với chuyến hải trình đến với Trường Sa, thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Cảm nhận đầu tiên của tôi, đó chính là sự vinh dự, tự hào khi được đặt chân đến phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Khởi đầu chuyến hải trình, tôi được đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ ấy đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng. Sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi trong tim của người dân Việt Nam và tạc thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.

 Nhà báo Thanh Hồng chụp ảnh kỷ niệm tại đảo Núi Le B.

Nhà báo Thanh Hồng chụp ảnh kỷ niệm tại đảo Núi Le B.

Theo lịch trình, đoàn công tác đến thăm, trao quà tặng quân và dân tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Núi Le B, Đá Tây A, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/8 (Quế Đường), Trung tâm dịch vụ Hậu cần nghề cá (đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa); các trạm hải đăng, trạm khí tượng, tàu trực, Đồn Biên phòng Trường Sa (đảo Trường Sa lớn, thị trấn Trường Sa).

Sau hải trình dài, trưa ngày 20/4, con tàu Trường Sa 571 đã đưa đoàn công tác đến đảo đầu tiên - Song Tử Tây. Cách đất liền khoảng 600 km, đảo Song Tử Tây với lòng đảo trũng, xung quanh có độ cao so với mực nước biển từ 4 đến 6m. Nhìn từ xa, đảo như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình. Đảo có nhiều giếng nước lợ có thể tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi, cho nên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều loại rau xanh tươi tốt bốn mùa. Đây được ví là nơi đầu sóng, ngọn gió, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp căng tràn sức sống, những mái nhà đỏ tươi, những con đường nhỏ đổ bê-tông sạch, đẹp cùng rất nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo đã và đang được hoàn thiện…

Tại mỗi điểm đảo, tôi được tham dự Lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, dâng hương đài Liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ; thăm những ngôi chùa, trường học, bệnh xá, được tận mắt thấy sự đổi thay về mọi mặt ở các đảo chìm, đảo nổi và sức sống mãnh liệt ở mảnh đất thiêng liêng đầy gian khó này mà trước đó chỉ được nghe kể lại hay tìm đọc. Càng đi càng hiểu hơn tinh thần, ý chí quyết tâm, đoàn kết, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây.

 Nhà báo Thanh Hồng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường).

Nhà báo Thanh Hồng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường).

Chiều 22/4, tàu Trường Sa 571 với gần 300 thành viên trong đoàn công tác hướng về phía biển đảo Cô Lin, làm Lễ tưởng niệm, tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 1988. Những lẵng hoa tươi thắp sáng được dòng dây thả từ trên boong tàu xuống biển và trôi theo sóng nước. Lễ tưởng niệm trang nghiêm, khiến nhiều đại biểu lặng người xúc động, không cầm được nước mắt.

Sau khi kết thúc Lễ tưởng niệm, chưa dứt xúc động, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng chia sẻ: Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã có lớp lớp thế hệ người dân, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ và biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Đoàn công tác số 10 cũng như các đoàn công tác trước đây, tổ chức Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Qua đó, nhằm tri ân công lao, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ, thế hệ mai sau truyền thống lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam, để họ tiếp thêm sức mạnh, nỗ lực phấn đấu, tiếp bước truyền thống của cha anh, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Chuyến đi này giúp tôi và các thành viên đoàn công tác nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về biển, đảo của Tổ quốc; chia sẻ những khó khăn gian khổ, vinh dự lớn, trách nhiệm cao, sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến đi cũng là bài học thực tế quý giá, để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn nhiều ấn tượng sâu sắc. Mỗi thành viên trong đoàn có những cảm xúc riêng, nhưng đều cảm nhận “mang ra tình cảm, mang về niềm tin; chủ quyền thiêng liêng, niềm tin và trách nhiệm”. Đoàn công tác và các đại biểu đã dành cho Bộ đội Hải quân nói chung, quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 nói riêng sự quan tâm đặc biệt với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thật sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Hồng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-thanh-hong-bao-nhan-dan-truong-sa-linh-thieng-post299608.html