Dấu chân tình nguyện làm nên 'con đường mơ ước'
Khi chúng tôi đăng loạt hình ảnh dưới đây, cũng là lúc các bạn gần hoàn thành xong 'con đường mơ ước' của bà con. Những ngày hè này, các chiến sĩ 'Mùa hè xanh' chỉ còn đi lại đôi ba lần trên con đường ấy. Nhưng với bà con nơi đây, con đường còn mãi và hình ảnh của các sinh viên tình nguyện vẫn còn mãi trong tim mỗi người.
Một buổi trưa hè ở ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi bắt gặp những màu áo xanh tình nguyện đang khẩn trương thi công để sớm hoàn thành “con đường mơ ước” của bà con nơi đây.
Đội hình Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính có 66 chiến sĩ tình nguyện "Mùa hè xanh" là sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Đây cũng là đội hình có số lượng sinh viên đông nhất trong 13 đội hình với 800 sinh viên tình nguyện "Mùa hè xanh" của trường tham gia tại Đồng Tháp.
Trò chuyện cùng chúng tôi với chiếc áo còn ướt đẫm mồ hôi, Lê Bình Đẳng, sinh năm 2001, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Bách khoa cho biết, khi còn sinh viên, Đẳng đã 2 lần đến tham gia chiến dịch mùa hè xanh ở huyện Tam Nông và Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, cả 2 lần Đẳng đều không thể ở lâu. Đây là lần đầu Đẳng trở lại tỉnh Đồng Tháp trên cương vị cán bộ nhà trường.
Đẳng được giao phụ trách đội hình Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, phần nhiều là các bạn đến từ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, miền trung và miền bắc, lần đầu đến với tỉnh Đồng Tháp.
20/6 là ngày đầu tiên đội hình của Đẳng đến huyện biên giới Tân Hồng với công việc chính được giao là hoàn thành đường bê-tông giao thông nông thôn, tuyến bờ tây kênh Phước Xuyên và tuyến kênh Phước Xuyên nối ĐT842, ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước với tổng chiều dài gần 850m, trong 1 tháng.
Trước đây, con đường này là đường đất, được đổ tạm đá nhuyễn nhưng rất lầy lội, trơn trượt khi gặp trời mưa.
Đội hình Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính được chia làm 2 đội. Ngày đầu tiên rất cực, các bạn mới tham gia chiến dịch, chưa quen sức.
Những ngày đầu, mỗi đội chỉ làm được từ 2 đến 3 tấm bê-tông đường. Bây giờ, mỗi ngày một đội đã đổ được 8 tấm bê-tông, mỗi tấm dài 3m, ngang 3,5m, dày 16cm.
Tính ra, 1 ngày cả 2 đội làm được gần 50m đường. Mỗi bạn một công việc, có bạn quay cối trộn bê-tông; có bạn lên cối, khuân vác xi-măng, cát, đá, nước...
Buổi trưa hè ở vùng biên giới này thời tiết khá oi bức, khiến các chiến sĩ màu áo xanh tình nguyện vã mồ hôi, quần áo lấm lem xi-măng, bụi, cát.
Để có được một tấm đan, các bạn phải trộn 20 cối bê-tông. Công đoạn nào cũng nặng và cũng nguy hiểm. Công đoạn lấy xi-măng đưa vào cối trộn bê-tông ít nặng nhưng nguy hiểm. Có những bạn gặp tình trạng xi-măng bắn vô mắt phải chở đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Tháp Mười vệ sinh, chữa trị.
Cực nhất là những khi gặp trời mưa gió. Mấy bữa đầu, các bạn than ê ẩm cả người, uể oải, phồng tay, nước ăn tay, chân.
"Có bạn rơi nước mắt vì có ngày trời quá nắng, có đoạn không có bóng cây, thêm phần bãi đá có khi xa khu vực thi công, phải khiêng, nên nhiều bạn chịu không nổi đã bật khóc. Song, các bạn cũng có sự cố gắng”, Lê Bình Đẳng chia sẻ.
Đẳng cũng chia sẻ vui: “Hồi đầu, tụi em xuống làm đường với bà con, bạn nào cũng trắng tinh, trắng phau, giờ bạn nào cũng như em. Con đường này là đường tình nguyện, chúng em có đi thì đi vài lần là cùng, chủ yếu là phục vụ bà con. Những cái nắng gió làm da chúng em đen không quan trọng, mà quan trọng là có được con đường để bà con thuận tiện đi lại, mua bán".
Tất cả 66 bạn sinh viên ngủ tại 12 nhà dân ở ấp Hoàng Việt. Có nhà 4 bạn, có nhà đến 8 bạn cùng ở. Trái cây thì ngày nào cũng được bà con mang tới biếu. Có bữa cho 4 quày dừa, có bữa cho cả buồng chuối. Các bạn cũng được người dân rủ vào vườn xẻ mít cho ăn tại chỗ.
Chúng tôi gặp chiến sĩ Liêu Hy Đình, sinh viên năm nhất ngành Khoa học máy tính, quê xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai khi em đang cùng các bạn xúc cát vào xô để mang đi trộn hồ.
Đây là lần đầu Hy Đình xa nhà lâu nhất. Lúc đầu em đến đây thấy mọi công việc lạ lẫm. Một phần trở ngại nữa là trong cách giao tiếp với mọi người. Sống được vài bữa, em thấy bà con nhiệt tình, cô chú giúp đỡ, rất quan tâm, nên em đã sớm thích nghi.
Đội hình Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính có 8 nữ. Đây là lần đầu Hy Đình được tham gia cùng làm "thợ hồ".
Hy Đình tâm sự: "Nếu như mình chỉ lo xoay quanh việc học thì sẽ không có quá nhiều trải nghiệm. Em cũng muốn giúp ích cho người dân đồng bằng, góp một phần công sức của mình. Mình còn sức trẻ thì mình cố gắng dành khoảng thời gian hè để đến với bà con, những vùng quê của đất nước mình”.
Hy Đình đang ở với một gia đình nông dân. Em cho biết cô chú rất thương yêu các bạn sinh viên tình nguyện.
“Em đưa tiền cho cô chú đi mua đồ ăn mà cô chú không nhận. Thương cô chú lắm. Sáng nào cô chú cũng đi chài cá cho tụi em ăn. Em thích nhất là món canh chua, cá chiên do cô chú nấu ăn rất ngon. Bình thường khi đi học em ăn cơm mỗi bữa một chén, giờ có nhiều bữa ăn em ăn cả tô luôn.
Có lẽ khi trở lại trường với việc học, em sẽ không thể quên được những khoảnh khắc vui trong lao động cùng bạn bè và nhất là những buổi ở với gia đình cô chú, được ăn những món cơm do cô chú nấu; hình ảnh cô chú vác chài đi kiếm cá cho tụi em ăn", Liêu Hy Đình tâm sự.
Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi được người dân mời dùng cơm chung với các bạn sinh viên. Có bạn ngồi ghế, có bạn đứng ăn, có bạn tụm năm tụm ba lại uống ly trà đường tấm tắc khen ngon.
Bữa ăn tuy giản dị nhưng thấm đậm nghĩa tình của người dân vùng biên giới và các bạn sinh viên đến từ thành phố mang tên Bác.
Chị Trương Thị Thủy, sinh năm 1980 ở ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng hỗ trợ 100 suất ăn cho các bạn sinh viên tình nguyện vào buổi trưa hôm ấy, chia sẻ: “Hôm nay gia đình tôi xung phong hỗ trợ một bữa ăn trưa cho các em. Còn trà đường thì gia đình làm cho các em uống mỗi ngày. Thấy các em rất hiền, rất dễ thương. Sáng sớm 6 người nữ trong xóm chúng tôi đã tham gia xách giỏ đi chợ mua đồ và chia nhau mỗi người một việc nấu cho các em ăn để bữa ăn có sự gắn kết với bà con. Sau này các em về quê sẽ nhớ các em lắm".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dau-chan-tinh-nguyen-lam-nen-con-duong-mo-uoc-post763148.html