Đâu chỉ tôn vinh là xong...
Gần đây, những người yêu văn chương nước nhà nói chung, những người 'mê' phóng sự, tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng nói riêng hẳn sẽ tiếc lắm khi biết tin: Nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng tại làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị bán. Những đồ lưu niệm của nhà văn cũng đã bị chuyển đi nơi khác.
Để có được nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng, vợ chồng con gái nhà văn đã bỏ ra rất nhiều công sức. Đầu tiên là việc lưu giữ những kỷ vật của nhà văn. Vũ Trọng Phụng mất năm 1939, khi mới 27 tuổi. Trải qua bao bể dâu, mấy chục năm trời từ thời thuộc Pháp, Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, hậu phương thời chống Mỹ, tới thời bao cấp, thân nhân gia đình nhà văn vẫn cố gắng lưu giữ các kỷ vật liên quan. Các kỷ vật đó lại được lưu giữ tại chính nơi sinh ra và mất đi của nhà văn. Tuy quê ở xứ Đông (làng Hảo, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) nhưng ông lại được sinh ra và lớn lên ở làng Mọc Quan Nhân. Đó là làng cổ giàu truyền thống văn hóa, nơi sản sinh ra nhiều vị quan. Đây cũng là quê hương của nhà văn Nguyễn Tuân. Năm 1988, bà Vũ Mỵ Hằng (con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng) cùng chồng là ông Nghiêm Xuân Sơn đã xin phép chính quyền các cấp di chuyển phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ nghĩa trang Quán Dền (đất nghĩa trang của làng Mọc) về ngay vườn nhà, trong khuôn viên khoảng 300 m2 của gia đình. Năm 1992, gia đình nhà văn sửa lại nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng và xây đắp lại mộ phần bằng đá đỏ. Đến năm 1995, xây mới nhà lưu niệm và tôn tạo khu vực mộ. Từ đó, nhà lưu niệm và mộ cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã trở thành một địa chỉ văn hóa của các thế hệ cầm bút, của các bạn trẻ yêu thích văn học, của khách xa gần đến thăm viếng, tìm hiểu.
Tại nhà lưu niệm, con gái và con rể nhà văn đã trưng bày những kỷ vật đơn sơ mà vô giá của Vũ Trọng Phụng, như thẻ nhà báo, sổ tay, giấy khai sinh và các ảnh chụp của nhà văn với bạn bè; các tác phẩm của nhà văn được in qua các thời kỳ, các bài văn, bài báo viết về nhà văn…
Địa chỉ văn hóa nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng đã hình thành từ công sức của con gái và con rể nhà văn trong nhiều năm trời. Khi đô thị phát triển, đất Hà Nội tăng giá qua nhiều cơn sóng song vợ chồng con gái và con rể và nhà văn vẫn giữ được khuôn viên đẹp trong làng Mọc. Tháng 5/2004, ông Nghiêm Xuân Sơn có đơn đề nghị để nhà lưu niệm được xếp hạng di tích. Tháng 10/2004, Ban Quản lý Di tích và danh thắng (thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội) có công văn hồi đáp mang nội dung “hoan nghênh”. Nhưng hành động lại là “sẽ tiếp tục nghiên cứu”.
5 năm sau, đến tháng 12/2009, ông Nghiêm Xuân Sơn lại tiếp tục làm đơn đề nghị xếp hạng cho di tích văn hóa. Nhưng việc cũng không thành.
Đơn thì xếp lại đợi. Nhưng tuổi đời đâu có đợi. Đến năm 2016, ông Nghiêm Xuân Sơn mất.
Những người thân được thừa kế lại của bà Vũ Mỵ Hằng và ông Nghiêm Xuân Sơn không còn “bầu máu nóng” với di tích hay nhà lưu niệm của nhà văn nữa. Cũng chả trách được họ. Cũng chả trách được cán bộ, công chức có thẩm quyền, vì có lẽ họ có cái lý của họ, có “quy trình” của quy định pháp luật. Chỉ địa chỉ văn hóa là thiệt.
Nhà lưu niệm bị bán cho người khác. Những kỷ vật bị chuyển đi. Mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng lại trở về nghĩa trang Quán Dền.
Ông Đỗ Đình Việt, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), cho biết: Phường và cá nhân ông đã khuyên con cháu ông Vũ Trọng Phụng nên giữ lại nhà lưu niệm vì rất quý nhưng họ không thể tiếp tục duy trì vì nhiều lý do khác nhau. Về lý do nhà lưu niệm chưa được công nhận xếp hạng di tích là do hồ sơ chưa đầy đủ.
Theo quy định pháp luật, với công trình như nhà lưu niệm danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa đều có thể được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Những loại công trình này đều là đối tượng có thể được lập hồ sơ khoa học di tích theo quy định của Điều 3 Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ VHTTDL và Điểm a, Khoản 2 Điều 29 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung: “Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc”.
Vậy nhà văn Vũ Trọng Phụng có phải là nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng? Chắn chắn ông là nhà văn lớn. Nhưng ông là nhà văn thời thuộc Pháp, và mất trước Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, những tiểu thuyết đồ sộ của ông như “Số đỏ”, “Giông tô”, “Vỡ đê”, “Làm đĩ” và hàng loạt phóng sự của ông đã vạch trần và khắc họa đầy tính châm biếm bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp. Những tác phẩm phóng sự của Vũ Trọng Phụng khiến đương thời náo nức mua báo đọc và tôn vinh ông là “Vua phóng sự đất Bắc”. Tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy ở nhà trường, được chuyển thể thành phim.
Vẫn cứ quan niệm danh nhân văn hóa, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật là “đỉnh” gì cao lắm, nếu cứ câu nệ vào nhiều thủ tục hành chính giấy tờ thì có lẽ không chỉ nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng bị mất đi, mà nhiều nhà lưu niệm khác không được địa phương quan tâm, con cháu không nhiệt huyết thì cũng sẽ dần mất đi.
Việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố, chứ chưa cần đến cấp Quốc gia cần kíp đôi khi cũng góp phần giữ lại địa chỉ văn hóa. Đâu chỉ tôn vinh danh nhân, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật ở việc đặt tên đường, phố Vũ Trọng Phụng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là xong.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/dau-chi-ton-vinh-la-xong-tintuc450736