Đâu có 'giặc' là ta cứ đi
ĐBP - Thống kê gần nhất cho thấy, trên địa bàn tỉnh, lũy tích từ ngày 5/2/2021 đến nay đã có trên 6.800 trường hợp mắc Covid-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khi những ngày gần đây các ca F0 tăng lên con số hàng trăm. Do thực hiện chủ trương 'thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19', nên F0 xuất hiện khắp nơi. Khu vực càng đông dân cư, hoạt động giao thương, buôn bán, làm việc càng tấp nập, số F0 ngoài cộng đồng càng nhiều.
Mỗi khi tại địa phương, đơn vị nào đó xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng tuyến đầu, trước nhất là các y, bác sĩ lại lên đường thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch; chở F0 về nơi điều trị tập trung… Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hơn 2 năm qua đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu đã có mặt kịp thời nơi vùng dịch để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, cứu giúp sức khỏe nhân dân. Với các bệnh tình khác thì bệnh nhân tìm đến bác sỹ, nhưng với dịch Covid-19 thì các y, bác sĩ… lại phải tìm đến bệnh nhân. Khối lượng công việc tăng cao trong khi sức khỏe có hạn. Hình ảnh nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng viên… ngủ thiếp đi bên hành lang bệnh viện, bên các bồn hoa, chậu cây cảnh khu vực thu dung, điều trị bệnh nhân, do phải thức đêm, thức hôm, làm việc quá sức để cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 đã làm lay động trái tim bao người. Nhiều lái xe bệnh viện, trung tâm y tế… làm nhiệm vụ chở bệnh nhân mắc Covid-19 tại các huyện, xã về Bệnh viện Dã chiến TP. Điện Biên Phủ, các trung tâm y tế cấp huyện nhiều lần trong ngày, mệt rã rời, dừng xe ngủ bên đường trong đêm đông giá rét, giữa trưa hè nóng bức, được người dân đi tập thể dục, qua đường ghi lại rồi chia sẻ lên mạng xã hội, các phương tiện tuyền thông, đủ để nói lên tinh thần “dấn thân” của các “chiến binh áo trắng”.
Những tháng gần đây, nhất là từ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, sau khi “mở cửa” cho người dân đi lại, thăm thân, về quê đón tết, vui xuân… dịch bệnh Covid-19 bùng phát càng mạnh. Mỗi ngày có hàng trăm F0 cả ngoài cộng động, trong khu phong tỏa, cách ly… các y, bác sĩ lại thêm nhiệm vụ nặng nề hơn. Đang dở bữa cơm, đang trong giấc ngủ chập chờn, nhưng mỗi khi nhận được điện thoại của cấp trên, của nhân dân, của tổ Covid cộng đồng… là họ lại tức tốc lên đường. Có câu “Trời đánh tránh bữa ăn”, nhưng với các “chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống Covid-19” thì không có thời gian ăn bữa cơm đàng hoàng, giấc ngủ sâu kể từ khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhận tin nhắn, điện thoại, hay chỉ đạo trực tiếp của ban chỉ đạo về các ca F0, F1… nhiều rồi thành quen. Mỗi lần như thế, không ai bảo ai, họ lao vào công việc, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vì mục tiêu chăm sóc tốt nhất, an toàn nhất sức khỏe nhân dân.
San sẻ yêu thương, cộng đồng trách nhiệm với xã hội, khi dịch bệnh tại tỉnh đang có những diễn biến khó lường, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, số ca dương tính với SARS-CoV-2 “tăng chóng mặt”. Thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo cấp trên, nhất là lòng trắc ẩn “máu chảy ruột mềm” trong người họ, đã có 101 y, bác sĩ của tỉnh xung phong vào tâm dịch các tỉnh phía Nam để kịp thời chữa bệnh cứu người.
Trong bộn bề gian khó, dịch bệnh “bủa vây”, công việc “căng như dây đàn”, chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, các y, bác sĩ đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân các tỉnh phía Nam.
Không ai nói về thành tích của mình, cũng như không than vãn về khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất tại các bệnh viện, nơi thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khi họ tăng cường, nhưng qua nắm bắt thông tin từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi thấy rằng, việc các y, bác sĩ quên ăn, quên ngủ, tập trung khám, chữa bệnh cho nhân dân thật là phi thường. Vì rằng, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp (thời điểm các y, bác sĩ tăng cường cho miền Nam, số ca tử vong do Covid-19 rất cao), vậy nhưng họ đã bỏ sau tất cả, hi sinh hạnh phúc riêng, chủ động, hăng hái lên đường “Nam tiến” phòng chống dịch. Điều này thêm một lần nữa khẳng định câu nói “Lương y như từ mẫu” - Nghề Y được cả xã hội trọng vọng, biết ơn.
Có luồng ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19 như là “phép thử” lương tâm, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ hiện nay. Và đáp án là trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể nơi đâu, cứ có dịch bệnh, có bệnh nhân mắc Covid-19, có F0, F1… các “chiến binh áo trắng” lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ. Với họ, mục tiêu trước nhất, tối thượng nhất là vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân.