Đau đầu chuyện giảm lương cầu thủ
Sau khi Nam Định công bố mức giảm lương 25% với các cầu thủ (có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng); lãnh đạo, ban huấn luyện và cầu thủ CLB TP.HCM cũng thống nhất giảm 30% lương tháng 4 và nếu V.League vẫn tiếp tục hoãn sẽ giảm 40% trong tháng 5, 50% trong tháng 6.
Ở Giải ngoại hạng Anh, trong cuộc họp mới đây giữa BTC với 20 CLB, cùng với quyết định không hủy nhưng sẽ hoãn vô thời hạn (trước đó đặt ra mốc ngày 4-4 rồi ngày 30-4, nay xác nhận ngay cả tháng 5 cũng chưa thể trở lại), cũng đưa ra đề nghị giảm 30% lương cầu thủ. Mức giảm này sẽ kéo dài tới khi tài chính các đội phục hồi.
Đây là vấn đề mang ý nghĩa sống còn với các CLB châu Âu bởi quỹ lương cho cầu thủ quá lớn, chiếm đến 75% ngân sách hoạt động. Theo thống kê của UEFA, mức lương trung bình của các cầu thủ gấp 17 lần các nhân viên khác trong đội bóng. Điều này đồng nghĩa, nếu giảm 50% lương của một cầu thủ có thể giúp giữ nguyên lương cho khoảng 8-9 nhân viên khác. Và nếu cắt lương khoảng 30% của toàn bộ cầu thủ sẽ giúp giữ nguyên lương (và việc làm) cho các nhân viên.
Không có gì ngạc nhiên khi Barcelona là đội mạnh tay nhất khi cắt giảm 70% lương của Messi và các đồng đội, bởi đây là CLB đứng đầu về mức chi trả cho cầu thủ. Với quỹ lương khổng lồ, Barca sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn các đội bóng khác khi các giải đấu “đóng băng”. Các CLB Serie A nhiều khả năng cũng sẽ cắt giảm 30% lương cầu thủ, riêng các cầu thủ và HLV Juventus thậm chí thống nhất sẽ không nhận lương trong 4 tháng. Ở Bundesliga, các cầu thủ Bayern và Dortmund đã đồng ý phương án giảm 20% lương.
Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề mức giảm không thể “cào bằng”. Các cầu thủ không thuộc hàng sao số than vãn: “Không phải ai cũng như Messi, Ronaldo, có bị cắt lương 2 tháng cũng chẳng thấm vào đâu. Nhưng với chúng tôi, chủ cho thuê nhà sẽ lập tức tìm đến”. Ngược lại các ngôi sao hưởng lương cao ngất cũng có lý do để suy bì, do “hớ” trong chuyển nhượng của CLB nhiều cầu thủ được ký hợp đồng với đãi ngộ cao nhưng hầu như chẳng có đóng góp đáng kể, thậm chí không ra sân, nay cũng chỉ bị cắt giảm ngang bằng với những “công thần” phải luôn cày ải.