Đau đáu nỗi niềm quy tập hài cốt liệt sĩ
Cùng với công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thân nhân liệt sĩ, một trong những nhiệm vụ được các cấp chính quyền địa phương, Bộ CHQS tỉnh quan tâm đó là thu thập, kết nối, xử lý thông tin tiến tới quy tập hài cốt liệt sĩ. Với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình đồng đội cao quý, thiêng liêng, những người làm công tác chính sách ở Bộ CHQS tỉnh luôn trăn trở với từng thông tin hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương khiến họ không quản ngại khó khăn, vất vả với mong muốn sớm được đưa các anh trở về "đoàn tụ" với gia đình.
7 năm đằng đẵng theo đuổi xác minh, kết luận danh tính
Thời điểm này, các cán bộ, chiến sĩ làm công tác chính sách ở Bộ CHQS tỉnh đang chạy đua với thời gian để thực hiện xác minh, kết luận danh tính ngôi mộ quân nhân được chôn cất tại thôn Xuôi, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường.
Ròng rã suốt 7 năm, thông tin hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa được quy tập được người dân địa phương thông tin khiến thâm tâm mỗi cán bộ, chiến sĩ ở Bộ CHQS tỉnh trĩu nặng. Ai cũng mong muốn sớm có kết luận xác minh tiến tới quy tập mộ liệt sĩ trước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Điều đó sẽ là động lực củng cố niềm tin, hy vọng cho những người làm công tác chính sách tại địa phương.
Năm 2015, Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận thông tin của người dân, chính quyền địa phương xã Chấn Hưng về việc có 1 ngôi mộ quân nhân được chôn cất tại thôn Xuôi.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Xộp (sinh năm 1952), công dân thôn Xuôi, vào năm 1968, tại địa phương có chuyến xe chở lương thực của 1 đơn vị bộ đội hành quân qua. Do đi vào buổi tối, khi đến khu vực bãi mương ở thôn Xuôi, chiếc xe không may bị lật khiến 1 chiến sĩ tử nạn.
Chính ông Xộp (khi ấy khoảng 16 tuổi) đã cùng các anh em trong đơn vị chôn cất nạn nhân. Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa gần 55 năm, người dân và chính quyền địa phương vẫn mong ngóng ngôi mộ vô danh ấy sẽ có người thân đến nhận. Hoặc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kết luận danh tính tiến tới quy tập mộ phần vào nghĩa trang để nhân dân tiện chăm sóc, hương khói chu đáo.
Suốt 7 năm đằng đẵng theo đuổi vụ việc, các cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp nhiều lần về xã Chấn Hưng làm việc với nhân chứng, người dân và chính quyền địa phương; đồng thời, tiến hành thăm nắm, khảo sát thực địa để có phương án triển khai các bước công việc tiếp theo.
Đồng chí Phan Thị Thu Hà, cán bộ Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi với mục đích tìm kiếm thân nhân. Trên cơ sở thông tin do nhân chứng cung cấp, tôi đã trực tiếp về thành phố Hải Phòng (nơi được cho là quê hương của nạn nhân) để xác minh nhưng không có kết quả. Có thể, do nhân chứng nhớ nhầm tên hoặc quê của nạn nhân nên đơn vị không thể xác minh được".
Trước đó, Bộ CHQS tỉnh đã gửi công văn đối với trường hợp này đến Bộ CHQS các các tỉnh, thành trên cả nước nhằm phối hợp, hỗ trợ việc xác minh danh tính, nhưng vẫn không thu thập được thông tin khả quan. Việc xác minh danh tính nạn nhân đi vào bế tắc. Sau đó, dịch Covid-19 xảy ra khiến việc tìm kiếm bị giãn, hoãn đến thời điểm này”.
Theo ghi nhận, trải qua nhiều biến cố lịch sử, thăng trầm thời gian, ngôi mộ của quân nhân bị tử nạn năm xưa nay đã mất nấm, chưa được cải táng và có khả năng nằm dưới lớp bê tông (do người dân đổ cát, xi măng lấy đường đi lại). Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương vẫn nhớ rõ vị trí chôn cất người quân nhân và không nguôi xót xa khi ngôi mộ chưa được quy tập, thiếu người hương khói, chăm sóc.
Mong mỏi của nhân dân, chính quyền địa phương
Trên cơ sở nguyện vọng, mong mỏi cũng như nhiều lần đề nghị vào cuộc xác minh danh tính ngôi mộ quân dân tử nạn ở thôn Xuôi của người dân cũng như chính quyền xã Chấn Hưng, một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh lại tiếp tục vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
Đầu tháng 6/2022, đại diện Bộ CHQS tỉnh tiếp tục có buổi làm việc với người dân và chính quyền xã Chấn Hưng nhằm bàn bạc, thống nhất phương án xác minh, kết luận thông tin đối với ngôi mộ trên.
Theo đại diện Bộ CHQS tỉnh, do không thể xác định được danh tính nạn nhân dựa vào các yếu tố bên ngoài, nên cần thiết phải khai quật ngôi mộ với hy vọng tìm kiếm thông tin, di vật liên quan, tiến tới khớp nối dữ liệu với các đơn vị bộ đội trong toàn quân. Như vậy, mới có cơ hội xác định được danh tính, thời gian hy sinh và quê quán của người quân nhân này.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ CHQS tỉnh cũng nêu 3 trường hợp sẽ xảy ra. Trường hợp sau khai quật, nếu có đủ điều kiện kết luận là mộ liệt sĩ, xác định được quê quán thì đơn vị sẽ phối hợp với địa phương tổ chức bàn giao hài cốt liệt sĩ cho địa phương và gia đình; trường hợp là liệt sĩ nhưng không xác định được quê quán sẽ quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã Chấn Hưng; trường hợp không đủ điều kiện kết luận liệt sĩ (là tử sĩ), sẽ đưa vào nghĩa trang nhân dân để mộ phần được chăm sóc chu đáo hơn.
Sau khi bàn bạc thống nhất, nhân dân địa phương và chính quyền xã Chấn Hưng bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí đối với các phương án Bộ CHQS tỉnh đề ra. Để có cơ sở pháp lý thực hiện các bước công việc, ngoài căn cứ theo hướng dẫn, hiện nay, Bộ CHQS tỉnh đang xin ý kiến chỉ đạo cũng như đợi sự đồng ý, chấp thuận của Quân khu 2 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Việc nỗ lực xác minh danh tính đối với trường hợp quân nhân nêu trên chỉ là một phần công việc rất nhỏ trong nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà Bộ CHQS tỉnh đã và đang thực hiện trong suốt thời gian qua.
Chỉ tính riêng công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; bàn giao, cung cấp thông tin, xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập và xác minh, kết luận thông tin liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương tìm kiếm, quy tập được 6.093 phần mộ liệt sĩ (có cốt), trong đó, số mộ liệt sĩ có thông tin là 4.988 trường hợp, số mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính là 1.105 trường hợp (giai đoạn 2013-2020).
Đơn vị đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội thu thập, xử lý, cung cấp hàng trăm thông tin mộ liệt sĩ cho gần 30 tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, góp phần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuẩn hóa thông tin và kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa phương…
Dẫu biết rằng, công tác thu thập, kết nối, xử lý thông tin về liệt sĩ còn nhiều gian truân, vất vả, song đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ ở Bộ CHQS tỉnh, được thực hiện nhiệm vụ này là điều vinh dự, tự hào và có ý nghĩa rất thiêng liêng.
Với những ngôi mộ vô danh hay mỗi vụ việc, hồ sơ chưa có kết luận thông tin đều khiến cán bộ, chiến sĩ trăn trở, canh cánh trong lòng. Để rồi, mỗi khi tìm kiếm được một chút thông tin nào đó, họ lại dốc sức làm việc hết mình, không quản ngại khó khăn, vất vả.
Việc làm nhân văn, có ý nghĩa cao cả trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ phần nào xoa dịu nỗi đau cho các gia đình chính sách và thân nhân liệt sĩ; làm vơi đi nỗi nhớ nhung khắc khoải, ngóng trông khi được đón các anh trở về "đoàn tụ" với quê nhà sau nhiều năm xa cách. Điều đó càng trở nên trân quý hơn khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.