Đau đáu với ngành y
Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, ngày làm việc đầu tiên của tuần này, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đây cũng là một trong hai nhiệm vụ lập pháp được Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý trong phát biểu khai mạc kỳ họp. Bởi đạo luật quan trọng này sẽ định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.
Ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh, về cơ chế xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, hợp tác công tư, giá dịch vụ... trong khám, chữa bệnh.
Nhiều vị đại biểu khác cũng chia sẻ mối quan tâm của Chủ tịch Quốc hội. Bởi từ kỳ họp tháng 5/2022, câu hỏi Quốc hội làm gì để cứu ngành y cũng đã được đặt ra, đau đáu. Khi mà trong phiên truyền hình trực tiếp có đại biểu trong ngành đã khái quát rằng, ngành y đang "tệ hơn bao giờ hết", “đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai”, song chẳng vấp phải bất cứ tranh luận hay phản biện nào.
Sau kỳ họp ấy, một bài viết trên Báo Đầu tư đã nhận định: "câu hỏi Quốc hội làm gì để cứu ngành y có lẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời đầy đủ hơn. Nhưng muộn còn hơn không, cử tri đang chờ sự hồi sinh của lĩnh vực này".
Song, nửa năm đã trôi qua, tình hình dường như chưa có gì sáng sủa hơn với ngành y.
Đầu kỳ họp này, khi thảo luận ở tổ về kinh tế, xã hội, có vị đại biểu trong ngành y nói rằng, tình hình thực tế không "êm êm" như báo cáo, mà rất bi đát. Người bệnh vào viện đã đau đớn, nhưng vẫn phải tự mình đi mua từ cái băng gạc, bị tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế. Nhân viên y tế thì bị tâm lý sợ làm sai, vì dù Quốc hội đã cho cơ chế đặc thù, đặc cách, nhưng có khi cơ quan kiểm toán, thanh tra, công an chưa chắc đã áp dụng.
"Trong ngành y có câu ‘thuốc đắng dã tật’, đại biểu cần nắm bắt vấn đề của cử tri, có sao nói vậy", vị đại biểu này đề nghị.
Một vị đại biểu khác, đang là giám đốc bệnh viện lớn cũng nói rằng, đã 8 tháng qua với biết bao lần họp hành, chỉ đạo, mà thuốc và trang thiết bị y tế thiếu vẫn hoàn thiếu. Quy định chưa thay đổi nên việc mua sắm trang thiết bị y tế đang bế tắc, bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo. Theo đại biểu này, trong thời gian chờ sửa luật, cần có nghị quyết để giải quyết tức thì những vấn đề của ngành y tế.
Cũng không phải chỉ những người trong ngành vì quá lo mà nói thế. Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã chỉ ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, tới 28/34 địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.
Rồi 26/34 địa phương và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất.
Và 14/34 địa phương và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Điều đáng lo ngại là năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc vẫn hiện hữu khi hơn 13.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hiệu lực, trong khi tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm sau khi nhiều cán bộ trong ngành bị xử lý do vi phạm quy định của Nhà nước.
Vi phạm thì tất nhiên phải bị xử lý. Nhưng với ngành y, khi thẩm tra báo cáo tổng kết Nghị quyết 30 của Quốc hội về các biện pháp đặc thù, đặc biệt trong phòng chống dịch, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nhấn mạnh rằng, các cơ quan chức năng "đang xử lý các biện pháp trong tình huống cấp bách, đặc thù bằng những quy định bình thường, gây hoang mang cho cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, nhân viên y tế".
Đại dịch đã dịu, "cơn bão" quét qua ngành y lẽ ra cũng nên chỉ còn là dư chấn nhẹ, nhưng những điều mắt thấy khi đến bệnh viện, tai nghe ở nghị trường lại cho thấy, ngành y vẫn đang trong "tâm bão". Và việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này được coi là cơ hội để tháo gỡ những vướng mắc lớn nhất hiện nay, trong đó có cơ chế xã hội hóa và tự chủ tài chính. Nhưng sau 25 ý kiến thảo luận, 3 ý kiến tranh luận tại nghị trường, dường như bài toán cho hai vấn đề rất khó trên chưa có ngay được lời giải thuyết phục. Có một số ý kiến đề nghị lùi thời gian thông qua đạo luật quan trọng này đến kỳ họp sau.
Quốc hội vừa phê chuẩn bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Y tế, mang đến những kỳ vọng mới vào sự thay đổi của ngành y. Nhưng sẽ không có một cá nhân nào đủ mạnh để đưa ngành y ra khỏi tâm bão ấy, nếu không có sự trợ lực bằng những quyết sách sáng suốt, đủ mạnh mẽ của những cơ quan quyền lực Quốc hội. Chỉ khi đó, những nỗi niềm đau đáu với ngành y mới có thể dần vơi.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-dau-voi-nganh-y-d176277.html