Đau đáu với thực trạng nền khoa học Việt Nam
Kinh phí cho khoa học không nhỏ hàng năm, nhưng đôi khi không dùng hết, mà dùng chưa hiệu quả. Phải đặt lại câu trả lời về cách sử dụng kinh phí theo kịp với quốc tế.
Hơn nửa thế kỷ qua trên các văn kiện, hệ thống văn bản pháp luật, khoa học công nghệ luôn được nhắc tới, được đánh giá rất cao, thậm chí luôn ở vị trí quan trọng nhất, cho phát triển kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng.
Thời bao cấp: Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng. Khi đất nước đổi mới, hội nhập, Khoa học Công nghệ cùng với giáo dục đào tạo còn là quốc sách hàng đầu!
Không ai phủ nhận, vai trò vị trí và đóng góp của khoa học công nghệ và đội ngũ các tổ chức các nhà khoa học công nghệ vào tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước! Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế, Khoa học Công nghệ Việt Nam đứng vào hàng các quốc gia phát triển của Đông nam Á.
Thế nhưng, có thể nói chúng ta vẫn là nước mà khoa học công nghệ kém phát triển, không tương xứng với quốc gia có dân số đứng thứ 15 toàn cầu. Một quốc gia có lực lượng các nhà khoa học công nghệ đông đảo, có quá nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư, có nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều trường đại học. Một đất nước đang sở hữu nhiều con người tài giỏi, thông minh tham gia các kỳ thi quốc tế đạt giải cao. Nhiều cuộc thi trao giải rầm rộ: Đường lên đỉnh Olympia, Sao Khuê, Sao Vàng Đất Việt..., nhưng sau đó họ vắng bóng. Hàng vạn đề tài nghiên cứu nghiệm thu xong, nộp lưu chiểu xong, không thấy triển khai ở thực tế.
Các sàn giao dịch công nghệ cũng có, cũng ra đời nhưng vắng sản phẩm, hàng hóa và ít thấy người mua. Các hội chợ công nghệ na ná giống hội chợ thương mại truyền thống.
Đất nước có 4 triệu Việt kiều trong đó có hàng trăm ngàn các nhà khoa học giỏi ở nhiều lĩnh vực mà thế giới kính trọng. Chúng ta chưa thu hút được họ về nước định cư cống hiến hoặc tham gia về nước giảng dạy, nghiên cứu đóng góp. Có lẽ là chính sách hòa hợp dân tộc, thủ tục hành chính, đãi ngộ và quản trị ... chưa được phổ biến sâu rộng nên họ còn e ngại, lo lắng.
Khoa học công nghệ chưa đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, trong cuộc sống còn rất khiêm tốn và rất ít các công nghệ Việt Nam mà thế giới biết tới.
Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết có lẽ do hệ thống pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện, chưa tạo môi trường cho khoa học công nghệ phát triển, thậm chí ở một số chỗ ở một số thời điểm vẫn có biểu hiện kìm hãm, triệt tiêu động lực và lòng đam mê nghiên cứu, phát minh... Tính đố kỵ, môn đăng hậu đối, sống lâu lên lão làng, tệ sính bằng cấp, học hàm học vị... cũng là rào cản sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà .
Dù có nhiều cải tiến, đổi mới, song cơ chế cho hoạt động Khoa học công nghệ vẫn bao cấp, vẫn Quốc doanh hóa hoạt động từ định hướng, lựa chọn để tài lĩnh vực nghiên cứu, xét duyệt, cấp phát, nghiệm thu thanh toán, và áp dụng kết quả nghiên cứu vẫn bao cấp tập trung quan liêu ... Chưa có cơ chế chính sách để khai thác, kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam tại các nước trên thế giới, giữ chân các nhà khoa học. Nhiều Viện nghiên cứu không còn các nhà khoa học hàng đầu, tâm huyết với khoa học công nghệ. Hàng vạn người được đào tạo được các giải lớn quốc gia quốc tế ra đi không trở lại. Số ít trở lại không có đất dụng võ, bỏ nghề kiếm sống bằng đủ nghề, kể cả lao động chân tay ...
Cũng nên xem lại cơ chế vận hành quản trị và vị trí trong hệ thống của hai Viện Hàn lâm. Hệ thống các trường đại học chủ yếu chỉ đào tạo mà chưa tổ chức nghiên cứu. Đại học phải là trung tâm nghiên cứu hàng đầu địa phương, ngành lĩnh vực mà nó mang tên ... Chưa có Tư lệnh Khoa học công nghệ đúng tầm, thực sự là thủ lĩnh vì cách lựa chọn và bổ nhiệm bị hạn chế. Không phát hiện nhân tài và dùng họ, tin giao cho họ có quyền. Vai trò cá nhân trong khoa học công nghệ là tối quan trọng. Có quá ít nghiên cứu của các doanh nghiệp, mới manh nha vài ba tập đoàn công ty có viện, trung tâm nghiên cứu.
Chúng ta đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng gần 20 phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia đặt rải rác ở nhiều trường đại học ở Sài Gòn, Hà Nội, khai thác chưa hiệu quả có nhiều phòng thí nghiệm xuống cấp và lạc hậu về công nghệ với thời cuộc. Tiếng thì là của quốc gia nhưng thực tế thành của cá nhân các cơ sở được đầu tư và sử dụng.
Kinh nghiệm ở Đài Loan họ đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia vào khu công nghệ cao Tân Trúc có hẳn Cục quản lý riêng, cho các tổ chức cá nhân thuê thiết bị làm công nghệ và nghiên cứu khoa học. Họ có doanh thu cao từ các phòng thí nghiệm và hàng năm vẫn cấp bổ sung để sửa chữa nâng cấp bằng doanh thu do các phòng thí nghiệm quốc gia làm ra và rất hiệu quả.
Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tập hợp, hình thành trên 60 hội khoa học kỹ thuật chuyên nghành và chừng ấy các Liên hiệp hội địa phương nơi có hàng trăm ngàn nhà khoa học sau 60 tuổi về hưu hoạt động. Họ là những người có kinh nghiệm, kiến thức, số đông là tâm huyết... còn sức lực trí tuệ. Liên hiệp hoạt động chưa mạnh, vẫn còn hành chính như một cơ quan nhà nước cấp bộ ở TW và cấp sở ở các tỉnh thành. Liên hiệp chưa thực sự là cơ quan phản biện khách quan, khoa học, công tâm hữu ích cho nhà nước...
Kinh phí cho khoa học không nhỏ hằng năm, nhưng đôi khi không dùng hết, mà dùng chưa hiệu quả. Phải đặt lại câu trả lời về cách sử dụng kinh phí theo kịp với quốc tế. Có quá ít các quỹ phát triển khoa học công nghệ cả về số quỹ ( mới 10) cũng như tổng mức của quỹ. Gần như không có quỹ mạo hiểm đúng tiêu chuẩn quốc tế ...
Có một nguồn lực làm khoa học công nghệ rất lớn trong dân trong xã hội. Họ tự mày mò, tự nghiên cứu, phát minh, sáng chế hàng ngày hàng giờ tạo ra các công nghệ, thiết bị, sản phẩm hàng hóa phục vụ và bán ra thị trường cả quốc tế. Những Nhà Khoa Học chân đất “Hai lúa” kia chưa được coi là động lực, nguồn lực của khoa học công nghệ.
Nghiên cứu còn tràn lan. Không tập trung cho Trọng điểm: là những vấn đề nóng bỏng, lâu dài, có lợi thế. Thậm chí có những công nghệ thế giới đã có mà ta vẫn nghiên cứu. Có nên chăng phải phân định: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu của các viện quốc doanh và của tư nhân doanh nghiệp ...Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp đặt đầu bài cho các nhà nghiên cứu các cơ quan khoa học.
Sở hữu trí tuệ có quá nhiều vấn đề. Mặc dù ta đã tham gia WiPO lâu rồi ( tôi cũng đăng ký ở cục và ở nước ngoài thấy khác nhau) Tính bảo mật. Năng lực điều hành. Mất cơ hội ...
Chuyển giao khoa học công nghệ cũng rất khó. Nhiều công nghệ mới, cao, tiên tiến của thế giới vào Việt Nam khó vì các hội đồng xét của ta có vấn đề... Chỉ có các doanh nghệp FDI, các tập đoàn lớn xây dựng dự án nhập công nghệ thiết bị vào Việt Nam mới có cơ nhập công nghệ nhanh.
Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam đi lên thành công thành danh từ Công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ Made in Việt Nam.
Tôi nói đã dài, chắc có điều chưa đúng. Nhưng tôi mạnh dạn đưa ra mấy ý nhờ mọi người tham gia ý kiến và tham khảo!
TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak)
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dau-dau-voi-thuc-trang-nen-khoa-hoc-viet-nam-167676.html