Đấu giá biển số xe máy cần minh bạch, tránh tiêu cực
Việc tiến hành đấu giá biển số xe máy cũng sẽ đem đến nguồn thu không nhỏ đối với ngân sách Nhà nước.
Đấu giá biển số nói chung, biển số xe máy nói riêng, vừa đáp ứng nguyện vọng của những người có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích cá nhân, vừa góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, cấp biển số xe.
Tránh tiêu cực cấp biển số xe
Trong báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an có đề cập về bổ sung nội dung đấu giá biển số vào dự thảo luật.
Theo Bộ Công an, thực hiện Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe, từ ngày 15/9/2023 đến hết tháng 2/2024, Bộ Công an đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số ô tô, với tổng số tiền đấu giá là hơn 2.052 tỷ đồng. Trong đó, 14.062 biển số ô tô trúng đấu giá đã được khách hàng nộp hơn 1.395 tỷ đồng.
“Qua 5 tháng thực hiện đấu giá biển số ô tô đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời đã khai thác tài sản công có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ”, theo Bộ Công an.
Từ đó, Bộ Công an đề xuất mở rộng đối tượng đấu giá biển số bao gồm biển số ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, trừ biển số xe cấp cho xe thuộc tài sản công, xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại cơ quan đó.
Giá khởi điểm của một số ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng; với biển xe mô tô, xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu đồng; bước giá bằng 10% giá khởi điểm.
Với đề xuất trên, Bộ Công an sẽ bổ sung quyền của người trúng đấu giá biển số xe được đăng ký biển số xe trúng đấu giá tại cơ quan công an nơi quản lý biển số xe trúng đấu giá hoặc nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức trúng đấu giá.
Theo một số ý kiến cho rằng, sau nửa năm đấu giá biển số xe ô tô, đã đem lại hiệu quả nhất định, được nhiều người dân đánh giá cao, tránh được tình trạng tiêu cực trong việc cấp biển số xe.
Vì vậy, việc tiến hành đấu giá biển số xe máy cũng sẽ đem đến nguồn thu không nhỏ đối với ngân sách Nhà nước. Trên thị trường, các giao dịch mua bán xe máy, mô tô biển số đẹp vốn rất sôi động, đặc biệt trước khi có quy định về định danh biển số cá nhân ra đời. Nhiều chiếc xe máy sau khi gắn biển đẹp có giá sang tên chuyển nhượng đắt hơn, thậm chí bằng với giá một chiếc ô tô.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô ủng hộ việc đấu giá với cả biển số xe máy vì không những mang lại nguồn thu cho ngân sách, mà còn ngăn chặn câu chuyện “đi đêm”.
Từ trước đến nay, vấn đề biển số xe máy chưa được quan tâm nhiều, đâu đó vẫn còn tiêu cực chưa thể giám sát chặt chẽ. Dù số tiền khởi điểm là thấp, bước giá không cao, song số lượng xe máy ở Việt Nam hiện rất lớn. Nếu thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, đúng cách thì sẽ vừa ích nước, vừa lợi nhà.
Ông Thanh cũng đưa ra nhận định, các cơ quan chức năng nên có sự tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 73/2022, để từ đó phân tích những gì đã làm được, những gì còn tồn tại để rút ra kinh nghiệm cũng như tìm kiếm giải pháp khắc phục. Theo ông Thanh, nếu việc thí điểm đấu giá biển số ô tô được tổng kết bài bản thì sẽ là cơ sở để áp dụng và vận hành trơn tru việc đấu giá biển số xe máy.
Giám sát chặt chẽ quá trình đặt cọc
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM nhìn nhận, về quy định đấu giá biển số xe ô tô tại Việt Nam đang được áp dụng khá chặt chẽ. Việc đấu giá biển số xe ô tô thời gian qua được nhân dân ủng hộ do đáp ứng được nhu cầu chơi biển số cũng như thu hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Các quy định trong việc đấu giá, quản lý biển số đấu giá biển số xe máy hoàn toàn có thể áp dụng như việc đấu giá xe ô tô đã được ban hành trước đó. Tuy nhiên, so với biển số ô tô, kho biển số xe máy lớn hơn khoảng 10 lần vì có thêm 1 ký tự trong dãy số.
Song, do giá trị thấp cùng một số đặc điểm riêng về thói quen sử dụng nên việc đấu giá biển số xe máy được giới chuyên môn nhận định sẽ khó có thể thu về được nhiều tiền như đối với biển số ô tô.
“Đấu giá biển số xe máy sẽ thu hút nhiều người tham gia do giá khởi điểm rẻ, giá trị của biển số đấu giá dự kiến cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều. Do vậy, website đấu giá trực tuyến rất dễ bị quá tải vì số lượng biển số xe máy và người truy cập cùng một thời điểm sẽ rất lớn. Do vậy, cần nâng cấp hạ tầng đấu giá trực tuyến cũng như cải thiện năng lực phục vụ, cấp biển số trước khi triển khai chính thức”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Theo luật sư Bình, việc tham gia phiên đấu giá người tham gia phải nộp tiền đặt cọc và việc đặt cọc này là điều kiện bắt buộc để được tham gia phiên đấu giá, quy định này áp dụng đối với tất cả tài sản mang ra đấu giá chứ không riêng gì đối với việc đấu giá biển số xe.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Sương, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng nhận định, bỏ cọc là một trong những vấn đề cần rút kinh nghiệm và tìm biện pháp giải quyết triệt để, sau thời gian thí điểm đấu giá biển số ô tô vừa qua.
Thực tế cho thấy nếu trúng đấu giá rồi bỏ cọc, người tham gia đấu giá chỉ mất tiền đặt cọc, không chịu chế tài nào khác. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến người tham gia đấu giá dễ dàng bỏ cọc, nhất là những người có mục đích không vì đấu giá được biển số.
Luật sư Nguyễn Sương kiến nghị, xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba, trong trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Lợi ích của giải pháp này là không cần tổ chức lại phiên đấu giá khác, tiết kiệm chi phí cho cả đơn vị tổ chức đấu giá và cơ quan giám sát đấu giá.
Đồng thời, chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, cần nghiên cứu chế tài đối với người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc; ngoài mất tiền đặt cọc thì còn bị xử phạt hành chính, đồng thời cấm tham gia đấu giá trong thời gian 1 - 2 năm tiếp theo.