Đấu giá đất gặp khó, Nam Định thu ngân sách giảm

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nam Định Vũ Đình Hồng cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Thu ngân sách tại Nam Định gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Thu ngân sách tại Nam Định gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Để đạt mục tiêu năm 2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 9.500 tỷ đồng (theo như Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023), từ nay đến cuối năm, chính quyền, cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Nam Định, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 1.815 tỷ đồng, bằng 19% dự toán năm và bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khoản thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất hơn 619 tỷ đồng, bằng 12% dự toán; thu nội địa trừ tiền sử dụng đất trên 1.027 tỷ đồng, bằng 28% dự toán năm. Thu thuế xuất nhập khẩu hơn 165 tỷ đồng, bằng 24% dự toán năm.

Ông Vũ Đình Hồng lý giải, sở dĩ địa phương gặp khó trong thu ngân sách ngay từ đầu năm là do quy mô nền kinh tế còn hạn chế; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, ngành dệt may từ đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các đơn hàng dệt may giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước...

Đối với khoản thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, do tác động từ thị trường bất động sản, ảnh hưởng tới việc bán đấu giá quỹ đất công khiến nguồn thu từ sử dụng đất bị sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách trong quý I/2023. Tính đến hết tháng 3/2023, thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh ở mức 616 tỷ đồng, đạt 12% dự toán.

Các địa bàn có số thu tiền sử dụng đất đạt thấp là: thành phố Nam Định (đạt 30,5 tỷ đồng, bằng 2,1% dự toán); huyện Nam Trực (đạt 7,6 tỷ đồng, bằng 2% dự toán), huyện Trực Ninh (11 tỷ đồng, bằng 3% dự toán), huyện Ý Yên (3,1 tỷ đồng, bằng 0,8% dự toán), huyện Giao Thủy (32 tỷ đồng, bằng 7% dự toán). Trong 3 tháng đầu năm, tỉnh chỉ có 3 huyện tổ chức đấu giá và thu tiền sử dụng đất là: Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Vụ Bản.

Năm 2023, UBND tỉnh Nam Định giao chỉ tiêu thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất 5.100 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Cục Thuế tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát quỹ đất đấu giá năm 2023, thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân lô để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; trình phê duyệt thủ tục liên quan để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và thu nộp ngân sách Nhà nước kịp thời.

UBND huyện và thành phố Nam Định thực hiện quy hoạch tạo quỹ đất mới, quỹ đất xen kẹp, xây dựng cụ thể nguồn quỹ đất để tổ chức đấu giá và bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn.

Để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thu ngân sách Nhà nước nói riêng, mới đây UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 741/QĐ-UBND về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung và thu nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt trên 8.000 tỷ đồng, bằng 121% dự toán năm./.

Vũ Văn Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-gia-dat-gap-kho-nam-dinh-thu-ngan-sach-giam/288668.html