Đấu giá đất Thanh Oai bị bỏ cọc, liệu 'sức nóng' phiên tiếp theo có lập đỉnh mới?

Sau thông tin 55/68 lô đất tại xã Thanh Cao bị bỏ cọc, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục mở đấu giá đất tại xã Đỗ Động vào sáng 5/10. Liệu 'sức nóng' của phiên tiếp theo có lập đỉnh mới?

Trước đó, vào ngày 29/8, UBND huyện Thanh Oai đã phải tạm dừng đấu giá đất đối với 114 thửa tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Theo kế hoạch, huyện Thanh Oai sẽ đấu giá các lô đất này trong hai phiên, mỗi phiên 57 thửa. Trong đó, 57 lô đợt 1 được dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 8/9. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã bị hủy.

Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo đấu giá 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Đây là các lô có ký hiệu từ 140 đến 197, thuộc dãy ONT-7 và ONT-8.

Diện tích các lô đất dao động từ 76-189m2, giá khởi điểm cho các thửa đều là 5,3 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc cho mỗi lô là 81 - 201 triệu đồng. Buổi đấu giá sẽ được thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng.

Thanh Oai (Hà Nội) sẽ tiếp tục đấu giá 58 lô đất tại xã Đỗ Động vào sáng 5.10. Ảnh: Cao Nguyên

Thanh Oai (Hà Nội) sẽ tiếp tục đấu giá 58 lô đất tại xã Đỗ Động vào sáng 5.10. Ảnh: Cao Nguyên

Hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là ngày 2/10. Sau đó, buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào sáng ngày 5/10 tại nhà thi đấu huyện Thanh Oai.

So sánh với 68 thửa đất đấu giá tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao - nơi có lô đất 100 triệu đồng/m2 vừa mới bị bỏ cọc, mức giá khởi điểm tại thôn Văn Quán có giá thấp hơn khoảng 2 lần. Tuy nhiên, do diện tích các lô tương đối lớn nên mức tiền đặt cọc của hai thôn gần tương đương nhau, theo Báo Đấu thầu.

 Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng phân lô các thửa đất đấu giá tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng phân lô các thửa đất đấu giá tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Mới đây, phía Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, dù đã hết thời gian nộp tiền nhưng mới chỉ có 13/68 lô đất tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao nộp đủ. Như vậy, 55 thửa còn lại đã chính thức bỏ cọc. Đây đều là những mảnh có giá trúng cao, dao động từ 80 - 100 triệu đồng/m².

Với kết quả trên, số tiền thu về từ phiên đấu giá chỉ khoảng 60 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với mức dự kiến là hơn 400 tỷ đồng.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn - chuyên gia pháp lý bất động sản - nhận định, việc đấu giá đất vừa diễn ra tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức có những biến động chủ yếu do đang trong giai đoạn giao thời giữa quy định pháp Luật đất đai 2013 và Luật Đất đai mới 2024 vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Tình trạng này sẽ được hạn chế khi các quy định pháp luật về đất đai, đặc biệt là Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó có chế tài xử lý rất mạnh (thậm chí cả khởi tố hình sự với một số hành vi thông đồng, móc nối để làm sai lệch kết quả đấu giá) hoặc cấm người tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm (đối với đấu giá đất thực hiện dự án hoặc khai thác tài nguyên) nếu đấu giá dự án đầu tư mà bỏ cọc.

Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm năm 2025, khi các quy định siết chặt chưa có hiệu lực, dự báo tình trạng đầu cơ đẩy giá đất qua các phiên đấu giá có thể sẽ tiếp tục tái diễn.

Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Phát triển BĐS SGO Homes (Hà Nội) - cho rằng, để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, "thổi giá", Nhà nước cần xác định lại khung giá đất phù hợp, hiện khung giá đất đấu giá thấp hơn thị trường.

Bên cạnh đó, nâng mức đặt cọc lên cao hơn, có thể chiếm 10%-20% giá trị lô đất đang đấu để giảm thiểu nhà đầu tư vào đầu cơ và thổi giá. Đặc biệt, đối với những cá nhân trúng giá đất nhưng bỏ cọc thì nên hạ điểm tín nhiệm hoặc không cho tham gia vào các phiên đấu giá đất khác, theo Báo Lao động.

KHÁNH LINH(T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-gia-dat-thanh-oai-bi-bo-coc-lieu-suc-nong-phien-tiep-theo-co-lap-dinh-moi-204240918141458431.htm