Đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát ở Hà Nội, vì sao giá trúng thầu cao gấp gần 200 lần khởi điểm?
Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn cho kết quả bất ngờ. Có mỏ cát giá trị sau đấu giá tăng 200 lần so với giá khởi điểm mà TP Hà Nội đưa ra.
Đấu giá xuyên đêm, giá trị tăng gần 200 lần
Cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Hà Nội đã được tổ chức xuyên đêm, từ 9h ngày 5/11 đến khoảng 6h ngày 6/11 mới kết thúc. Kết phiên, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá được "chốt" rất cao, gần 1.700 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với quyền khai thác mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định đơn vị trúng đấu giá với giá là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, có trữ lượng cát 508.603m3, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng đấu, giá đấu trúng giá lên tới 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu ở thị trấn Tây Đằng và 2 xã Minh Châu, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Kết quả sau 21 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được đơn vị trúng đấu giá với số tiền là 883,930 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Tổng số tiền được các tổ chức, cá nhân trả trong phiên đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên là 1.689,085 tỷ đồng.
Tổng số tiền đặt cọc để đấu giá 3 mỏ cát trên là gần 3 tỷ đồng. Trong 10 ngày tới, nếu các trường hợp trên không nộp đủ tiền sẽ mất số tiền đã cọc và cấm 1 năm không được tham gia các phiên đấu giá.
Trước đó, ngày 29/12/2022, UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác đối với 5 điểm mỏ cát (gồm 6 mỏ) đã có kết quả thăm dò trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Kế đó, ngày 20/6/2023, TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đấu giá và giá đấu quyền khai thác đối với 6 mỏ cát.
Theo quyết định, thành phố Hà Nội sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 đối với 5 điểm mỏ cát (6 mỏ cát) đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản.
Trong đó, thành phố tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) đợt 1 gồm: Mỏ Liên Mạc; mỏ Tây Đằng - Minh Châu và mỏ Châu Sơn và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ cát (3 mỏ cát) gồm: Mỏ Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô, xã Phú Cường, Ba Vì) và mỏ Thanh Chiểu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì).
Lộ diện 3 doanh nghiệp bỏ giá "khủng"
Kết quả đấu giá theo ghi nhận cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) với giá 408,489 tỷ đồng, gấp 200 lần mức khởi điểm.
Công ty này có trụ sở đặt tại số 94 phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội.
Còn doanh nghiệp vừa trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) với giá 396,865 tỷ đồng là Công ty CP Đầu tư thương mại Việt Sơn.
Theo đăng ký kinh doanh, Việt Sơn có trụ sở tại: Lô BT 5 - OBT07, khu đô thị Nam Võ Cường, đường Lý Thánh Tông, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.
Trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) với giá 883,930 tỷ đồng là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, có trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên TP Hà Nội tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên địa bàn. Trước đó đều thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu.
Về kết quả đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát nói trên, ông Quân cho hay, việc đấu giá do bên thứ ba đứng ra tổ chức, có 28 doanh nghiệp tham gia đấu giá.
“Việc doanh nghiệp trả giá cao là phụ thuộc vào tính toán và bài toán kinh doanh cũng như giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Việc đấu giá được tổ chức công khai, minh bạch”- ông Quân cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc, liệu việc đánh giá sơ bộ về trữ lượng cát tại 3 điểm mỏ nói trên không sát thực tế dẫn đến kết quả đấu giá cao, ông Quân cho hay, việc thăm dò trữ lượng các mỏ cát được xây dựng Đề án thăm dò, sau đó các Sở, ngành của TP và các chuyên gia trong lĩnh vực này họp bàn, cho ý kiến rồi trình UBND TP Hà Nội.
Tiếp đó, sẽ thuê một tổ chức chuyên thăm dò để đánh giá trữ lượng cát ở mỗi điểm mỏ, căn cứ vào đây, TP Hà Nội phê duyệt trữ lượng sơ bộ và mức giá khởi điểm ban đầu cho mỗi điểm mỏ.
Theo quy định, sau khi trúng đấu giá, các doanh nghiệp sẽ có 10 ngày để nộp tiền và làm các thủ tục tiếp theo. Mức tiền ban đầu mà 3 doanh nghiệp nói trên phải nộp lần 1 tối thiểu là 50 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được nộp trong vòng 5 năm.
Thời gian khai thác các mỏ cát sẽ căn cứ vào trữ lượng khai thác hàng năm của doanh nghiệp, nhưng không kéo dài quá 30 năm. Sau đó, doanh nghiệp nếu chưa khai thác hết trữ lượng cát có thể xin TP Hà Nội tiếp tục gia hạn.