Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Vì sao thiếu khả thi?
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) phải 'bơi' với thủ tục đấu giá thì các DN trúng đấu giá với mức cao lại 'bỏ của chạy lấy người'. Đó là những tồn tại trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay ghi nhận tại các địa phương.
Đấu giá lẻ tẻ
Dù nhu cầu sử dụng các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng rất lớn, nhưng các đơn vị khai thác tại địa phương lại gặp khó khăn trong khâu xin được cấp phép. Theo quy định hiện hành, chỉ có các kế hoạch đấu giá là được công bố, còn các quyết định đưa vào khu vực không đấu giá thì không bắt buộc phải công bố. Điều này khiến nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không tiếp cận được hồ sơ, thông tin đấu giá quyền khai thác khoảng sản (KTKS).
Trước đây, theo Luật Khoáng sản 1996, sau đó sửa đổi, bổ sung năm 2005, các giấy phép KTKS vật liệu thông thường công suất dưới 100.000 m3/năm, dưới 10 ha không phải thông qua thăm dò phê duyệt trữ lượng và không đấu giá quyền khai thác.
Nhưng từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực ngày 1/7/2011, các giấy phép đã cấp trước đó hết hạn đã không được gia hạn; đồng thời khi xin cấp phép mới phải thực hiện thêm nhiều thủ tục phức tạp không khác gì các loại khoáng sản quý hiếm. Cụ thể như: phải cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập hồ sơ thiết kế cơ sở... và sau khi cấp phép phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất để hoàn tất thủ tục đất đai mới được tiến hành khai thác.
Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản nhờ việc đưa ra đấu giá công khai các mỏ khoáng sản. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn có nhiều vướng mắc nên dù Luật Khoáng sản 2010 được Quốc hội thông qua hơn 6 năm, đến năm 2018, việc đấu giá quyền KTKS thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT vẫn chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương, việc đấu giá chỉ thực hiện lẻ tẻ ở một số tỉnh. Chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (đạt 31,7%) tổ chức đấu giá quyền KTKS thành công. Một số địa phương mới chỉ dừng ở mức thí điểm như Hà Nội, Hà Nam, An Giang, Quảng Ninh, Ninh Thuận.
Nhiều doanh nghiệp bị hủy kết quả trúng đấu giá
Công ty CP Thương mại và Xây dựng Minh Đạt (thôn Lễ Môn, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trúng đấu giá quyền KTKS mỏ cát số 177 với diện tích mỏ là 1,9 ha, tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Giá trúng đấu giá là mức tiền cấp quyền KTKS (R) = 265%. Do không thực hiện đúng quy định về đấu giá quyền KTKS, ngày 30/1/2021 DN này đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa hủy kết quả trúng đấu giá. Số tiền đặt trước của DN nộp khi tham gia đấu giá là 252 triệu đồng được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo điều chỉnh, bổ sung việc khoanh định các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Bến Tre đã điều tra, khảo sát địa chất trên 4 tuyến sông: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền, phát hiện, khoanh vẽ được 44 khu vực và 29 khu mỏ đã khai thác, thăm dò với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo lên đến 239 triệu m3, tổng diện tích trên 7.837ha.
Tiềm năng lớn như vậy nhưng Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre Bùi Minh Tuấn cho biết: Trong năm 2019 và 2020, tỉnh đã hoàn thành các thủ tục tổ chức đấu giá thành công quyền KTKS đối với 5 mỏ cát mới thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các đơn vị trúng thầu không thực hiện thủ tục để tiến hành quyền khai thác. Tính đến ngày 21/1/2021, tỉnh đã hủy 4 kết quả trúng đấu giá của các đơn vị.
Trong đó, Công ty Hiệp Hương (Tiền Giang) trúng đấu giá mỏ cát Quới Sơn có trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3 với giá trên 22,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Sơn Ninh (TP Hồ Chí Minh) trúng đấu giá mỏ An Đức - An Hòa Tây có trữ lượng 1,5 triệu m2, mức trúng đấu giá 220 tỷ đồng và Công ty CP Vận tải biển Đà Nẵng (Đà Nẵng) trúng đấu giá mỏ cát An Hiệp - An Ngãi Tây có trữ lượng 1,5 triệu m3, đấu giá trúng trên 121 tỷ đồng. Đây là 3 DN có mức trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.
Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là đã quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, nhưng các DN không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép KTKS của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo Luật Đấu giá tài sản 2016, trường hợp bị hủy kết quả trúng đấu giá thì phải tổ chức đấu giá lại. Trình tự đấu giá 5 bước được làm lại từ đầu, DN lại “bơi” với các thủ tục.