Đấu giá sâm Ngọc Linh giúp dân nghèo xóa nhà tạm

Củ sâm Ngọc Linh được đấu giá cao nhất lên đến gần 130 triệu đồng. Toàn buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng dùng để xóa nhà tạm.

Sáng 1-8, UBND huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6, năm 2024 với chủ đề “Ngọc Linh – Mãi mãi tự hào” kéo dài đến ngày 3-8 tại thôn 1, xã Trà Mai.

Video: Đấu giá sâm Ngọc Linh giúp dân nghèo xóa nhà tạm.

Đấu giá sâm Ngọc Linh lấy tiền xóa nhà tạm

Như các năm trước, lễ hội được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày với 60 gian hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trồng sâm Ngọc Linh tham gia.

 Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh tham gia hội thi. Ảnh: TN

Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh tham gia hội thi. Ảnh: TN

Hơn 80 người đăng ký tham dự hội thi sâm Ngọc Linh lần thứ 6. Vòng sơ khảo diễn ra vào chiều 31-7, chọn những cây sâm đẹp nhất để vào vòng chung kết diễn ra sáng nay.

Sau hội thi, 11 cá nhân, đơn vị đã tặng những củ sâm Ngọc Linh từ 5-15 năm tuổi đạt giải để đấu giá. Các phiên đấu giá diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia trực tiếp hoặc online.

Kết quả, củ sâm Ngọc Linh được đấu giá cao nhất lên đến gần 130 triệu đồng. Toàn buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng. Số tiền thu về từ các phiên đấu giá sẽ dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My.

“Đây là một trong những hoạt động không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2024. Nó còn có ý nghĩa nhân văn, thiết thực hưởng ứng theo chủ trương của Đảng, nhà nước trong nỗ lực xóa nhà tạm”, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My nói.

 Chuyên gia thẩm định, xác nhận sâm Ngọc Linh trước khi mang vào lễ hội. Ảnh: TN

Chuyên gia thẩm định, xác nhận sâm Ngọc Linh trước khi mang vào lễ hội. Ảnh: TN

Cách nhận dạng sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là sản phẩm quốc gia.

Tại Việt Nam, cây sâm Ngọc Linh hiện đang phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Do số lượng có hạn, cùng với giá trị kinh tế cao nhiều người xấu lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh kinh doanh gian dối nhằm trục lợi.

Ông Hồ Văn Lượng (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) - người có kinh nghiệm 34 năm trồng sâm cho biết người không có kinh nghiệm, ít tiếp xúc sẽ khó phân biệt được sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác.

“Đối với sâm Ngọc Linh, dễ nhận biết nhất là phần lá và củ. Thông thường, mỗi cây sâm Ngọc Linh sẽ có từ 5-6 lá. Lá sâm Ngọc Linh có nhiều gai (lông) bao phủ trên bề mặt lá, còn những loại sâm khác thông thường sẽ không có đặc điểm này”, ông Lượng nói.

Cây sâm Ngọc Linh với đặc tính sẽ lên mầm, thân, lá rồi ra hoa kết hạt. Sau khi hạt chín, cây sâm bước vào kỳ ngủ đông trước khi nảy mầm trở lại. Mỗi năm, phần thân cây trụi đi sẽ để lại đốt mắt trên củ.

 Lễ hội sâm Ngọc Linh là dịp để người dân cùng nhau học hỏi kinh nghiệm trồng sâm. Ảnh: TN

Lễ hội sâm Ngọc Linh là dịp để người dân cùng nhau học hỏi kinh nghiệm trồng sâm. Ảnh: TN

“Củ sâm Ngọc Linh về màu sắc cũng tương tự như các loại sâm khác. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất là các đốt mắt còn trên củ, các đốt mắt này so le với nhau”, ông Lượng chỉ cách nhận dạng sâm Ngọc Linh.

Tương tự, ông Trịnh Minh Quý (Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My, Trưởng Ban Kiểm định sâm Ngọc Linh tại lễ hội) cho hay để phân biệt được cây sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác là phần lá và củ.

“Sâm Ngọc Linh thì đốt mắt của nó mọc so le, năm nay mắt bên này thì năm sau sẽ mọc đối xứng lại hướng bên kia, xen kẻ với nhau chứ không cùng một bên như các loại sâm khác”, ông Quý nói và cho biết phần củ sâm Ngọc Linh ở một số khu vực sẽ có thêm trứng (rễ phình ra những chỗ tròn nhỏ - PV).

Trên mặt lá có răng cưa, người ta hay gọi là ‘gai, lông’. Những loại sâm khác hầu hết không có răng cưa, chỉ rất ít loại sâm giống sâm Ngọc Linh về phần lá.

Theo kinh nghiệm của ông Quý, sâm Lai Châu có đặc điểm nhận dạng phần lá gần như giống hoàn toàn với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, hai loại sâm này sẽ khác nhau ở phần củ.

 Ông Hồ Văn Lượng (chính giữa) tặng ban tổ chức 3 củ sâm Ngọc Linh để đấu giá, lấy kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm. Ảnh: TN

Ông Hồ Văn Lượng (chính giữa) tặng ban tổ chức 3 củ sâm Ngọc Linh để đấu giá, lấy kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm. Ảnh: TN

“Hầu hết các loại sâm có đốt mắt không mọc so le. Đây là đặc điểm để cho chúng ta nhận biết. Cũng có trường hợp hai năm liền đốt mắt mọc cùng một hướng nhưng không thể liên tục trong thời gian dài. Các đốt mắt đối xứng với nhau qua phần củ”, ông Quý nói thêm về đặc điểm nhận dạng sâm Ngọc Linh.

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dau-gia-sam-ngoc-linh-giup-dan-ngheo-xoa-nha-tam-post803191.html